Cảm động lời xin lỗi vợ, con của điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19

25/03/2020 - 17:13

PNO - Với những điều dưỡng, việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 là khoảng thời gian khó quên, có người còn viết nhật ký xin lỗi vợ, nhắc con tiếp bước chặng đường gian khó.

Sau một ngày làm việc cật lực tại khu cách ly Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, điều dưỡng Đặng Quốc Bảo, cởi vội bộ đồ bảo hộ, lau sạch mồ hôi rồi khử trùng trước khi đặt bút viết tiếp những trang nhật ký nơi tuyến đầu chống dịch, với những dòng chữ rất mộc mạc, chân tình: “Xin lỗi vợ, xin lỗi các con, hãy tiếp bước chặng đường ba chưa hoàn thành…”. 

Điều dưỡng Bảo đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 tại Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế
Điều dưỡng Bảo đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế

Kể từ ngày 9/3, điều dưỡng Bảo cũng như nhiều y, bác sĩ khác bắt đầu lao vào “tuyến lửa” để chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19, đến nay đã qua 15 ngày. Trong suốt khoảng thời gian đó, tất cả các thành viên của đội phòng chống dịch COVID-19 chỉ được gặp mặt, hỏi han, động viên vợ con và gia đình qua điện thoại.

Trích đoạn nhật ký của điều dưỡng Đặng Quốc Bảo
Trích đoạn nhật ký của điều dưỡng Đặng Quốc Bảo

Lật lại trang giấy của những ngày đầu tiên nhận công tác ở khu cách ly đặc biệt, điều dưỡng Đặng Quốc Bảo chia sẻ: " Lúc chuẩn bị nhận nhiệm vụ, vợ con, gia đình và bản thân ai cũng lo. Có khi nằm ngủ gặp ác mộng, sợ sau này không còn sống mà trở về. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã kịp trấn an mình, động viên vợ con, gia đình rồi mau chóng lên đường."

“Nói nhật ký cho vui vậy chứ thật ra đó chỉ là vài dòng tâm tình mộc mạc, để chia sẻ cùng vợ con thôi. Bản thân mình và các anh em thành viên trong đội chống COVID-19 ai cũng xác định mong sớm khống chế dịch, chữa lành bệnh cho những du khách để họ sớm về nước đoàn tụ cùng gia đình”.

Annh e đồng nghiệp trong đội phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế đem thức ăn trưa vào cho bệnh nhân
Anh em đồng nghiệp trong đội phòng chống COVID-19 đem thức ăn trưa vào cho bệnh nhân

Sống chung với dịch bệnh COVID-19 hơn 10 ngày, tâm trạng lo lắng của anh Bảo cũng như đội ngũ  y, bác sĩ tại khu cách ly đặc biệt cũng đỡ hơn phần nào. Tất cả bảo ban, động viên giúp đỡ lẫn nhau, cố gắng vì người bệnh, vì sứ mệnh của mình để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Sức khỏe các du khách điều trị taik Khu cách ly cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế  hiện rất khả quan
Sức khỏe các du khách điều trị tại khu cách ly cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế hiện rất khả quan

“Không biết răng, cứ mỗi lần thấy các bệnh nhân bình phục nhanh, anh em chúng tôi có cảm giác giống như người nhà của mình khỏi bệnh vậy, vui mừng… lạ lắm, không thể diễn tả hết cảm xúc đó…” - Bảo chia sẻ.

Trong khi đó “tiếp lửa”cho đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp cùng phòng Quản lý chất lượng, đơn vị quản lý dịch vụ buồng đã sản xuất các mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn.

Ông Lê Hồ Xuân Thịnh, Thường vụ Đoàn Thanh niên của bệnh viện chia sẻ, với điều kiện kinh tế khó khăn khi mỗi mặt nạ chắn có giá trị trên dưới 200 ngàn đồng, các đoàn viên đơn vị đã nghĩ ra cách làm mặt nạ chắn từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao. 

Mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn rất hiệu quả với y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc bệnh nhân
Mặt nạ chặn giọt bắn rất hiệu quả với y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc bệnh nhân

Tranh thủ thời gian rảnh, khoảng hơn 40 nhân viên của bệnh viện đã tiến hành theo từng công đoạn: cắt nhựa mica; lắp xốp thành vành mặt nạ, dán và bấm hoàn chỉnh mặt nạ… Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với chi phí khoảng 5.000-7.000 đồng.

Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với kinh phí khoảng 5.000-7.000 đồng
Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với chi phí khoảng 5.000-7.000 đồng

TS.BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là một trong những việc làm ý nghĩa, cấp thiết của Đoàn thanh niên góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Virus SARS-CoV-2 không chỉ lây nhiễm qua giọt bắn vào miệng, mũi mà các giọt bắn nếu rơi vào giác mạc cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao.” – BS Xuân cho biết.

Tính tới chiều 25/3 Bệnh viện Trung ương Huế đã làm được gần 2.500 mặt nạ. Dự kiến sẽ làm đủ khoảng 1.000 cái để cung cấp cho các y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc với các bệnh nhân mắc COVID-19 và người bệnh nghi nhiễm.

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI