Cái tĩn chứa mắm thành chậu trồng hoa

21/03/2022 - 06:58

PNO - Mỗi lần chăm sóc hoa lại nghĩ đến mùa khô hạn quê nội và những ngày thân ái thuở xưa.

Cánh đồng quê nội tôi là vùng đầm lầy bị cày xới bởi nhiều bom đạn thời chiến tranh. Dấu tích của các hố bom lớn ngày nay vẫn còn. Chúng trở thành những cái đìa, là chỗ trũng nhỏ giữa đồng, có bờ để giữ nước. Mùa khô, ruộng được tháo cạn để phơi đất. Cá trên ruộng theo nước rút xuống đìa. Đợi những ngày nước khuyết, mọi người ồ ạt tháo đìa bắt cá. 

Đìa nhà nội tôi thuộc dạng vừa, không quá lớn, nhưng sâu hơn các đìa nước của hàng xóm nên cá rất nhiều, mỗi lần tháo bắt được vài trăm ký là chuyện bình thường. Cá lóc, trê, rô loại lớn được thương lái đến mua tận ruộng. Số còn lại nội đem về nhà làm mắm.

Món mắm cá sặc đặc trưng vùng sông nước miền Tây
Món mắm cá sặc đặc trưng vùng sông nước miền Tây

Nhà đông người. Các cô các thím và đám cháu bọn tôi phải làm cá suốt ngày, thậm chí đến tận khuya. Đống cá được làm vơi, chưa kịp nghỉ xả hơi đã thấy mấy chú vác về vài bao cá mới, khiến ai cũng than vãn.

Trong số các con dâu của nội, thím Tư là người có nhiều kinh nghiệm gài mắm nhất. Năm nào thím lo phần gài và thính là yên tâm có mắm ngon. Những người khác nhúng tay vào có thể khiến các tĩn mắm bị trở mùi, hỏng cả.

Nhà chuyên làm mắm đồng nên nội sắm cả trăm cái tĩn và chứa sẵn rất nhiều muối hột. Tĩn là loại chum gốm tráng men, có miệng rất nhỏ để dễ gài cá chìm xuống khỏi mặt dung dịch mắm.

Muối hột loại kết hạt trên đồng, chưa qua sơ chế. Thím Tư nói không thể dùng muối tinh lọc để làm mắm, vì chắc chắn mắm sẽ hỏng do thiếu một số chất cần thiết có trong muối tự nhiên.

Bà nội bảo các thím các cô dạy đám cháu gái chúng tôi sao cho đứa nào cũng biết gài mắm thuần thục. Bà coi đây là nghề gia truyền, phần không thể thiếu đối với một đứa con gái đảm đang, vén khéo.

Khi đó tôi còn rất nhỏ, cũng bắt chước các chị, mang giấy bút ra ghi ghi chép chép. Tôi xoay đầu quyển vở, nắn nót viết vào những trang cuối. Bà khen chữ tôi đẹp, đoán tôi sẽ là đứa cháu “nối nghề” giỏi nhất.

Năm sau tôi lên lớp mới, vở cũ bỏ đi, công thức làm mắm cũng biến mất. Mỗi bữa cơm có món mắm nhà làm, tôi luôn nhớ rằng tôi đã quên chi tiết gài mắm như thế nào. Đó là một bí mật, bởi vì bà nội và mọi người chưa bao giờ bảo tôi “trả bài” cho lần học đó.

Nội tôi mất đã lâu. Thím Tư cũng già yếu. Đám cháu gái năm nào hầu hết đã lập gia đình, sống nơi đô thị. Đìa cá vẫn còn nhưng mỗi năm chú Út chỉ ước lượng rồi bán tất cả cho thương lái. Họ tự tháo nước bắt cá. Nhớ ngày cũ, mọi người cười buồn, nhà đầy cá nhưng muốn ăn phải mua. Mắm chợ không có vị giống như mắm thím Tư làm. Thím nói, bà nội mất, nhà như rắn mất đầu, những truyền thống cũ phai nhạt cả.

Tôi dạo một vòng quanh nhà, phát hiện đống tĩn chứa mắm ngày xưa bị chú Út vứt ở góc vườn, cỏ dại gần như phủ kín. Chợt nhớ một lần thấy trên mạng xã hội có người lấy tĩn gốm làm chậu trồng hoa cúc. Chỉ cần khui lỗ thoát nước ở đáy, cái tĩn sẽ trở thành chậu hoa cổ, trông duyên dáng và thấp thoáng nét hoài niệm. Tôi ngỏ lời xin, thím Út mừng ra mặt, bảo tôi lấy hết dùm. Lâu nay thím không biết làm gì với chúng, bán không ai mua, cho cũng không ai nhận.

Tôi thuê một chuyến xe chở hết mớ tĩn về nhà. Hoa cúc các loại tốt bời bời, ngả nghiêng đủ mọi kiểu dáng trên các chậu mới. Mỗi lần chăm sóc hoa lại nghĩ đến mùa khô hạn quê nội và những ngày thân ái thuở xưa.

Thỉnh thoảng trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy mình ngồi trong bùn nhão, xung quanh đầy cá hoặc đang quây quần bên chiếc bàn lớn ở nhà nội với gần 20 người lớn nhỏ ăn uống nói cười. Cơm trắng gạo nhà nóng hổi, hương mắm mới giở thơm lừng. Mùi quê đạm bạc thuần khiết đến nao lòng khi nhớ. 

Việt Quỳnh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI