Cái tết quý giá, đầy nỗi niềm và cảm xúc

06/02/2022 - 16:04

PNO - Hậu tết, ngồi sắp xếp lại mớ hình tôi đã chụp hôm check-in đường hoa, cảm xúc thật sự vỡ òa. Nhiều hình ảnh đời thường khiến trái tim tôi tan chảy.

Sau bao năm ăn tết Sài Gòn, cái tết sau đại dịch cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đường phố ban ngày nắng đẹp, chiều xuống lại dịu mát, và đêm yên bình đến lạ.

Năm nay, người Sài Gòn và các tỉnh đón một giao thừa không pháo hoa, nhưng không vì thế mà trở nên lặng lẽ. Ngược lại, phố phường Sài Gòn đông vui, nhộn nhịp từ giáp tết.

Các khu trung tâm như phố đi bộ - đường hoa Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng, nhà văn hóa Thanh niên, nhà hát thành phố, bưu điện Sài Gòn, nhà thờ Đức Bà, công xã Paris, Hồ Con Rùa… luôn tấp nập, đặc biệt vào chiều tối, khi nắng đã tắt.

Những dòng người xe đông đúc chính là dấu hiệu hồi sinh ngoạn mục và mạnh mẽ của mảnh đất này sau những tháng ngày lặng lẽ vì dịch bệnh.

Đường Sách trong khu vực đường hoa Nguyễn Huệ đông khách đến tham quan tối mùng Một Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A
Đường sách trong khu vực đường hoa Nguyễn Huệ đông khách tham quan tối mùng Một Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A

Tối mùng Một, tôi đưa con đi dạo đường sách và đường hoa Nguyễn Huệ. Từ khoảng 18 giờ, các ngõ dẫn vào những khu vực trưng bày tiểu cảnh chính đều có gác canh, yêu cầu khách tham quan khai báo y tế.

Khác với cảnh vắng vẻ buổi trưa vì nắng, từ chiều, lượng khách đổ về đường hoa đông nghịt, và được thống kê tăng 30% so với năm ngoái. Đây có thể là một tín hiệu vui.

Lâu nay, đường hoa đã trở thành biểu tượng và là một phần không thể thiếu của tết Sài Gòn. Trước đó, khi dịch vẫn còn, nhiều người phập phồng lo âu, có thể tết năm nay thiếu vắng cả pháo hoa và đường hoa.

Nhưng khi thông tin đường hoa được khai mạc, lòng người như vỡ òa, vì ít ra Sài Gòn vẫn giữ được đến cùng cái không khí tết rộn ràng cho một năm mới khởi sắc.

Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt khách check-in tối mùng Một Tết Nhâm Đần 2022. Ảnh: T.A.A
Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt khách check-in tối mùng Một Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A

Trước đó, có thông tin đường hoa có thể đóng cửa sớm, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh mà không cần báo trước. Có lẽ vì vậy mà ai nấy đều tranh thủ đến tham quan, dạo chơi, hưởng không khí tết ở đường hoa càng sớm càng tốt. Lượng khách đổ về khu trung tâm khiến Sài Gòn như “tỉnh ngủ” sau nhiều tháng mệt mỏi vì dịch bệnh.

Rồi đường hoa lại hân hoan tiếp tục đón khách thêm hai ngày, mở đến mùng Sáu tết, thay vì đóng cửa từ mùng Bốn như mọi năm. Như vậy, người dân Sài Gòn có thể tận hưởng trọn vẹn sáu ngày tết, để mùng Bảy - đầu tuần - cũng là ngày đẹp, bắt đầu vào guồng quay công việc trong năm mới với tinh thần phấn khởi, đầy hy vọng.

Tiếng nói cười, ánh sáng của smartphone, máy ảnh chớp lóe liên tục. Những tấm ảnh check-in tết 2022 có lẽ là những tấm ảnh quý giá mãi về sau, ghi dấu một thời khắc đáng nhớ nhất của những ngày đầu năm con cọp.

Đường hoa hân hoan đón khách đến hết mùng 6 Tết Nhâm Đần 2022. Ảnh: T.A.A
Đường hoa hân hoan đón khách đến hết mùng Sáu Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A

Hậu tết, ngồi sắp xếp lại mớ hình đã chụp check-in đường hoa, cảm xúc khó tả ngập tràn trong tôi. Bên cạnh những chậu hoa tươi thắm, tiểu cảnh, linh vật lộng lẫy kia, vẫn thấp thoáng nhiều hình ảnh đời thường khiến trái tim tôi tan chảy.

Đó là bà cụ ngồi lặng lẽ với đám con rết đồ chơi làm từ giấy nhún. "Đêm mùng Một tết cụ bán được bao nhiêu?", tôi hỏi. “Không nhiều đâu cô. Chừng chục con thôi. Nhưng vui lắm. Khách vui thì tôi cũng vui!”, bà đáp, rung mái tóc bạc trắng.

Bà cụ bán đồ chơi xếp từ giấy bên lề đường hoa. Ảnh: T.A.A
Bà cụ tóc trắng như bông bán đồ chơi xếp từ giấy bên lề đường hoa. Ảnh: T.A.A

Đó là chú họa sĩ kiên nhẫn ngồi một góc đường, mời các bạn trẻ nán lại cho chú vẽ chân dung. Nhiều khách hàng ngồi lại vì tò mò, phần nhiều để có cái chụp ảnh check-in độc lạ khoe lên mạng xã hội.

Chú nói, chưa chắc những bức vẽ tay ấy được khách nâng niu, dù là vẽ chính họ. Cuộc mưu sinh nào cũng đầy niềm vui nỗi buồn trong đó, chấp nhận thôi, miễn có đồng tiền mang về nuôi vợ con là được. Chú ngồi đây, vừa làm việc, vừa như chơi tết cùng mọi người.

Họ sĩ ký họa chân dung ngay trên đường hoa Nguyễn Huệ tối mùng một Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A
Họa sĩ ký họa chân dung ngay trên đường hoa Nguyễn Huệ tối mùng Một Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: T.A.A

Đó là cậu sinh viên trẻ măng với khuôn mặt hiền lành, vui vẻ gật đầu khi tôi xin chụp hình quầy bán kem khói lạ lùng của cậu. Tôi không tò mò về nguyên liệu và thủ thuật tạo “khói” đùn lên ngùn ngụt từ đáy ly kem, phía trên là mớ toping bánh xốp trông thật đẹp và độc đáo. Chỉ mỉm cười nhẹ nhàng khi cậu chia sẻ, mọi thứ đều có “bài” hết, đây là kiểu buôn bán một vốn bốn lời.

Một ly kem khói giá 50 ngàn đồng, chỉ khoảng chục viên bánh xốp của con nít hay ăn, với ít kem chocolate chảy phía trên. Tính ra mỗi đêm cậu thu về cũng bộn. Mớ tiền đó, một phần để lì xì cho mấy đứa em đứa cháu, một phần để dành sau tết gửi về quê cho ba mẹ, phần còn lại đóng tiền trọ.

Tôi chúc cậu buôn bán thật “hồng phát”, như những ly kem thật đẹp, và một năm thật đủ đầy sẽ đến với cậu.

Cậu sinh viên và thùng kem khói độc đáo trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A
Cậu sinh viên và thùng kem khói độc đáo trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A

Dọc đường hoa, không khó để bắt gặp vài ông Thần Tài áo mão đỏ rực đứng vẫy tay mời khách. Đó cũng là sinh viên đi làm thêm, lương tính theo giờ cho nhà hàng, quán ăn hai bên phố đi bộ.

Thần tài đón khách trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A
"Thần tài" đón khách trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A

Phía sau những luống hoa, vài cô công nhân viên của dịch vụ hoa kiểng giở vội cà mèn cơm, có người thủ sẵn hạt dưa để cắn cho đỡ buồn. Những khuôn mặt có vẻ đã thấm mệt. Khi đường hoa tan khách, họ sẽ xắn tay áo dọn dẹp những chỗ hoa rơi rụng, quét dọn lòng đường, dễ đến khuya mới được trở về nhà. Năm mới vừa qua trong giấc ngủ muộn mằn.

Tượng người - người tượng thu hút sự tò mò của khách trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A
Tượng người - người tượng thu hút sự tò mò của khách trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: T.A.A

Bên kia đường, một cậu thanh niên xịt sơn xám lên toàn bộ cơ thể, rồi đứng bất động hàng giờ. Ai cũng ngạc nhiên, vừa thích thú ngắm nghía, vừa hỏi nhau: "Người giả hay thật, thật hay giả vậy?". Cậu chỉ cử động khi khách yêu cầu chụp hình chung, và lì xì vào hộp carton bên dưới chân mình. Cậu rất trẻ, là sinh viên kiếm thêm thu nhập dịp tết.

Một cái tết nhiều nỗi niềm đã và đang trôi qua. Nhưng đúng như những gì mà người Sài Gòn đang mong ước: nơi này đang trở mình hồi sinh...

Tử Anh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI