Cải thiện môi trường sống để dân không ly hương

10/04/2024 - 05:56

PNO - Khi người dân ở nông thôn được trang bị kỹ năng, có việc làm ổn định và có môi trường sống tốt, chắc chắn họ sẽ không chọn ly hương.

Ngày 18/3, Tòa án nhân dân thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử, tuyên phạt V.D.C.L. - xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ - 7 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Phổ Cường có gần một nửa dân số (khoảng 6.000 người trong độ tuổi lao động) rời quê đi làm ăn xa. Cùng với làn sóng ly hương, xã Phổ Cường đang đối diện với “sóng ngầm” về tệ nạn ma túy. Vắng cha mẹ, nhiều trẻ nghỉ học sớm, sau đó sa vào tệ nạn xã hội rồi trở thành tội phạm mua bán ma túy. V.D.C.L. là một trong số đó.

Bà tranh thủ thời gian tâm sự cùng cháu ngoại khi cha mẹ cháu đang làm ăn ở Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh: Phan Ngọc
Bà tranh thủ thời gian tâm sự cùng cháu ngoại khi cha mẹ cháu đang làm ăn ở Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh: Phan Ngọc

Dọc dải đất miền Trung, có rất nhiều làng, xã vắng bóng thanh niên như Phổ Cường. Phần đông số cư dân trong những làng, xã này là người già và trẻ nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2023, Việt Nam có 19,5 triệu người lao động ở khu vực thành thị (chiếm 37,3% lực lượng lao động) và 32,9 triệu người lao động ở khu vực nông thôn (chiếm 62,7%). Thu nhập bình quân của người lao động ở nông thôn năm 2023 thấp hơn 1,4 lần so với người lao động ở thành thị.

Hầu hết người lao động ở nông thôn chỉ thạo nghề nông, không có hoặc có rất ít sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp. Do đó, thu nhập của họ có tính mùa vụ, bấp bênh. Thu nhập không đủ sống nên họ buộc phải rời quê vào các thành phố lớn làm công nhân hoặc buôn gánh bán bưng.

Để cải thiện thu nhập cho người dân ở nông thôn, các địa phương cần có chiến lược bài bản về phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Để làm được điều này, trước tiên, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư các cơ sở đào tạo nghề và kỹ năng cho người lao động. Việc đào tạo cần gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, đặc biệt là xu hướng kinh tế số.

Biến đổi khí hậu, môi trường và ly hương là những cụm từ tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại đang có mối liên hệ mật thiết. Những năm gần đây, trong các hội thảo liên quan đến môi trường, nhiều chuyên gia đã báo động về sự sụt giảm diện tích đất canh tác ở miền Trung do tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Mỗi năm, có hàng ngàn héc ta đất sản xuất ở miền Trung bị cát vùi lấp hoặc bị biển “ngoạm” sau các trận bão, lũ.

Biến đổi khí hậu ở miền Trung đang diễn biến phức tạp. Năm ngoái, tỉnh Nghệ An đã đón nhận đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên đến 42 độ C. Môi trường sống ở dải đất miền Trung vốn đã khắc nghiệt, nay càng khắc nghiệt hơn.

Thiếu đất canh tác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã khiến một bộ phận không nhỏ dân cư phải rời quê, tìm đến những nơi giúp họ tiếp cận việc làm thuận lợi. Các tỉnh, thành phía Nam luôn là điểm đến lý tưởng cho những người ly hương ở miền Trung.

Để người dân sống được trên chính quê nhà của mình, các cấp chính quyền phải đầu tư công trình hạ tầng, thủy lợi nhằm cải thiện môi trường sống. Cần phải giúp nông dân miền Trung hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với thiên tai. Phương pháp sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp tiết kiệm đất sản xuất, ít chịu tác động của thời tiết, cho năng suất cao. Đây là điều mà nông dân bao đời luôn khao khát. Để làm được điều này, cần giải pháp dài hạn, có chiến lược và định hướng lâu dài, như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ… Bên cạnh đó, tăng tốc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đầu tư cho con người, cải thiện môi trường sống luôn là giải pháp bền vững. Khi người dân ở nông thôn được trang bị kỹ năng, có việc làm ổn định và có môi trường sống tốt, chắc chắn họ sẽ không chọn ly hương.

Vũ Ngọc Quý - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI