Cấm dạy thêm học thêm: Cần thuốc đặc trị

12/09/2016 - 12:14

PNO - Chương trình quá căng, thời gian chính khóa không giải quyết nổi, buộc lòng người thầy phải “dạy thiếu chữ”. Để giải quyết các kỳ thi, học sinh phải đi học thêm.

Ngày 11/9, Thường trực HĐND TP.HCM đã phối hợp cùng Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình “’Lắng nghe và trao đổi” chủ đề dạy thêm-học thêm (DT-HT). Các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý đã cùng phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp cho tình trạng DT-HT tràn lan hiện nay.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, khi khảo sát chỉ số hài lòng của người dân, đến 52% có con đang học tiểu học chỉ ra rằng, giáo viên không công bằng giữa trẻ HT và trẻ không HT. Theo ông Hùng, việc DT-HT vô hình trung khiến học sinh (HS) ngại tự học, tự nghiên cứu, chỉ biết “bám” vào giáo viên, học xong đại học là đã thở phào làm xong trách nhiệm với… cha mẹ, tạo ra những con người thiếu sáng tạo.

Cam day them hoc them: Can thuoc dac tri
Ảnh minh họa

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, thực tế tuy có một số ít giáo viên tạo ra nhu cầu ảo để DT, gây bức xúc cho xã hội, nhưng phải nhìn nhận nhu cầu HT là chính đáng. Chương trình quá căng, thời gian chính khóa không giải quyết nổi, buộc lòng người thầy phải “dạy thiếu chữ”. Để giải quyết các kỳ thi, HS phải đi HT.

Các đại biểu còn chỉ ra rằng, việc DTHT cần được phân tích nguyên nhân cụ thể ở từng bậc học, loại hình trường một cách thấu đáo để chấn chỉnh, không thể có biện pháp chung cho tất cả các trường. Vì sao trường quốc tế không có DT-HT? Ở các trường tư thục có DT-HT không? Thu nhập giáo viên thấp hơn cả lao động chưa qua đào tạo, vì sao?... Nhà quản lý phải trả lời được những câu hỏi này.

TS Hùng đề xuất: Đưa DT-HT ra ngoài nhà trường; siết chặt việc quản lý các trung tâm DT-HT từ nội dung đến người thầy. Chúng ta có thể học theo Mỹ, việc phụ đạo HS yếu kém và bồi dưỡng HS giỏi là bắt buộc trong nhà trường và không thu tiền, muốn vậy thì thu nhập của giáo viên phải đủ sống. Hạ sĩ số lớp xuống còn 2/3 hiện nay. Chúng ta phải tạo ra kho học liệu mở để khuyến khích HS học mọi lúc mọi nơi; lập đường dây điện thoại để có giáo viên tư vấn mọi thắc mắc của HS khi các em cần; xây dựng chương trình học phụ đạo miễn phí trên ti vi, internet…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Sở đã nhiều lần kiến nghị nâng lương giáo viên bằng cách xã hội hóa ở những khu vực, những trường có điều kiện, dành ngân sách đầu tư cho những địa bàn còn khó khăn để tạo ra môi trường học tập tốt cho HS. Ngân sách TP dành đến 28% cho giáo dục nên đòi hỏi phải tăng đầu tư ngân sách là rất khó.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP thông tin thêm: TP đẩy mạnh đầu tư tăng tỷ lệ HS học hai buổi/ngày; phát triển trường lớp để giảm sĩ số, giảm áp lực cho giáo viên đứng lớp. TP đang xây dựng chương trình giảng dạy giảm lý thuyết, tăng thực hành, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chủ động và đang từng bước tạo ra sách giáo khoa phù hợp với điều kiện giảng dạy của TP… TP chỉ cấm DT trước chương trình, ép HS HT và sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và HS.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI