California lên kế hoạch “sống chung” với COVID-19

19/02/2022 - 13:59

PNO - Hôm 17/2, Thống đốc bang California (Mỹ) - ông Gavin Newsom - đã vạch ra kế hoạch chính thức chuyển sang phương pháp tiếp cận “đặc hữu” để “sống chung” với COVID-19.

California là bang đầu tiên ở Mỹ chính thức đưa ra kế hoạch chi tiết để chuyển sang sống chung với loại virus mà gần 2 năm trước đây đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch. California cũng bang đầu tiên ở nước này thực hiện các lệnh phong tỏa vào tháng 3/2020, tức thời gian đầu đại dịch.

Thống đốc bang California (Mỹ) - ông Gavin Newsom đưa ra kế hoạch sống chung với COVID-19
Thống đốc bang California (Mỹ) - ông Gavin Newsom đưa ra kế hoạch "sống chung" với COVID-19

Với kế hoạch này, California sẽ không còn áp đặt các lệnh phong tỏa và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, vốn từng được thực thi nhằm ngăn chặn và phản ứng nhanh với các đợt bùng phát dịch.

Hiện, bang vẫn yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học, và dự kiến đến ngày 28/2 sẽ có thông báo chính thức về thời gian ngưng áp dụng quy định này đến phụ huynh và học sinh.

Tính đến ngày 16/2, California đã bỏ quy định đeo khẩu trang trong các không gian kín, mặc dù vẫn còn một số quận trong bang áp dụng quy định này.

“Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn khủng hoảng sang một giai đoạn mới mà chúng ta sẽ phải sống chung với loại virus này. Đại dịch này không biết đến khi nào mới kết thúc. Và có thể sẽ không có kết thúc”, ông Newsom phát biểu trong một cuộc họp báo ở Los Angeles hôm 17/2.

Để sống chung với COVID-19 như một bệnh đặc hữu, California đưa ra một khẩu hiệu được viết tắt bằng từ SMARTER - là viết tắt của các từ Tiêm ngừa (Shots), Đeo khẩu trang (Masks), Nâng cao nhận thức (Awareness), Sẵn sàng ứng phó (Readiness), Xét nghiệm (Testing), Tăng cường giáo dục (Education)  Cải thiện phương pháp điều trị (Rx).

Theo kế hoạch, California cũng sẽ chi ra hàng tỷ USD để nhanh chóng kiểm soát các đợt bùng phát dịch mới, hoặc sự xuất hiện của các biến thể mới, trong đó có việc dự trữ 75 triệu khẩu trang, thiết lập cơ sở hạ tầng để cung cấp đến 200.000 lượt tiêm chủng và 500.000 lượt xét nghiệm mỗi ngày nhằm ứng phó với trường hợp bùng phát dịch và bổ sung thêm 3.000 nhân viên y tế trong vòng 3 tuần tại các khu vực có dịch bệnh.

Nếu một biến thể mới được phát hiện, các quan chức của bang sẽ cố gắng xác định trong vòng 30 ngày liệu các phương phép xét nghiệm, điều trị và các loại vắc xin hiệu hữu có hiệu quả chống lại nó hay không. Kế hoạch cũng kêu gọi một nghiên cứu đầu tiên trong nước về tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch đối với con người và cộng đồng trong dài hạn.

Nhất Nguyên (theo Yahoo News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI