Cái tát thứ 232

25/11/2018 - 07:31

PNO - Chúng ta đã hiểu và hành xử lệch khỏi sứ mệnh nhà giáo trong việc đánh đập học trò, xâm hại nữ sinh, đưa cô giáo đi tiếp khách... và rất nhiều vụ việc khác nữa. Nếu đã biết sai thì sửa đi!

Chuyện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy tra tấn học trò đến mức phải nhập viện, nghiêm túc mà nói, không phải là chuyện lạ đối với ngành giáo dục, bởi bạo lực học đường vẫn xảy ra từng ngày, dưới dạng này hay dạng khác, với mức độ nhiều hay ít nghiêm trọng, khắp các tỉnh thành.

Cô giáo Thủy chỉ là một trong số nhiều giáo viên chọn phương thức bạo lực để sửa, trị học trò, để ép học sinh vào khuôn khổ và phơi bày sự bất lực của bản thân trong việc giáo dục một con người.

Cai tat thu 232
Sau khi hứng chịu 231 cái tát, nam sinh H.L.N. đã phải nhập viện

Vi phạm của cô Thủy không còn gì bàn cãi. Đó chính là hành vi làm nhục người khác với nhiều tình tiết tăng nặng như có tổ chức (cô Thủy và các học sinh), gây hậu quả nghiêm trọng, đối với người phụ thuộc (người mình có trách nhiệm giáo dục, chăm sóc) và là trẻ em.

Không có bất cứ lời giải thích nào có thể bao biện cho hành vi này, nhất là trong thế giới văn minh, nơi mà khái niệm “thương cho roi cho vọt” theo nghĩa đen đã không còn phù hợp và đã bị nhân loại từ bỏ. Với tính chất, mức độ của sự việc cũng như sự quan tâm đặc biệt của dư luận, rồi cô Thủy sẽ bị xử lý, có thể phải ra khỏi ngành. Nếu quả thế, điều đó cũng là xứng đáng.

Tuy nhiên, điều lạ ở đây là với rất nhiều sự việc đã, đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục xảy ra, ngành giáo dục vẫn chỉ loay hoay xử lý phần ngọn của câu chuyện - kỷ luật các cá nhân sai phạm, ra các chỉ thị, yêu cầu chấn chỉnh... những công việc “giấy tờ” mà ai cũng có thể làm, không cần đến các nhà quản lý giáo dục.

Chúng ta đã không nhìn thấy hoặc đã bỏ quên công tác đào tạo người thầy, chỉ lo đào tạo các “công nhân giảng dạy” và gán cho họ những chỉ tiêu, thành tích phải đạt. Chẳng trách vì sao các “công nhân” ấy chú trọng vào nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao, đạt thành tích được yêu cầu thay vì dành thời gian, công sức trồng người.

"Thượng bất chính, hạ tắc loạn", "giáo bất nghiêm, sư chi đọa". Trò hư là lỗi của thầy, thầy hư là lỗi của ngành. Điều này thì chúng ta đã biết và đã nhiều lần chứng kiến: trăm thứ xấu xa, tệ hại trong xã hội đều từ giáo dục mà ra.

Các em học sinh Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Binh, tỉnh Quảng Bình) đã tát bạn 230 cái theo lệnh của cô giáo. Cô giáo Thủy đã bồi thêm cho em H.L.N. một cú “coup de grâce”. Đó là cái tát thứ 231 đồng thời là cái tát thứ 232 vả thẳng vào ngành giáo dục.

Trường học đã dạy học sinh phải “ngoan” và “vâng lời” thay vì sẵn sàng phản ứng chống lại cái xấu ngay trong chốn học đường. Chúng ta đã quên dạy con em tự vệ trước việc bị xâm hại thân thể, tinh thần. Để đến khi hậu quả xảy ra, chúng ta mới hoảng loạn kêu cứu trong khi con em ta phải mang “thương tật tâm hồn” đến trọn đời.

Điều mỉa mai nhất là sự việc cô giáo chỉ đạo bạn tát học sinh diễn ra chỉ một ngày trước khi cả nước tưng bừng chào đón ngày 20/11 - tôn vinh các thầy cô giáo và sứ mệnh trồng người thiêng liêng.

Chúng ta đã hiểu và hành xử lệch khỏi sứ mệnh nhà giáo trong việc đánh đập học trò, xâm hại nữ sinh, bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, đưa cô giáo đi tiếp khách, tuyển dụng dư biên chế... và rất nhiều vụ việc khác nữa. Nếu đã biết sai thì sửa đi hoặc chúng ta sẽ còn phải hứng chịu thêm những cái tát nặng nề hơn nữa.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI