Cấm chém lợn, đâm trâu: Văn hóa hay thiếu văn hóa?

07/01/2016 - 14:13

PNO - "Văn hóa thì ai lại đi cấm. Anh cấm thì thành vô văn hóa và như đã nhấn mạnh không ai có quyền được cấm" - GS Ngô Đức Thịnh.

Thông tư 15 về tổ chức lễ hội vừa được Bộ trưởng Văn hóa ký ban hành. Thông tư yêu cầu "không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động, trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…" gây ra nhiều tranh cãi.

Chiều 4/1/2016, PV Báo Phụ nữ Online đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam về vấn đề này.

Cam chem lon, dam trau: Van hoa hay thieu van hoa?
GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.

PV: Lễ hội có tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu đến chết… nằm trong nhóm có nội dung bạo lực. Theo thông tư 15, nếu không thay đổi cho phù hợp, các lễ hội này sẽ không được tổ chức và bị xử phạt theo nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo? Ông có đồng ý với quyết định này không?

GS. Ngô Đức Thịnh: Bây giờ nói thì khó vì lệnh của cấp trên là lệnh tối thượng. Trong khi đó, những người đứng đầu họ dường như không hiểu vấn đề lắm nên mới đưa ra quy định như vậy. Thực ra chẳng ai lại đi làm việc đó, và thực ra không ai có quyền cấm như thế cả.

Ở đây có một mâu thuẫn, dù phía các nhà văn hóa nói như thế nào, họ vẫn không tiếp thu. Hội di sản đã trao đổi nhiều lần, bản thân tôi đã viết một báo cáo. Trong bài báo cáo ấy, tôi không trực tiếp trả lời vấn đề có nên cấm hay không. Tôi đứng ở góc độ quyền và văn hóa để phân tích.

Theo nội dung bài báo cáo, trong lĩnh vực văn hóa, không ai có quyền ra lệnh bắt người dân họ phải thế này, phải thế kia. Như vậy, vấn đề là làm thế nào để người dân thay đổi và họ phải là người có quyền tối thượng quyết định trong sự thay đổi.

Người dân có quyền được bộc lộ niềm tin của người ta theo cách này hay cách khác. Và cách thể hiện đó sẽ tự mất đi khi mà họ nhận thấy điều đó không còn phù hợp nữa. Tôi đã từng chia sẻ với người dân Ném Thượng về vấn đề này và họ rất đồng tình.

Tôi thấy rất buồn với cách ứng xử theo kiểu cứ ra lệnh thành quen rồi. Một lệnh cấm trong vấn đề này không giải quyết được vấn đề. Thực tế đã chứng minh, dù có cấm, năm nay họ thách thức đấy, năm ngoái họ cũng đã thách thức rồi. Đừng để xảy ra chuyện càng cấm họ càng làm.

PV: Cho rằng những lễ hội đó có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, như thế có đúng không thưa ông? Và vì sao?

GS. Ngô Đức Thịnh: Cho rằng những lễ hội đó có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình, nhân ái của Việt Nam... lại là quan điểm "mù" nữa. 

Chỉ cần lập luận đơn giản thế này thôi, nếu coi như thế thì chẳng hóa ra hàng nghìn năm nay, người dân Ném Thượng không yêu hòa bình, nhân ái hay sao. Vấn đề không phải như thế vì bản chất của việc này khác hoàn toàn.

Tôi cũng đã từng chia sẻ với người dân Ném Thượng, hồi đó cũng có rất nhiều nhà báo ở đó. Tôi đã nói thẳng, riêng trong việc này, nhà báo đã làm một việc không tốt. Tại sao anh được phép lên án người dân Ném Thượng dã man, và thực sự người ta có dã man không? Những điều anh phản ánh đó, anh chỉ nhìn ở mặt hình thức thôi.

Trước đây tôi cũng can thiệp một lễ hội rượu, người ta bảo cứ thế này, thế kia... Nhưng lễ hội này có từ thời Lý đến giờ, nếu thế thì cả làng họ say rồi. Nói để thấy những tư duy rất trần tục và không hề logic.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI