Cảm giác thất bại ám ảnh giới trẻ Hồng Kông

15/12/2024 - 07:58

PNO - Cuộc khảo sát mới đây phát hiện gần một nửa số người trẻ ở Hồng Kông (Trung Quốc) coi mình là "kẻ thất bại", chủ yếu là do thành tích học tập.

Cảm giác thất bại ám ảnh giới trẻ Hồng Kông (Trung Quốc) - Ảnh: SCMP
Cảm giác thất bại ám ảnh giới trẻ Hồng Kông (Trung Quốc) - Ảnh: SCMP

Cuộc khảo sát do Dịch vụ Cơ đốc giáo Hồng Kông (HKCS) thực hiện đã phần nào cho thấy sức ép tâm lý nghiêm trọng mà thế hệ trẻ Hồng Kông, một trong những nơi có nền kinh tế xã hội cạnh tranh nhất châu Á, phải đối mặt.

Nghiên cứu khảo sát 597 cá nhân trong độ tuổi từ 12 đến 24 cho thấy 48,3% số người được hỏi đánh giá "chỉ số thất bại" của họ ở mức 6 trở lên trên thang điểm 10.

Những con số này, mặc dù gây sốc, nhưng đã phản ánh phần nào câu chuyện sự vỡ mộng của giới trẻ, với việc theo đuổi sự xuất sắc không ngừng nghỉ.

Hệ thống giáo dục của thành phố, từ lâu được ca ngợi vì đào tạo ra những người đạt thành tích cao, đã trở thành áp lực vô hình lên thế hệ trẻ. Học sinh thấy mình bị mắc kẹt giữa các giá trị truyền thống của Trung Quốc nhấn mạnh vào sự xuất sắc trong học tập và khát vọng theo phong cách phương Tây về sự hoàn thiện bản thân.

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng nhà ở, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt để giành được suất vào các trường đại học ưu tú và công việc lương cao, đã tạo ra "cơn bão" áp lực lên thế hệ trẻ.

Một phát hiện đặc biệt đáng chú ý là mối tương quan giữa cảm giác thất bại và sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu chỉ ra 3,4% người tham gia đã trải qua sự đau khổ về mặt tâm lý đáng kể.

Một sinh viên đại học 19 tuổi, cho biết: “Không chỉ là điểm số nữa. Có một cảm giác liên tục rằng chúng ta không làm đủ, không đủ bản lĩnh. Mỗi thất bại nhỏ đều giống như sự xác nhận về sự bất lực của chúng ta".

Các chuyên gia cho biết các yếu tố kinh tế đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng này. Chi phí sinh hoạt tăng cao và thị trường việc làm cạnh tranh của Hồng Kông đã tạo ra một môi trường mà những người trẻ tuổi cảm thấy họ không thể để mình thất bại.

Áp lực phải đảm bảo các vị trí lương cao ngay sau khi tốt nghiệp khiến họ không có nhiều thời gian để khám phá hoặc học hỏi thông qua thử nghiệm và sai sót.

Minh Hương (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI