Cầm biển ở đường xin việc: "Sao lại lên án người dám vượt lên số phận"?

21/08/2015 - 05:30

PNO - Việc có ý định tuyển dụng N vào làm việc, phía doanh nghiệp khẳng định không phải hình thức PR cho công ty.

Hình ảnh tân cử nhân Phùng Đức N (25 tuổi, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) với dáng người nhỏ thó, đeo kính cận thư sinh cầm tấm bảng xin việc ở khu vực đường Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạo nên làn sóng tranh luận những ngày qua.

Lý do đứng ngoài đường cầm biển xin việc được N nêu: “Cần một công việc để mua sữa cho con”. N vừa tốt nghiệp trường Đại học Điện lực Hà Nội và đang chờ ngày lấy bằng. N xây dựng gia đình khi còn là sinh viên, đứa con đầu lòng cũng mới chào đời.

Cuộc sống gia đình khốn khó, N từng đi xin việc ở 1 vài nơi nhưng bị từ chối.

Cam bien o duong xin viec:
Hành động của N đã nhận được khá nhiều "gạch đá", nhưng cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người

Hành động của N đã nhận được khá nhiều "gạch đá", có ý kiến cho rằng đó là sự thất bại, sự nhục nhã nhưng cũng có nhiều người ủng hộ N vì cho rằng, chẳng có gì phải xấu hổ, bước đường cùng không có gì đáng trách. Thậm chí, một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã bày tỏ mong muốn giúp đỡ cá nhân Phùng Đức N có được một công việc ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.

Phóng viên Phụ nữ TP.HCM online đã có buổi trao đổi với đại diện doanh nghiệp này - ông N.Q.Q - Trưởng phòng Kinh doanh.

"Tại sao cứ phải ép người khác làm giống mình"

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc lý do doanh nghiệp mình muốn tuyển dụng Ninh vào làm việc ở thời điểm hiện tại?

Chúng tôi sắp xếp công việc cho cậu ấy đi làm cũng là để N có cơ hội khẳng định bản thân mình.

Hơn nữa, ở thời điểm này, phía công ty chúng tôi cũng đang cần tuyển 2 vị trí làm về pin năng lượng mặt trời. N cũng học về điện và hoàn toàn phù hợp với chỉ tiêu chúng tôi đưa ra.

Tất nhiên chúng tôi cũng cần tuyển người có kinh nghiệm nhưng thường kinh nghiệm này có thể giúp cho nhau để có được. Một người học nhanh sẽ tiến bộ trong vài tháng, người nào học không nhanh hoặc không chịu học hỏi thì có kinh nghiệm mấy cũng không làm được việc.

Nhưng có thể, thời gian này, có nhiều luồng dư luận “đổ” về phía N nên N cũng ngại và có hẹn lại chúng tôi sẽ đến gặp sau khi những luồng dư luận kia đã lắng xuống.

- Có một số thông tin cho rằng, Ninh hiện tại đã về quê ở Bắc Ninh vì không chịu được những áp lực từ dư luận. Phía công ty mình có biết được thông tin này?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng đã nắm được điều này. N cũng đã liên lạc với chúng tôi xác nhận thông tin mình đang ở quê.

N cũng nói hiện tại đang bị áp lực nhiều quá và phải về quê, sau này dù Ninh có vào làm tại công ty chúng tôi, cậu ấy cũng không mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về mình. N chỉ muốn yên ổn làm ăn.

Tôi cũng động viên N là kệ thôi, đó là việc của xã hội còn mỗi người có công việc của mình. N vẫn cứ đi làm đàng hoàng và chúng tôi sẽ bố trí công việc để N có cơ hội khẳng định mình.

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, hành động đó của N là sự “nhục nhã” và cách kiếm việc của N là “không giống ai”?

Tôi rất bức xúc về ý kiến đó. Theo tôi, chúng ta không nên vùi dập một con người. Người ta làm như thế có ảnh hưởng gì tới xã hội đâu, cũng không vi phạm pháp luật.

N cầm biển đứng ở lề đường như thế cũng là một cách đi xin việc thay vì cách truyền thống như nhiều người vẫn làm là cầm hồ sơ tới nhà tuyển dụng.

Có thể N không làm đúng như quy trình mọi người đi xin việc vẫn làm nhưng chúng ta không nên áp dụng một vấn đề nào quá theo quy trình. Cứ sai quy trình lại nói người ta thế này thế khác là không được.

Tại sao cứ phải ép người khác làm đúng như mình mới là tốt đẹp, vinh quang, còn ai làm sai cách cùa mình lại là gọi là nhục nhã?

- Chính những suy nghĩ đó đã khiến cho N phải chịu nhiều áp lực, ông có chia sẻ gì về điều này?

Áp lực ở đâu cũng vậy, đó là “miệng lưỡi thế gian”. Nếu mọi người biết sâu trong nội tình câu chuyện rồi thì không sao nhưng không biết thì miệng lưỡi còn ghê gớm hơn nhiều. Chính vì thế chúng ta không nên quy chụp mà cần động viên N.

Tôi nghĩ, hành động của N cần hoan  nghênh vì N đã dám nghĩ, dám làm.
Hỏi có bao nhiêu người dám làm như vậy? Con số ấy chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có những cử nhân như N đã dám vượt lên số phận, bán sức lao động và làm những công việc chính đáng thì lại bị lên án. Còn nhiều người đi trộm cắp, cướp của, giết người tại sao không bị lên án?

Nguyễn Huệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI