Mỗi buổi sáng, mở mắt ngủ dậy, chắc chắn thói quen của rất nhiều người trong chúng ta là trở mình, với tay cầm điện thoại và bắt đầu “lướt”.
Mặc dù được cảnh báo vô số lần từ chuyên gia, kênh thông tin về mối nguy hại tiềm tàng từ thói quen đó, nhưng trong vô thức, nó đã trở thành một điều hết sức bình thường với mỗi người. Ai trong chúng ta cũng sử dụng ít nhất hai kênh mạng xã hội khác nhau. Chắc chắn!
TikTok là một hiện tượng. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi ra đời, mạng xã hội này đã “phủ sóng” khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Với đặc tính “nhanh, gọn, dễ”, TikTok thịnh hành và đặc biệt, trở thành kênh “viral”, bắt “trend” chính của giới trẻ hiện nay. Với một đoạn clip vài chục giây, chỉ cần thu hút lượt người xem cao, một người bình thường có thể trở nên nổi tiếng, một “hot tiktoker” trong vài giờ, một câu chuyện bình thường có thể trở thành chủ đề hot, một quán cà phê, quán ăn ở tận hun hút hẻm sâu ngõ nhỏ có thể trở thành địa điểm nổi tiếng…
Người người đều có thể trở thành một “hot tiktoker” hết sức dễ, từ thiếu niên, người già cho đến… thầy tu. Đôi khi, bất luận clip có nội dung sáng tạo hay vô tri đến mức khó hiểu, một cá nhân có thể nổi tiếng miễn đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất: view cao.
Trên TikTok cái gì cũng có. Muốn biết chuyện gì đang “hot”, “trend” gì mới, cứ việc lên TikTok mà tìm. Xem rồi cũng thấy, ở đó không có “màng lọc” về độ chính xác hay “sạch” của thông tin. Người dùng có thể thu thập được thông tin bổ ích, nhưng cũng tiếp cận vô số thông tin độc hại. Và thông tin độc hại dần trở nên “áp đảo”. Tất nhiên, đó là hệ quả dễ hiểu của việc không có "màng lọc".
Ngày 6/4, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo sẽ thanh kiểm tra toàn diện TikTok. Sau làn sóng cảnh báo và “cấm cửa” ở nhiều nước phương Tây, gần nhất là Mỹ, việc Việt Nam đưa ra thông báo này lập tức gây ra sự chú ý từ dư luận. Thậm chí, có nhiều ý kiến đề xuất nên mạnh tay cấm cửa TikTok tại Việt Nam.
Cấm cửa hay thả nổi đều không phải là cách. Trong thời đại hiện nay, cấm một kênh mạng xã hội, rồi cũng sẽ có một kênh khác ra đời, hoặc cấm kênh này, người ta sẽ chuyển sang kênh khác. Bởi việc chủ yếu giúp cho các kênh này “sống” được đó là nằm ở nhu cầu của người dùng, mà nhu cầu đó hiện tại đang rất cao. Khi công chúng thấy thiếu, họ sẽ tìm phương tiện bù vào khoảng trống, để tiếp tục đáp ứng cơn khát thông tin của mình.
Vậy nên, quan trọng nhất là phải tìm cách quản lý một cách phù hợp, hay nói cách khác là tạo ra một khung pháp lý, thỏa thuận từ phía nhà nước với các công ty công nghệ trong việc có trách nhiệm hơn với sản phẩm của họ chứ không cần thiết và không nên cấm cửa. Cách đây vài năm, chúng ta đã từng thực hiện thỏa thuận về việc quản lý, kiểm soát thông tin với Facebook, Google.
Nhưng không phải riêng trường hợp của TikTok, ngay cả YouTube cũng đã và đang tràn lan các clip bán quảng cáo không rõ nguồn gốc hoặc các thông tin không qua kiểm chứng, trong đó có sự tham gia của cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng. Chúng ta không thể nào cứ ngồi chờ những thông tin ấy xuất hiện tràn lan, tác động hay ảnh hưởng đến tâm lý người dùng một thời gian dài đến mức trầm trọng rồi mới đi tìm cách quản lý như kiểu TikTok.
Tốt hơn hết, chúng ta nên có một khung quy định rõ ràng và thực hiện việc giám sát, quản lý ngay từ đầu, nghĩa là có biện pháp hạn chế việc thông tin độc hại lan truyền đến người dùng, thay vì để chúng phát tán tràn lan rồi mới tìm cách chặn đứng theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Khi đó, những thông tin độc hại ấy đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội rồi.
Chúng ta không thể đòi hỏi người dùng tỉnh táo hay thông minh trong việc tiếp cận và tiếp nhận thông tin, bởi khách quan mà nói, không phải ai cũng có thể có được khả năng nhận thức, xử lý thông tin như nhau. Đơn cử như trẻ em hay những người dân ở khu vực hạn chế về thông tin, trình độ dân trí, họ chính là những đối tượng hạn chế về kênh thông tin nhưng lại dễ bị tác động nhất của thông tin độc hại.
Và như đã nói, kêu gọi cấm cửa TikTok tại Việt Nam không phải là một cách hay bởi nếu hôm nay không có TikTok thì ngày mai, ngày kia, không ai dám khẳng định sẽ không có một kênh thay thế khác ra đời. Cấm cửa chưa bao giờ là cách hay, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển vượt bậc. Và thay vì cấm, đề xuất tạo ra một “màng lọc” pháp lý chung để kiểm soát thông tin độc hại trên các mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam mới là điều nên làm.
Phú Nguyễn