Trung Quốc đưa ra tuyên bố cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với lý do bảo vệ nguồn cá. Động thái này kích động sự tức giận từ các quốc gia ven Biển Đông, lên án Bắc Kinh tìm cách thắt chặt sự kìm kẹp đối với khu vực hàng hải và ngư trường quan trọng.
Lời tuyên bố đơn phương từ Bắc Kinh
Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm các hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển phía trên vĩ tuyến 12, bao gồm các khu vực gần bãi cạn Scarborough, quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ, để bảo tồn dự trữ nguồn cá. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ trưa 1/5 cho đến ngày 16/8 và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn mọi hoạt động đánh bắt cá.
|
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu ở cửa biển Sanya, đảo Hải Nam - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ngay lập tức, các quốc gia quanh Biển Đông cùng khai thác nguồn tài nguyên rộng lớn đã phản ứng dữ dội trước sự phi lý từ Bắc Kinh. Các cộng đồng đánh cá ở Việt Nam và Philippines kêu gọi chính phủ đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương của Trung Quốc và đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cũng cho biết trong một tuyên bố trên trang web chính thức: “Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, và nói thêm rằng lệnh cấm vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tương tự, tại Manila, các tổ chức thủy sản địa phương cũng kêu gọi chính phủ Philippines không nhượng bộ đối với sự bắt nạt từ Trung Quốc. Fernando Hicap - Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức ngư dân nhỏ quốc gia cho biết: “Chính phủ Philippines không nên lãng phí thời gian và chờ đợi các sĩ quan hàng hải Trung Quốc bắt giữ ngư dân của chúng tôi. Trung Quốc không có quyền và phẩm chất đạo đức để tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, mượn danh chiêu trò bảo tồn nguồn cá ở vùng biển mà họ không có chủ quyền pháp lý, cũng như đã phá hủy ồ ạt thông qua các hoạt động cải tạo”.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền khoảng 80% Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn”, chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa ở vùng biển vào năm 1999, nói rằng động thái sẽ giúp duy trì nguồn cá ở một trong những ngư trường lớn nhất thế giới.
Lệnh cấm năm nay xuất hiện vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia về quyền đánh bắt cá, và các nhà quan sát cảnh báo rằng bất kỳ sai lầm nào cũng có thể làm tăng nguy cơ đối đầu.
Hoạt động thù địch luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ
Tháng 4/2020, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm chìm một chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trong một động thái hiếm gặp, Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ lo ngại về vụ việc, và đề cập đến vụ va chạm tương tự với tàu Trung Quốc năm 2019, khiến 22 ngư dân Philippines bị bỏ lại giữa biển gần Bãi Cỏ Rong cho đến khi được tàu đánh cá Việt Nam cứu vớt.
Collin Koh - nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, nói rằng các chính phủ trong khu vực có thể tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng ngư dân địa phương và thực hiện những nhiệm vụ bảo vệ nghề cá. Ông Koh nhận xét: “Trong bối cảnh tranh chấp, rủi ro đối với các sự cố trên biển - khi các quốc gia tranh giành tài nguyên sinh vật ở Biển Đông - sẽ gia tăng. Nói cách khác, căng thẳng ở Biển Đông sau đại dịch có thể tăng cao, do sự tập trung ngày càng mạnh mẽ của các nước trong khu vực vào việc củng cố an ninh lương thực, nơi đánh bắt cá giữ một phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn protein".
Giữa tình hình căng thẳng, Hải quân Mỹ đã cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, hai chiến hạm USS America và USS Gabrielle Giffords hoạt động quanh Biển Đông vào cuối tháng Tư nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực; theo sau đó là động thái điều tàu đổ bộ USS Montgomery cùng tàu vận chuyển USNS Cesar Chavez đến vùng biển Malaysia vào đầu tháng Năm. Hải quân Mỹ cho biết nước này tìm cách khẳng định "quyền, sự tự do và hoạt động khai thác biển hợp pháp như được công nhận trong luật pháp quốc tế". Đồng thời tuyên bố "yêu sách hàng hải bất hợp pháp và càn quét ở Biển Đông là mối đe dọa chưa từng có đối với tự do các vùng biển, bao gồm các quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại vô hại của tất cả tàu thuyền”.
Tấn Vĩ (tổng hợp)