Cái “tủ lạnh” của nội

16/06/2021 - 19:34

PNO - Cái chạn bát ấy cùng với thời gian trở nên cũ kỹ. Đêm đêm, có con côn trùng trong thớ gỗ kêu ken két. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nội cùng cái chạn bát tuổi thơ, nơi nội yêu thương con cháu qua những món ăn quê.

Không biết cái chạn bát đó có tự thời nào. Chỉ biết khi tôi khoảng năm tuổi, bắt đầu có cảm nhận cuộc sống, thì cái chạn bát đó đã là một vật dụng thân thuộc trong nhà.

Những năm 1980, 1990, chạn bát có mặt trong hầu hết các gia đình như một minh chứng của những năm khó khăn khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh.

Cái chạn bát đó chỉ được dựng lên sơ sài bằng những tấm gỗ, khi thành phẩm là một hình chữ nhật, với nhiều vách ngăn, dùng để đựng đồ ăn còn thừa bữa cơm trước. Những bát đũa, đồ sành sứ cũng được gia chủ để trong đó.

Cái cửa chạn bát được dùng từ tấm lưới đan, nhằm ngăn chặn ruồi gián xâm nhập, và cũng để cho thoáng khí, tránh đồ ăn phía trong ôi thiu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái cửa bằng lưới đan rất chắc chắn. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần tôi đi học về, mở cửa chạn bát lấy đồ ăn, bao giờ cũng có con chuột nhảy phóc ra. Đôi khi nó còn đang nhai dở miếng tóp mỡ nội chiên và cất cẩn thận trong đó.

Thời đó chưa có dầu ăn như bây giờ. Mỗi dịp tết đến, ba bốn nhà cùng chung nhau mổ một con heo. Phần mỡ heo được sử dụng triệt để.

Nội xắt nhỏ mỡ heo, rồi chiên liu riu lửa, cho tới khi phần mỡ được tiết ra hết, chỉ còn lại phần tóp mỡ màu cánh gián, giòn rụm. Nội để mỡ heo cho nguội, rồi rót vào cái hũ sành, dùng để chiên rán đồ ăn trong thời gian tới. Phần còn lại là tóp mỡ. 

Đôi khi nội để chúng tôi bốc nhón ăn hết. Có những lúc nhà hết tiền, không còn thức ăn, nội dùng phần tóp mỡ đó, rim lên với nước mắm.

Tới bữa, lũ trẻ háu đói chúng tôi "chở" ba bốn bát cơm chỉ với phần thức ăn đặc biệt như vậy. Phần còn lại, nội để cẩn thận trong chạn bát.

Vậy mà có những lần, khi cơm nước xong xuôi, mở cửa chạn bát ra, cả nhà tiu nghỉu vì phần tóp mỡ đã bị con mèo ăn vụng hết. Nhưng nội ngăn chúng tôi mắng con mèo nhỏ. Theo lời nội, con vật cũng biết đói. Nếu chúng tôi lo cho vật nuôi trong nhà đủ đầy, chúng cũng sẽ không vì đói mà lén ăn vụng như vậy.

Cái chạn bát như một thế giới thu nhỏ đầy hấp dẫn với lũ trẻ chúng tôi. Những năm đói kém đó, mỗi lần tan trường trở về nhà, bụng chúng tôi bao giờ cũng sôi sùng sục vì đói. Việc đầu tiên  là quẳng cái cặp sách, rồi lao xuống bếp, mở cái chạn bát ra, hít hà xem hôm nay nội cất món gì trong đó, đặng ăn cho đỡ đói. 

Nội biết chúng tôi đói, nên bao giờ cũng thủ sẵn đồ ăn cho tụi nhỏ. Khi thì tóp mỡ, khi thì vài ba cái bánh rán chiên giòn, có đôi khi mùa nào thức nấy, nội để sẵn hoa quả hái chín từ  vườn sẵn vào trong chạn bát.

Những quả lê ki ma vàng rực, thơm nức, da bề ngoài nứt ra, thời đó trở thành món ăn cứu đói cho tụi nhỏ chúng tôi. Nội trảy quả từ trên cây cao xuống, một phần biếu xóm giềng, phần còn lại, nội để tụi nhỏ chúng tôi ăn dần.

Nhiều hôm lê ki ma chín rộ, chúng tôi ăn quả trừ bữa, chẳng cần ăn cơm. Giờ đây, thứ quả quê dân dã ấy không còn phổ biến. Trẻ con sinh ra thời này, nhiều bé không biết có trái lê ki ma.

Cái chạn bát ấy cùng với thời gian trở nên cũ kỹ. Đêm đêm, có con côn trùng trong thớ gỗ kêu ken két. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nội cùng cái chạn bát tuổi thơ, nơi nội yêu thương con cháu qua những món ăn quê.

Rồi nội đi về nơi xa, xã hội dần đổi mới, hiếm gia đình nào dùng cái chạn bát đó nữa, thức ăn bây giờ chủ yếu được cất trong tủ lạnh. Chúng tôi lớn lên, không còn "đói" như xưa, nhưng phần ký ức thời đói kém đã là hành trang để chúng tôi lớn lên và trưởng thành. 

Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI