'Cái tủ châu Á' trong gian bếp gia đình cô dâu Việt ở trời Tây

02/02/2018 - 10:00

PNO - Chính sự lệch nhau về ăn hóa giữa vợ Việt - chồng Tây, ngăn tủ châu Á đặc trưng này đã xuất hiện.

Đặc điểm chung của mỗi cặp vợ Việt - chồng Tây là trong mỗi gian bếp gia đình đều hiện hữu một "ngăn tủ châu Á", là cánh tủ rất đặc biệt bao gồm những vật dụng và chủ yếu là đồ ăn có nguồn gốc đặc trưng Việt Nam mà các chị em lấy chồng Tây sở hữu riêng, so với những nguyên liệu bếp núc nói chung ở đất nước sở tại.

Cái tủ châu Á này bao gồm những gì: nước mắm, mắm tôm, vỏ nem rán, bánh phở, quế hồi, thảo quả... Ban đầu, quy mô ngăn tủ này còn nhỏ, nhưng tỉ lệ thuận với thời gian chị em về làm "dâu Tây", nguyên liệu trong cánh tủ ngày càng đầy lên, đôi khi "lấn sân" sang cả cài tủ dùng chung của cả gia đình.

'Cai tu chau A' trong gian bep gia dinh co dau Viet o troi Tay
Ngày càng có nhiều cặp vợ Việt - chồng tây kết hôn, kéo theo cả một câu chuyện dài về thích nghi văn hóa. Nguồn Internet

Chị Minh Anh lấy chồng Đức và sang sinh sống ở đất nước sở tại đã năm năm theo diện bảo lãnh của chồng, chia sẻ: "Hồi đầu ngăn tủ này có chút xíu, mình đựng vài nguyên liệu lèo tèo để cuối tuần làm món Việt giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng miền cho chồng. Sau rồi cùng với thời gian, mình đi đây đi đó, biết thêm nhiều cửa hàng châu Á ở gần nơi mình sinh sống, bạn bè Việt kết giao cũng nhiều, trao đổi hàng hóa cũng vì thế mà phong phú hơn. Thành thử chỉ hơn một năm sau mà "cái tủ châu Á" của mình đã đầy ứ ự. Ông xã Đức có lần nhìn thấy kinh ngạc thốt lên "trời đất ơi, anh không còn nhận ra đây là cái tủ của một gia đình người Đức nữa. Đó chắc hẳn là gian hàng bán đồ trong cửa tiệm châu Á thì đúng hơn".

Tuy nhiên cũng có những ông chồng Tây khó tính, hoặc do thói quen ăn uống không ngửi được những gia vị đặc trưng đồ ăn Việt, nên không mấy mặn mà với "cái tủ châu Á" này của vợ Việt. "Ông xã mình nói mùi mắm tôm "nặng mùi" quá ổng không quen. Mình biết ý nên mỗi lần lấy ra sử dụng phải lựa lúc chồng không có nhà, khi đóng hộp lại phải bọc hai, ba lần túi bóng để tránh mùi phát tán trong không khí" - chị Trang lấy chồng Pháp và đã có hai bé lai xinh xắn với người đàn ông bản địa này chia sẻ.

Cũng từ cái ngăn tủ châu Á đặc trưng này, có nhiều câu chuyện buồn cười đã xảy ra. Chị Mai quê gốc Nam Định, lấy chồng Hà Lan và định cư ở đất nước này ba năm, chia sẻ: "Có nhiều chị lấy chồng Tây, may mắn sở hữu người chồng dễ chịu nên bỏ qua những khác biệt trong thói quen ăn uống của vợ. Nhưng điều đó không đến với bản thân mình. Ông xã người Hà Lan cực kỳ khó chịu với mùi nước mắm, mắm tôm hiện hữu trong gian bếp gia đình mỗi khi mình nấu món Việt. Mình đã cố gắng nấu bún mắm, làm chả giò, ban đầu pha nước chấm với tỉ lệ nước mắm rất ít để ông xã ăn và thích nghi dần, nhưng ổng không chịu cứ lắc đầu quầy quậy. Thôi ông xã không ăn thì mình ăn, nhưng "ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân, nghĩ cũng buồn".

Có lần lựa chồng đi ra khỏi nhà, chị chưng mắm tôm thơm phức để ăn bún đậu mắm tôm - món ăn mà hồi còn ở quê nhà chị rất ưa thích. Ai dè đang giữa chừng thì ông xã có thứ để quên nên lò dò quay về nhà. Vừa mở cửa phòng, ông Tây mắt xanh mũi lõ đã la lên: "Trời ơi trong nhà có mùi chuột chết!" làm chị vừa xấu hổ vừa tủi thân, lẳng lặng đóng cửa phòng ngồi khóc tấm tức...

'Cai tu chau A' trong gian bep gia dinh co dau Viet o troi Tay
Từ trong ngăn bếp của mỗi gia đình trẻ là một câu chuyện về sự thích nghi và chấp nhận thói quen cũng như sự khác biệt của nhau. Nguồn: Internet

Chị Minh Anh lấy chồng Đức thì có một kỷ niệm khó quên với nguyên liệu từ "cái tủ châu Á" mà chị sở hữu trong căn bếp vốn không hề rộng rãi.

Số là có lần, chị vừa đi cửa hàng châu Á mua đồ Việt về nấu nướng bày vẽ cuối tuần thì cùng lúc mẹ chồng Đức đến thăm. Không muốn mẹ nhìn thấy cảnh đồ đạc bừa bộn trong bếp nên chị nhanh tay dọn những nguyên liệu vừa mua về, quýnh quáng thế nào để lọt tay làm chai nước mắm vừa mua rơi đánh choang xuống nền, vỡ tung tóe, mùi nước mắm thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nơi. Mẹ chồng chạy vào, ngạc nhiên kinh hãi với mùi nước mắm mà lần đầu tiên trong đời bà được tiếp xúc. Tuy chồng biết ý, chạy vào lau dọn giúp vợ, nhưng sau vụ đấy, chị vừa xấu hổ vừa tủi thân vì hình ảnh đẹp tạo dựng trong mắt mẹ chồng thuyên giảm đi ít nhiều.

Ở các nước phương tây, mũi heo tai heo không được bày bán trong các cửa hàng siêu thị vì không có người mua. Dân bản xứ không ăn, nội tạng tim gan lòng heo càng không. Thế nên mỗi lần muốn ăn những đồ này, chị em Việt phải đến tận lò mổ đặt trước, nhiều khi chủ lò mổ còn hào phóng cho không. Có lần chị Mai, lấy chồng Đức, vì nhớ món tai heo mũi heo luộc chấm nước mắm ớt nên cất công đến tận lò mổ mua mang về. Nhìn thấy cảnh người vợ Việt hiền thục mặt mũi sáng rực ngồi thái cái tai heo đang ve vẩy, vừa thái vừa chấm nước mắm ăn ngon lành, ông chồng Đức kinh hãi bỏ của chạy lấy người. Từ lần đó, chị Mai không bao giờ tái diễn cảnh tượng đó trước mặt chồng nữa, phải đợi chồng đi làm rồi mới dám giở "đồ nghề" ra tiến hành.

"Mình có thể cười với những phản ứng thái quá của chồng Tây nhưng thật sự để họ trực tiếp nhìn thấy như vậy quả là một cú sốc văn hóa. Thế nhưng, hầu hết các "sự cố" này chỉ xảy ra ở những giai đoạn đầu chưa hiểu nhau, các cô gái Việt Nam rất tinh ý và khéo léo, chỉ cần một thời gian, họ hoàn toàn có thể dung hòa, cảm hóa được ông chồng khác biệt của mình ngay", chị Mai vui vẻ tâm sự.

Mai Lâm
(CHLB Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI