PNO - TPHCM đang cố gắng phục hồi và phát triển kinh tế sau đợt dịch COVID-19 lần thứ tư và để làm được điều này, cần có đội ngũ lao động dồi dào, ổn định. Giải pháp nào để công nhân an tâm ở lại TPHCM lao động, sản xuất?
Lâu nay, ở các đô thị lớn, nhu cầu giải trí của những người lao động, người có thu nhập thấp bị bỏ quên. Trong cuộc sống, công nhân cũng gặp nhiều áp lực, ức chế nhưng ít có điều kiện để giải tỏa. Do vậy, ở các khu nhà trọ, ngày cuối tuần, công nhân thường nhậu nhẹt, karaoke để giải tỏa. Ngoài giờ đến trường, con em công nhân thường về co mình trong phòng trọ làm bạn với máy tính, iPad. Trong không gian nhà trọ chật hẹp, trẻ không thể chơi các trò chơi vận động. Do đó, nhiều trẻ ở các khu nhà trọ bị nghiện điện thoại, nghiện game.
Các chuyên gia cho rằng, cần phát triển nhà ở với giá phù hợp cho công nhân để họ “an cư lạc nghiệp” thay vì phải đi thuê trọ
Hiện nay, các hoạt động văn hóa, thể thao do ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp tổ chức phần lớn chỉ mang tính chất thời vụ, nhân các sự kiện, ngày lễ gì đó chứ chưa có tính thường xuyên. Người lao động tham gia các chương trình này theo một cách rất thụ động, thậm chí là cảm thấy bị bó buộc. Bên cạnh đó, cuộc sống khó khăn, những ngày cuối tuần, họ chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi thay vì đến công ty để tham gia một hoạt động giải trí nào đó.
Theo tôi, trước mắt, chúng ta cần tạo ra các sân chơi cho người lớn và trẻ em ở các khu nhà trọ. Với những khu lưu trú có từ 100 công nhân trở lên, chính quyền địa phương và các đoàn thể có thể tạo một thư viện mini để công nhân có thể tiếp cận với sách báo lúc rảnh rỗi. Về lâu dài, các doanh nghiệp lớn, khu chế xuất, khu công nghiệp cần xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ. Cần có quy định các khu công nghiệp lớn phải xây dựng khu thể thao, thư viện, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng... Khi công nhân tiếp cận được nhiều loại hình văn hóa, giải trí, đời sống tinh thần của họ sẽ được nâng cao, năng suất làm việc sẽ tăng lên.
Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành
Phát triển nhà ở có giá phù hợp với công nhân
Chính sách phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua của Việt Nam chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng do vẫn còn khoảng cách khá xa giữa giá bán, phương thức thanh toán so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người lao động có thu nhập thấp, cần thiết kế chính sách hỗ trợ để có nhiều phân khúc nhà ở khác nhau phù hợp với khả năng chi trả tương ứng của từng nhóm thu nhập khác nhau. Kinh nghiệm các nước cho thấy, mức chi trả cho nhà ở được xem là hợp lý khi không vượt quá 30% thu nhập và tỷ lệ này ước tính sẽ thấp hơn nhiều ở Việt Nam do mức sống thấp hơn các nước.
Theo tôi, ở TP.HCM hiện nay, chính sách phát triển nhà ở cần đảm bảo đa dạng các hình thức nhà ở, bao gồm cả sở hữu (mua nhà), thuê tài chính, thuê trọn đời, thuê dài hạn, thuê ngắn hạn, đáp ứng được cho các đối tượng. Cùng với việc cải tạo nhà ở dưới chuẩn ở các khu dân cư nghèo, nhà ven kênh rạch, việc phát triển nhà ở với giá hợp lý sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo yêu cầu chống dịch, tạo điều kiện thu hút người lao động quay trở lại TPHCM và góp phần chỉnh trang đô thị. Khi có nơi ở bài bản, đời sống công nhân, người lao động cũng sẽ tốt hơn.
Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh (Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM)
Thay đổi môi trường sống ở các khu nhà trọ
Không chỉ khi xảy ra đại dịch COVID-19, người ta mới đặt vấn đề về yếu tố dịch tễ ở các khu nhà trọ công nhân, người thu nhập thấp, nhà ổ chuột ven kênh rạch. Chuyện dịch bệnh dễ tấn công và bùng phát ở các khu vực này đã được đề cập và cảnh báo từ lâu. Theo tôi, giải pháp duy nhất để thay đổi môi trường sống cho công nhân là các khu công nghiệp phải xây các khu ký túc xá hoặc nhà cho công nhân thuê. Malaysia, Thái Lan và nhiều nước khác ở Đông Nam Á đã làm điều này từ lâu rồi. Một số khu công nghiệp ở Việt Nam đã làm được điều này, nhưng phần lớn là chưa có.
Khi thay đổi môi trường sống, thói quen sống của người dân cũng sẽ thay đổi theo. Tôi lấy ví dụ, ở các khu nhà trọ công nhân, người ta quen sinh hoạt ở bể nước chung, tắm giặt, ăn uống đều ở đó. Chỉ cần một người mang bệnh, lập tức sẽ lây lan cho cả khu trọ. Nhưng khi vào ký túc xá của khu công nghiệp, rác thải vứt ở đâu, tắm giặt thế nào, ăn uống thế nào đều phải theo quy định và được kiểm soát.
Virus gây bệnh COVID-19 liên tục xuất hiện biến thể mới và không ai dám chắc sau đại dịch này sẽ không xảy ra một đại dịch khác. Do đó, các đơn vị chức năng cần cấp tốc xây nơi ở cho công nhân, cải tạo những khu ổ chuột, từng bước hướng người dân đến một lối sống văn minh hơn, an toàn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM
Cần chính sách kết nối việc làm, đào tạo nghề
Để giải quyết cú sốc đứt gãy thị trường lao động và việc làm do dịch COVID-19, cùng với các chính sách ngắn hạn như khuyến khích kinh tế, đảm bảo an sinh, tạo việc làm, cơ quan quản lý nhà nước cần đầu tư xây dựng nền tảng kết nối việc làm. Một ví dụ về sự thành công điển hình là trang kết nối việc làm trực tuyến của Chính phủ Úc https://jobactive.gov.au/. Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ xây dựng nền tảng kết nối việc làm tập trung vào nhóm đối tượng lao động ít kỹ năng, nhóm yếu thế.
Nền tảng (platform) này dựa trên mô hình kinh tế nền tảng, sử dụng công nghệ số, giúp kết nối nguồn nhân lực nhàn rỗi với nhu cầu sử dụng nguồn lực đó một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và chi phí thấp. Nền tảng kết nối việc làm này cũng giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương.
Các thành phố vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lao động di cư nhưng đại dịch đã làm lộ rõ tình trạng bấp bênh của họ. Để thu hút nguồn nhân lực và cải thiện đời sống người lao động, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các gói phúc lợi, gồm ba thành phần chính: giới thiệu việc làm + hỗ trợ nhà trọ + vắc xin ngừa COVID-19. Cùng với đó, nên có chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ cải thiện thu nhập, nâng mức sống.
Tiến sĩ Phạm Khánh Nam (Trường đại học Kinh tế TPHCM)
TPHCM sẽ hỗ trợ nâng cấp nhà trọ cho công nhân
Nguồn tin từ Sở Xây dựng TPHCM cho biết, vừa qua, các tổ công tác đã kiểm tra, rà soát thực tế xây dựng nhà trọ tại các quận, huyện và phân loại dựa trên tiêu chí về nhà ở cho công nhân, người lao động thuê do sở ban hành năm 2020. Hiện tại, sở đang tổng hợp, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ và nâng cao chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân thuê. Sau đợt kiểm tra này, sở sẽ đề xuất chính sách nâng cấp các nhà trọ không đảm bảo tiêu chuẩn ở TPHCM. Những trường hợp nào có thể cải tạo, sửa chữa hay điều chỉnh cho đạt tiêu chí thì Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ để chủ nhà trọ sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với tiêu chuẩn. Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt chỉ tiêu xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 366.00 căn, trong đó có 30.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp.
Không khó để tạo sân chơi cho công nhân
Tại khu phố 1, P.Bình Trị Đông và khu phố 15, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, chính quyền địa phương đã cùng người dân biến bãi rác thành sân chơi mini. Khu phố 15, P.Bình Hưng Hòa có một khu đất trống rộng 162m2 bị biến thành bãi rác tự phát. Từ đầu năm 2020, cán bộ địa phương đã cùng người dân dọn dẹp khu đất này, trồng cây cảnh, hoa, dùng các vật liệu tái chế tạo thành sân chơi cho thiếu nhi, đa phần là con em công nhân, người lao động. Khu phố 1, P.Bình Trị Đông có khu đất trên đường Liên Khu 1-6 bị bỏ hoang nhiều năm, thành bãi rác tự phát. Từ năm 2020, chính quyền địa phương cùng bà con khu phố 1 đã cải tạo bãi rác này thành khu vui chơi thể thao cho người dân.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.