"Cái truyền hình" thuở ấy

19/10/2021 - 21:17

PNO - Năm chị Hai tôi thi đậu tú tài một, má dắt mấy chị em lên nhà cậu ở Sài Gòn chơi, coi như phần thưởng. Cậu hỏi: “Mấy chị em thích cái truyền hình hay cái máy may, cậu sẽ mua tặng”. Vừa nghe hai tiếng “truyền hình” mấy chị em tôi mừng rú lên, nhảy tưng tưng, quyết ngay: “Cái truyền hình ạ!”.

Năm chị Hai tôi thi đậu tú tài một, má dắt mấy chị em lên nhà cậu ở Sài Gòn chơi, coi như phần thưởng. Cậu hỏi: “Mấy chị em thích cái truyền hình hay cái máy may, cậu sẽ mua tặng”. Vừa nghe hai tiếng “truyền hình” mấy chị em tôi mừng rú lên, nhảy tưng tưng, quyết ngay: “Cái truyền hình ạ!”. 

Nhưng má dội gáo nước lạnh bảo cậu: “Em tặng áo dài cho con Hai là được rồi, mua cái truyền hình tốn tiền dữ lắm, bây giàu có gì đâu!”. Kệ má nói sao, cậu cũng nhất định sẽ mua tặng. Má và cậu rời quê nhà ở miền Bắc, vào Nam lập nghiệp. Má ở quê, cậu ở Sài Gòn. Lâu lâu má gửi gạo ở quê lên phố; cậu gửi bột ngọt, bánh trái ngược về. “Có hai chị em nơi xứ lạ quê người, em không thương chị thì thương ai”, câu nói của cậu khiến má rưng rưng.

Rồi một chiều, xe đò dừng trước nhà, tiếng cậu ơi ới: “Mấy đứa đâu, ra phụ cậu khiêng cái truyền hình xuống”. Cả nhà nhào ra, nhảy nhót ăn mừng. Ba dẹp hẳn tủ ly ở giữa nhà để đặt “cái truyền hình”.

Tôi còn nhớ “cái truyền hình” lúc đó y hệt cái tủ gỗ nhỏ, có bốn chân cao lêu nghêu. Mặt “cái truyền hình” là tấm kính cong, đục đục. Hai bên là mặt loa và mấy cái nút đầy bí ẩn. Trên nóc đặt chiếc ăng ten như hai cọng râu con kiến. Mặt ngoài “cái truyền hình” có lớp cửa kéo, khi không sử dụng thì kéo lại là kín bưng. Phía sau “cái truyền hình” thò ra hai cọng dây điện, nối với hai chiếc kẹp. Chỉ cần kẹp vào bình ắc quy là có thể bật xem truyền hình ngon lành.

Ba má dặn đi dặn lại mấy chị em không được chơi gần đó, kẻo ngã vào “cái truyền hình” làm nó bể. Cũng không được ném đồ, lỡ văng trúng. Cũng không được sờ, vặn lung tung, lỡ làm trầy xước, hư hỏng. Chỗ để “cái truyền hình” là… bất khả xâm phạm.

Nhà tôi có “cái truyền hình” không chỉ là sự kiện lớn trong gia đình, mà còn của cả lối xóm. Những năm 1970, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, ti vi là thứ xa xỉ. Cũng vì là thứ xa xỉ nên chỉ đến tối Chủ nhật, có chương trình cải lương, ba má mới mở.

Từ chiều, con nít trong xóm đã lảng vảng trước nhà, chờ tới giờ xem cải lương. 19 giờ, người lớn trong xóm lục tục kéo tới. Ba tôi pha sẵn bình trà, mời các bác, các chú vào bàn, vừa uống trà vừa xem. Các dì các thím thì ngồi với má bên bộ ngựa gỗ. Con nít thì khỏi nói, chen nhau ngồi bẹp giữa nhà. Đứa nào đi trễ, hết chỗ ngồi, phải đeo cửa sổ ngó vô.  

Nhớ thuở ấy, mỗi lần chơi bắn bi, tạt lon cùng đám bạn, bị chơi xấu, tôi hay đe: “Tao không cho mày qua nhà tao coi truyền hình”. Có lần má nghe được, nghiêm khắc bảo tôi: “Cái truyền hình là nhờ cậu tặng. Nhà mình làm cả đời cũng không mua nổi. Con không nên kiêu ngạo”. Tôi không dám cà chớn nữa. Có lần sắp tới Chủ nhật mà bình ắc quy cạn, má không có tiền sạc bình. Dì Sáu hàng xóm rủ thím Út, cô Năm… hùn tiền cho má sạc, vì “cả tuần trông tới Chủ nhật để coi cải lương, không được coi, buồn chết!”.

Năm đó mợ mất, ba má dắt mấy chị em lên Sài Gòn viếng mợ. Nhìn mặt cậu thất thần, má thương đứt ruột. Từ đó, tháng nào má cũng nói ba xách gạo, cá khô, rau trái lên Sài Gòn tiếp tế cho cậu. Hai năm sau cậu cũng đột ngột ra đi, để lại năm đứa con, đứa lớn mới 18 tuổi. Má dắt ba đứa con nhỏ của cậu về nuôi. Tụi nó trạc tuổi tôi nên những lúc chơi cùng không tránh khỏi cảnh tranh giành, cãi lộn. Má kéo tôi ra, dặn: “Thương em nghe con. Cậu con có củ khoai, trái bắp cũng nhường cho má, giờ cậu mợ không còn, anh em nó bơ vơ, sao con lại không thương?”. Tôi len lén nhìn vô góc nhà, chỗ để “cái truyền hình”, nghe như văng vẳng tiếng cậu năm nào. Tôi lại đi tìm mấy đứa em để dỗ. 

“Cái truyền hình” là cả gia tài, vậy mà cậu vẫn ráng mua tặng má, thì má cũng vì cậu mà hết lòng, nuôi lớn mấy đứa con của cậu. Hai đứa được học cao đẳng, một đứa theo nghề buôn bán của má. Giờ dưới suối vàng, hẳn má và cậu được nối tiếp sự đùm bọc, chở che.

Nguyễn Văn Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI