Ăn tết to để về chỗ mới
Giáp tết, bà con ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu cạnh Đại Nội tất bật dọn dẹp bàn thờ gia tiên, tranh thủ trang trí những chậu hoa để làm đẹp cổng nhà. Khi được hỏi về suy nghĩ, cảm xúc của mình, nhiều người xúc động: “Nhiều kỷ niệm lắm. Chưa đi đã thấy nhớ, huống chi mai này đi rồi, chắc buồn lắm”. Người thì nói rằng ở đây cao ráo, không lụt; sống ở đây quen rồi, không biết về nơi mới có vui như vậy không. Biết bao phận người đã gắn bó với nơi này…
Là một trong những hộ đầu tiên lên ở Thượng Thành (đoạn gần cửa Đông Ba), đến nay, gia đình ông Đặng Văn Tố đã có ba thế hệ cùng sinh sống ở đây. Với ông Tố, ở đây, dù nhà cửa còn tạm bợ, con đông nhưng lại thuận tiện cho việc giao thương. Do gần chợ Đông Ba, gần đường Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng nên bà con mưu sinh thuận lợi. Nhưng ở tạm bợ mãi cũng khổ. “Lúc mới lấy vợ, tui mua căn nhà này giá một chỉ vàng, đến nay đã hơn 30 năm. Nghe nói qua tết sẽ đi, bà con ở đây phấn khởi lắm, đón tết to hơn năm trước vì sắp có nhà mới. Riêng tôi, dù khó khăn, cũng sẽ cúng một mâm tất niên thật lớn để báo cáo ông bà, tổ tiên cũng như thổ thần nơi đây, vì sắp phải rời đi. Cả nhà tui sẽ tụ họp, chụp ảnh lưu niệm, để sau này nhắc nhở con cháu về một thời gia đình từng sống khó khăn ở đây” - ông Tố chia sẻ.
Cách nhà ông Tố chừng 300m, nhà bà Nguyễn Thị Kim Cúc trên đường Xuân 68, gần cửa Thượng Tứ đang trang trí chậu hoa tết bên hiên nhà. Năm nay 75 tuổi, sống ở Thượng Thành hơn 30 năm, bà Cúc nói: “Người dân chúng tôi đồng thuận di dời, miễn sao có chỗ ở mới ổn định là được”.
|
Bà con nghèo ở Thượng Thành được ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - trực tiếp dẫn đến xem nơi tái định cư, ở phường Hương Sơ, TP. Huế |
Các hộ dân sắp được di dời trong đợt 1 chủ yếu làm lao động phổ thông, có đời sống khó khăn; nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nên đã vui vẻ đồng thuận dời tới nơi ở mới để ổn định cuộc sống lâu dài. Ông Trần Lượng (77 tuổi) kể, quê ông ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, đến TP. Huế vào những năm 1960 để bán bánh mì. Năm 1967, ông lấy vợ rồi sinh sống ở Thượng Thành này.
“Trước nay, qua bao nhiêu đời chủ tịch tỉnh, chúng tôi đã nghe nói chuyện di dời, tái định cư nhưng ngóng mãi không thấy. Phải đến bây giờ, dân mới tin vì tận mắt thấy chủ tịch tỉnh dắt dân ra coi nơi ở mới. Ở đây quá khó khăn, nhếch nhác nhưng lâu nay không đi đâu sống được vì không có tiền. Mỗi lần dựng vợ, gả chồng cho con là thấy tội, vì tụi nó ở nơi nhà không ra nhà, mưa xuống là lấm lem bùn đất. Bởi vậy, bà con mong di dời sớm chừng nào hay chừng đó” - ông Lượng nói.
Di dời đợt đầu trong quý I/2020
Năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I của di tích, cần được bảo tồn, là nơi lẽ ra phải được giữ nguyên trạng, cấm xây dựng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng ngàn hộ dân đã lên Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa. Người dân ở đây mong muốn được di dời tới nơi ở mới vì nơi đây nhếch nhác, ô nhiễm. Ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”.
Ngoài việc hỗ trợ 100% giá đất bằng giá trị đền bù với những trường hợp lấn chiếm đất di tích làm nơi ở, dự án còn kèm theo nhiều ưu đãi có lợi cho dân như: hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách và hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ...
Theo đề án, chính quyền sẽ di dời 4.200 hộ dân, thu hồi gần 78ha đất ở phường Hương Sơ, TP. Huế để bố trí 3.526 lô đất tái định cư, diện tích mỗi lô từ 60-200m2. Hiện nơi chuẩn bị đón người dân tái định cư đã có đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện ngầm hóa và cây xanh. Công tác kiểm kê đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Qua khảo sát, 100% hộ dân mong muốn được cấp đất thay vì cấp căn hộ chung cư.
Về thời điểm di dân ra khỏi Thượng Thành, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ huy trưởng “công trình di dân Thượng Thành, Eo Bầu” - cho biết, đợt di dời đầu tiên sẽ diễn ra trong quý I/2020.
Kinh thành Huế được đích thân vua Gia Long của triều Nguyễn chọn vị trí và cắm mốc, khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trong lịch sử Việt Nam cận đại, công trình xây dựng Kinh thành Huế là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ gồm đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua.
Sau năm 1945, chiến tranh loạn lạc, trong kinh thành, không ai quản lý, người dân vào sống men theo tường thành và khu vực Eo Bầu. Lâu dần, nơi đây hình thành cụm dân cư. Người dân nghèo lấn chiếm bề mặt Thượng Thành, Eo Bầu, dựng nhà và trồng hoa màu. Hiện có 4.200 hộ với khoảng 15.000 người dân thuộc 7 phường của TP.Huế đang sống và canh tác trong khu vực này. Việc người dân lấn chiếm đất Kinh thành Huế dựng nhà trú ngụ trên Thượng Thành, xả rác, nước thải sinh hoạt… đã làm cho nền đất ngày càng lún sâu, nứt hỏng nhiều chỗ.
Năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi động đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”. Đề án dự kiến được thực hiện trong 6 năm (2019-2025) với kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đó, người dân sống ở khu vực I di tích Kinh thành Huế sẽ di dời vào các khu tái định cư, trả lại không gian xưa cho Di sản văn hóa thế giới.
(Theo Wikipedia.org)
|
Thuận Hóa