Cảm biến giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

30/11/2023 - 06:22

PNO - Nhóm IIT Guwahati từ Viện Công nghệ Ấn Độ đã phát triển một cảm biến phát hiện được lượng đường huyết (GI) trong các nguồn thực phẩm khác nhau. Điều này rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Nghiên cứu được Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin (MeitY) và Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) tài trợ.

 


Theo các nhà nghiên cứu, chỉ số GI là thước đo các loại thực phẩm có chứa carbohydrate dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đến lượng đường trong máu khi tiêu thụ. Thực phẩm có GI thấp thì khi ăn sẽ làm đường huyết tăng chậm. Mặt khác, thực phẩm có GI cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên rất khó khăn.

Giáo sư Dipankar Bandyopadhyay - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, trong khi một số cảm biến tập trung vào việc xác định căn bệnh thì cảm biến này có tác dụng giảm thiểu bệnh tật. Việc biết được chỉ số GI của thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. “Các biến chứng do bệnh tiểu đường, như bệnh thận và gan mạn tính, thực sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chúng tôi muốn chỉ ra mối tương quan giữa đồ ăn vặt và GI để giúp thế hệ tiếp theo thoát khỏi bệnh tiểu đường. Người ta có thể thực hiện chế độ ăn kiêng được cá nhân hóa nhờ cảm biến có độ chính xác cao của chúng tôi và kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn” - ông nói.

Prathu Raja Parmar - người có nền tảng về kỹ thuật thực phẩm và đang nghiên cứu về các vấn đề khác nhau trong thực phẩm - giải thích rằng tất cả những gì chúng ta cần làm là cho một ít thực phẩm lên cảm biến và chờ kết quả xem thực phẩm đó có chứa tinh bột tiêu hóa nhanh (RDS), tinh bột tiêu hóa chậm (SDS) hoặc tinh bột kháng tiêu (RS) hay không. 

“RDS dễ tiêu hóa và được tìm thấy trong thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, có thể làm tăng mức đường huyết của bạn. Thức ăn nhanh như mì, bánh quy giòn và bánh quy chứa rất nhiều RDS. SDS cần có thời gian để tiêu hóa và sẽ không làm tăng mức đường huyết của bạn ngay lập tức. Nó có thể giúp giảm thiểu bệnh tiểu đường. RS không dễ tiêu hóa, giúp bạn no lâu và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường” - giáo sư Dipankar giải thích. 

Khi thử nghiệm thiết bị trên các loại thức ăn nhanh như bánh quy giòn, bánh quy, khoai tây chiên và bánh mì, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng bánh quy giòn có nhiều RDS nhất, tiếp theo là khoai tây chiên, sau đó là bánh mì nâu.

Hà Thuỵ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI