“Cái tôi” của con - nỗi sầu cha mẹ

08/08/2016 - 16:41

PNO - Khi “cái tôi” với quyền tự do lựa chọn, tự hoạch định đời mình đang trở thành xu hướng được giới trẻ đề cao thì đâu đó, nơi góc nhà, có những bậc sinh thành đành ngậm ngùi, đau đớn bị tước mất… “quyền phụ huynh”.

Bất lực

Trước những quyết định mang tính định hướng đối với cuộc đời con, người làm cha mẹ thường có tâm lý áp đặt, thích sử dụng “quyền phụ huynh” nhằm can thiệp, thậm chí bắt ép con nghe theo mình. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, khi con cái có tính cách mạnh mẽ, sớm ý thức tự quyết, cha mẹ lắm khi rơi vào tình cảnh bị động, kiểu “con đặt đâu ta ngồi đó”. Với một đứa trẻ tự cho mình quyền định đoạt, ngay cả một ông bố/ bà mẹ được xem là thoải mái, “tân tiến” cũng khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, khó chịu lẫn buồn phiền bởi ý nghĩ không kiểm soát được con.

Ngày nay, khi câu chuyện người trẻ phương Tây tròn 18 tuổi - sau lễ trưởng thành - hoàn toàn có thể tự chủ cuộc sống, khởi đầu bằng việc “ra riêng”; cho đến “làn sóng hồi ký” của những người thành đạt có tuổi thơ bươn bả, sớm tự lập trở thành nguồn cảm hứng bất tận, thì người trẻ khắp nơi đã không còn muốn chịu sự chi phối, quá lệ thuộc vào ý kiến gia đình. Xu hướng cho phép tự do chạy theo đam mê, sở thích, lập hướng đi riêng khiến người trẻ, lắm khi bất chấp mọi cản trở - ngay cả phản ứng tiêu cực từ phụ huynh. Hậu quả là “khoảng cách thế hệ” ngà y cà ng rộng thêm.

“Cai toi” cua con - noi sau cha me
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Hai ngày nay, vợ chồng ông Thục - bà Thùy chìm trong buồn đau khi Vân Anh - cô con gái duy nhất rời khỏi nhà. Trước đó, khi được hai người bạn rủ mở quán cà phê, Vân Anh đồng ý. Cô xin cha mẹ cho ra ngoài thuê trọ sống cùng bạn nhằm tiện việc kinh doanh. Tuy nhiên, vừa nghe con trình bày, bà Thùy gay gắt: “Nhà ngay Q.3, mất chưa đầy 20 phút là con lên đến giảng đường thì ra ngoài sống làm gì?”.

Ông Thục ngạc nhiên: “Con cần bao nhiêu tiền mà phải làm ăn vất vả”. Họ thay phiên phân tích những lợi bất cập hại, nhưng Vân Anh lý lẽ: “Con mở quán không đơn thuần vì mục đích kiếm tiền. Con chẳng còn trẻ để ba mẹ bao bọc. Con muốn được trải nghiệm cuộc sống tự lập như các bạn của con”. Vân Anh cho rằng, cuộc sống của cô thật… tẻ nhạt, ngoài đi học, cô không phải động tay vào bất cứ điều gì. Trong khi đó, những người bạn tỉnh lẻ đang trải qua đời sinh viên đầy “màu sắc”, sớm tự chủ đời mình. Mặc kệ cha mẹ, cô tuyên bố: “Con phải sống cho mình”. Ngày rời nhà, Vân Anh chẳng quan tâm người mẹ đứng sụt sùi ngó theo, còn cha cô một tay vuốt ngực, tay còn lại vói ly nước trên bàn...

Anh Lộc (Q.9, TP.HCM) được đánh giá là người cha “tiến bộ”, luôn cho phép con tự do lựa chọn, quyết định các vấn đề của mình. Biết Phi có sở thích đóng phim, nhưng anh không nghĩ con chọn học ngành sân khấu điện ảnh trong kỳ tuyển sinh vừa rồi. Ngồi với con để tư vấn, anh muốn giúp con nhìn rõ ưu khuyết khi ngoại hình không cho phép con trở thành diễn viên. Nhưng rồi, anh “ngã ngửa” khi nghe Phi gọn lỏn: “Đời con, con sống”. Bất lực khiến anh Lộc lẫn lộn trong cảm xúc vừa lo cho con vừa cảm giác bị “ra rìa”.

Sao không là đồng mình?

Nếu không tính đến nỗi lo, với nền tảng văn hóa, kiến thức hay bỏ qua câu chuyện hoàn cảnh bắt buộc hoặc tính cách tự thân để xem xét một người trẻ đã “đủ lông đủ cánh”, có được sự an tâm của phụ huynh trước mọi quyết định của mình; thì việc giới trẻ sớm muốn trải nghiệm tự lập lẫn mạnh mẽ định đoạt đời mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm với nó - luôn rất đáng ủng hộ, tôn trọng.

Nhưng, “đạp bằng tất cả”, nhất là bỏ qua cảm giác lẫn tiếng nói của phụ huynh để quyết liệt thực hiện mong muốn riêng; người trẻ lại vô tình thể hiện “cái tôi” ích kỷ. Hạnh phúc, thành công - nếu được xem là thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và khát khao riêng, bấy giờ, lại là một thứ hạnh phúc, thành công hời hợt khi người trẻ chăm chăm đạt bằng được, còn những khó khăn, vướng mắc trong hành trình dẫn đến - cụ thể là cảm xúc, cản trở của phụ huynh - thì họ lại xa tránh và lờ đi.

Chưa cần biết sự “ra riêng” cùng ý định kinh doanh của Vân Anh sẽ diễn ra thế nào, thì quyết tâm trải nghiệm cuộc sống tự lập nơi cô là đúng đắn. Điều không đúng ở đây, chính là thái độ của cô đối với bậc sinh thành. Vân Anh bỏ mặc cha mẹ với cảm xúc tiêu cực do nỗi đau bị phớt lờ mang lại. Tương tự, với anh Lộc là cảm giác bị xem thường, không được con tôn trọng. Lời nói của con, cách con giải quyết tình thế, ứng xử với cha mẹ chẳng khác nào những nhát dao cứa vào tim.

Xóa bỏ “khoảng cách thế hệ” - vốn âm ỉ diễn ra trong các gia đình hôm nay, không đơn giản là phụ huynh hướng đến “cởi trói” mình, hạn chế kiểm soát, tiến tới xóa bỏ quyền định đoạt thay con bằng cách tôn trọng con với những lựa chọn trong vấn đề của chúng. Mà con cái ngược lại cần chứng minh mình trưởng thành. Sự trưởng thành ấy, trước tiên là hãy làm cho phụ huynh tin tưởng, an tâm, hoàn toàn ủng hộ thông qua đối thoại, giải thích.

Là người con hiếu thuận, đồng thời để cha mẹ trở thành đồng minh, con cái cần quan tâm giải quyết những cảm xúc không tốt nơi cha mẹ đối với vấn đề của mì nh. Đó cũng là thông điệp ẩn sâu của Đi tìm lẽ sống - cuốn sách của Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Do Thái. Theo đó, giấc mộng sang Mỹ với một sự nghiệp hiển vinh cùng tương lai rộng mở đang dần thành sự thật, khi Viktor Frankl nắm trên tay tấm hộ chiếu và chỉ việc lên đường.

Rồi ông nhận ra, việc ông rời Áo có thể khiến cha mẹ - những người Do Thái lớn tuổi không thoát khỏi nguy cơ bị giải đến trại tập trung trong cuộc bắt bớ tàn khốc của Đức Quốc xã. Viktor Frankl chọn ở lại, chỉ với mục đích duy nhất: giúp đỡ cha mẹ vượt qua các cảm xúc tiêu cực, những sang chấn tâm lý có thể xảy ra trong trại tập trung, khiến họ thích nghi được với hoàn cảnh mới.

Viktor Frankl nói rằng, ý thức được trách nhiệm, tình cảm đang gánh vác với người thân, chúng ta sẽ biết tìm mọi cách hóa giải để đưa mình đến với hạnh phúc thật sự - tức không còn rào cản nào trên hành trình thực thi những lựa chọn, quyết định. Bậc sinh thành, khi ấy, đã trở thành đồng minh tuyệt nhất. Và chúng ta, sau cuối vẫn là những đứa con hiếu thuận.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI