Giáp tết, việc càng nhiều hơn
Sáng mùng Hai tết Quý Mão, sau bữa cơm gọn nhẹ với những gì còn sót lại trong nồi thịt kho hột vịt từ ngày cuối năm cũ, vài lát bánh chưng và dĩa rau luộc, anh Bùi Công Trinh cùng đồng đội Nguyễn Thanh Tuấn bước ra khỏi căn nhà cấp 4 cũ kỹ - là trụ sở Ban chỉ huy đội bảo vệ rừng phòng hộ Lôi Giang, do Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM quản lý - bắt đầu công việc thường ngày.
Cả hai nhanh chóng khoác lên mình chiếc áo phao rồi một người mở sợi dây neo chiếc vỏ lãi đang cột chặt vào một chân cầu, người kia từ từ khởi động máy. Tiếng động cơ phá tan không gian tĩnh lặng của mênh mông rừng, nước. Chiếc vỏ lãi bắt đầu xé nước, hướng về phía cầu Lôi Giang. “Tết năm nay, rừng êm hơn, nhật ký tuần tra từ ngày 28 tháng Chạp đến nay không có gì đặc biệt” - anh Trinh nói khi vẫn đưa mắt quan sát vạt rừng, khúc sông mà chiếc vỏ lãi vừa lướt qua.
|
Các nhân viên đội giữ rừng phòng hộ trải qua những ngày đầu năm lặng lẽ giữa rừng |
Theo anh Trinh, “nhật ký tuần tra” là những ghi chép hằng ngày của nhân viên đội bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ, như một bản báo cáo tóm tắt mỗi ngày về tình trạng cây rừng cũng như vấn đề an ninh trong khu rừng ngập mặn. Bên cạnh việc phòng chống cháy, chặt phá, chết tự nhiên do sâu bệnh, sét đánh, sạt lở… đội bảo vệ còn có nhiệm vụ phòng, chống đánh bắt bằng lưới mắt nhỏ, chích điện, dùng thuốc… để bảo vệ động vật hoang dã, nguồn lợi thủy sản.
Do đó, theo anh Trinh, công việc của nhân viên bảo vệ rừng khá vất vả, nhất là những ngày cận tết, bởi đội Lôi Giang chỉ có 28 thành viên, trong đó có 13 nhân viên và 15 hộ (nhận khoán) phải bảo vệ hơn 2.500ha rừng ngập mặn, trải dài hơn 7km đường bộ và hàng chục km đường sông. Đội Lôi Giang chỉ là 1 trong 5 đội giữ rừng phòng hộ thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, bảo vệ tổng cộng hơn 7.300ha rừng phòng hộ mà lực lượng này đang quản lý.
Phòng cháy và chữa cháy là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà đội bảo vệ rừng phải hoàn thành trước tết. Tháng tết là lúc bắt đầu mùa khô. Các nhân viên phải cắt cỏ ở những khu vực có nguy cơ và đốt kiểm soát cỏ khô ở những vùng dễ cháy lan, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, đội bảo vệ rừng phải bám chốt vì đó là thời điểm mà người dân thường lén chặt cây rừng.
“Cách đây vài năm, người dân hay vô rừng đốn cây về cất nhà hoặc làm củi. Nhưng mấy năm nay, người dân ít chặt cây rừng bởi phần lớn đã chuyển sang ở nhà xây, việc nấu nướng cũng bằng bếp gas, bếp điện. Thế nhưng, giáp tết, bà con vẫn lén đốn cây để nấu bánh tét, hoặc chặt cây về làm mai, đào giả nên chúng tôi phải tuần tra thường xuyên” - anh Trinh giải thích.
“Mấy ngày tết, thèm gặp người thành phố lắm”
Chiều 28 tháng Chạp, chúng tôi gặp anh Vũ Đức Thắng - Đội trưởng đội bảo vệ rừng phòng hộ Lôi Giang - tại ban chỉ huy đội khi anh tất bật hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ để tranh thủ về nhà 3 ngày theo lịch trực tết. Trụ sở ban chỉ huy đội nằm ngay ngã ba sông, cách biệt với đường lộ bởi tắc (rạch) Cá Cháy và tắc Ông Thọ nên gần như vắng bóng người.
“Bình thường không đến nỗi yên tĩnh như thế này bởi có xuồng của người dân qua lại đánh bắt thủy sản. Giờ họ về ăn tết hết nên xung quanh không có ai” - anh Thắng nói. Theo anh, trụ sở của ban chỉ huy đội Lôi Giang dù sao vẫn nằm ở vị trí thuận lợi. Các chốt Cồn Bà, chốt hộ gia đình Lá Bền và Ba Dòng nằm rất sâu trong rừng, nên muốn đi chợ mua thức ăn cũng phải chạy vỏ lãi gần 1 giờ mới ra được đường bộ, từ đó bắt xe ôm đến chợ cũng khá xa. Bởi vậy, mỗi lần đi chợ, nhân viên, hộ nhận khoán bảo vệ rừng phải mua thức ăn cho 2-3 ngày. Do đó, từ sáng 28, 29 tháng Chạp, các chốt phải cử người ra khu dân cư mua thức ăn, nước uống, đá lạnh chuẩn bị sẵn cho 3 ngày tết.
|
Rừng Cần Giờ ngày càng phát triển xanh tốt là nhờ vào những cống hiến thầm lặng, không ngừng nghỉ của các nhân viên bảo vệ rừng |
Anh chia sẻ: “Không thể bỏ rừng ngày nào nên chúng tôi thỏa thuận thay phiên nhau trực. 5 chốt của đội có 13 nhân viên, tùy vị trí mà mỗi chốt có 2-3 người trực. Chúng tôi chia ca, anh em nào phải lo tảo mộ ông bà, giỗ cúng nhiều trong những ngày tết sẽ được ưu tiên nghỉ ca 1 (từ 28 tháng Chạp đến hết mùng Một tết) và bắt đầu trực ca 2 từ mùng Hai đến mùng Sáu tết để thay thế cho các anh em còn lại. Trong rừng, đi 2 - 3km mới gặp 1 chốt, sóng điện thoại thì chập chờn nên những anh em ở lại trực tết rất buồn”.
Chỉ tay về phía rừng, anh Thắng cho biết, gần 80% cây trong rừng phòng hộ Cần Giờ là đước. Trong ký ức của anh, cánh rừng xanh bạt ngàn hôm nay được sinh sôi từ những cây giống đầu tiên chở từ Cà Mau về bằng đường sông vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Khi đó, anh mới đôi mươi, vừa rời quê Nam Định vào đây và có duyên cắm từng cây con xuống bùn, chứng kiến chúng lớn lên từng ngày. Vì trót mến rừng nên anh chọn lập gia đình với người địa phương để tiếp tục giữ rừng ngập mặn Cần Giờ. Hành trình dằng dặc từ ngày đó đến nay đã khiến anh xem rừng đước như đứa con của mình, không nỡ xa.
Anh Thắng tâm sự, hơn 30 năm làm người bảo vệ rừng, anh chưa một lần được về quê Nam Định vào dịp tết bởi thời gian nghỉ tết quá ngắn: “Hơn nữa, anh em rất trách nhiệm, ngày nào cũng có mặt ở chốt. Mình là đội trưởng nên cần sát cánh với anh em”.
Tại chốt An Đông, anh Trần Duy Vịnh - nhân viên của đội Lôi Giang - cho biết, kể từ năm 1999, khi gia nhập Lực lượng Thanh niên xung phong và nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng Cần Giờ đến nay, anh đều ăn tết trong rừng. Mặc dù không gian cách trở, không có điều kiện như ở ngoài, nhưng anh cùng các đồng đội của mình cũng cố gắng để có được cái tết ấm cúng. “Ngoài lương, thưởng tết, mỗi người ở lại chốt được lãnh đạo đơn vị tặng 1 đòn bánh tét và 1 nồi thịt kho theo hương vị miền Nam cùng phần quà tết gồm gạo, nước tương, nước mắm, bột ngọt, gói lạp xưởng” - anh Vịnh kể.
Anh Vịnh kể, nhiều năm xa nhà, xa quê, anh “quên” cảm xúc nhớ nhà, nhưng cứ đến đêm giao thừa, cảm xúc ấy lại dâng trào. Vì xem chốt là nhà nên đêm giao thừa, anh cùng đồng đội cũng thắp nén hương, cảm nhận thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới rồi bước ra ngoài nhìn trời, nhìn đất trong màn đêm đen kịt, động viên nhau cùng cố gắng vì năm nay không về nhà được thì sang năm sẽ được về. Khi chúng tôi ngỏ ý sẽ đến thăm chốt trong những ngày đầu năm mới, anh hào hứng: “Anh em sẵn sàng chào đón. Thật sự là trong 3 ngày tết, chúng tôi thèm đón người thành phố xuống chơi lắm”.
Để giữ rừng, anh Võ Văn Tâm - chủ 1 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tại chốt tắc Cá Cháy 1 - quyết định đón giao thừa tại chốt: “Không dám bỏ rừng nên tôi kéo vợ con vô chốt đón năm mới chung với mình. Thấy người ta đưa vợ con đi chợ hoa, đi xem bắn pháo bông, mình cũng ngậm ngùi nhưng đâu thể làm khác được”.
Thu Lê