edf40wrjww2tblPage:Content
Thầy Lê Xuân Đại, giáo viên Toán trường Chuyên Vĩnh Phúc, người vừa có học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế (IMO) tại Colombia lần thứ 54 - năm 2013, đang miệt mài bên trang giáo án - Nguồn ảnh: báo Giáo Dục và Thời Đại. |
Hai mươi bốn năm trước, đứa trẻ lên chín là tôi bước vào năm học mới với niềm hân hoan đón chào cô giáo mới. Ấn tượng về cô giáo “mới về trường” là giọng nói miền ngoài khá khó nghe, dáng cao gầy khắc khổ.
Khi cô trò hiểu nhau thì lớp chúng tôi bước vào kì kiểm tra chất lượng đầu năm. Trước hôm thi, cô nửa đùa nửa thật rằng nếu bạn nào đạt điểm 10 thì nhớ tặng quà cho cô. Cô gợi ý khi lớp đang vui nên tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là lời nói vui. Thế nhưng…
Lúc phát bài, lớp có khoảng 5 bạn đạt điểm tối đa, trong đó có tôi. Lần này, cô nhắc lại “giao kèo” với nụ cười ẩn ý nhưng đứa trẻ ngô nghê như tôi lại chưa nhận thức được nhiều thứ.
Chiều hôm sau, bạn Hải ngồi cạnh tôi mang vào lớp khúc vải áo dài biếu cô, khơi màu cho mọi rắc rối sau này. Cơn ác mộng của tôi bắt đầu từ đây. Cô đọc tên từng bạn như để nhắc nhớ mỗi ngày, thậm chí khi tôi về kể mẹ nghe, mẹ cũng chỉ cho là “cô chỉ nói vui thôi con”.
Sau khúc vải đó là những món quà đủ loại từ nhiều bạn khác nhau: thỏi son của bạn Long, lọ nước hoa của bạn Sang, cặp vành xe của bạn Thảo… mà không chờ bất cứ dịp lễ lạt gì.
Cô nhận tất tần tật, kể cả xấp bánh đa bạn Vinh vòi mẹ mang đến. Nhà bạn Vinh nghèo lắm, ba đạp xích lô, mẹ chiều đến ra góc đường ngồi quạt than bán từng cái bánh nướng. Cô biết hết gia cảnh từng đứa nhưng vẫn đón nhận như lẽ hiển nhiên.
Mỗi tháng một lần, ông ngoại bạn Bảo đến lớp đưa cô cái phong bì rồi về, Bảo bật mí với đám bạn đó là tiền bồi dưỡng.
Có đến ¾ học sinh trong lớp ít nhất một lần mang chút quà gì đó đến lớp trao cho cô với niềm hân hoan lẫn kiêu hãnh, trừ tôi, đơn giản vì tôi không dám xin mẹ. Học phí cho 3 chị em đi học cùng lúc đã ngốn một khoản kha khá thu nhập của gia đình nên tôi biết thân phận mình thế nào.
Là lớp trưởng mà không làm gương chuyện biếu xén nên cô tỏ thái độ sau nhiều lần nói thẳng với tôi. Nhiều lần bị la rầy vô cớ, ánh mắt cô hướng về tôi luôn đầy ác cảm, tôi biết mình bị ghét. Tôi biết sợ. Sợ hơn cả là kiến thức mới cô truyền đạt là mớ rối rắm mơ hồ. Tôi hoang mang thật sự không vì chuyện điểm số cao thấp mà tôi sợ khi đối diện cô.
Trong lớp, bạn Thảo là con nhà khá giả nên thường quà cáp cho cô, nghiễm nhiên được vào tốp đầu dù học lực năm trước chỉ thuộc nhóm trung bình yếu.
Trong cái rủi có cái may, bài vở ở lớp chỗ nào không hiểu thì tôi về hỏi đứa em song sinh học khác lớp, tôi học 4/7, nó học 4/3. Chuyện học thêm hồi đó cũng chưa thịnh như bây giờ nên cũng chẳng mấy ai mở lớp, mà họa chăng có lớp cũng biết đào đâu ra tiền để học thêm.
Cô Hòa chủ nhiệm lớp 4/3 lại là một hình ảnh hoàn toàn khác. Cô cũng là giáo viên mới thuyên chuyển về trường. Từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên gia đình cô phải ở nhờ nhà họ hàng. Buổi chiều đi dạy, buổi sáng cô gánh đậu hủ đi bán dạo khắp nơi.
Dọc đường đi, quần xắn ống thấp ống cao nhưng nếu có gặp phụ huynh hay học trò thì cô cũng ngẩng cao đầu tươi cười niềm nở. Nội tôi vẫn gặp cô dưới chợ, hỏi chuyện gia đình nhưng tuyệt nhiên cô chưa bao giờ kể khổ.
Nhìn cô Hòa, tôi lại nghĩ tới cô chủ nhiệm của mình, họ giống nhau bởi cũng là cô giáo ở quê vô, cũng đi dạy bằng chiếc xe cà tàng, cũng quần tây, áo sơ mi giản tiện nhưng họ như hai thái cực khác hẳn. Tôi mong được chuyển lớp, được học cùng em gái, được có cô giáo chủ nhiệm như cô Hòa nhưng điều đó là không thể.
Ngày đó, chuyện phụ huynh khiếu kiện hay yêu cầu này kia là chưa từng có, vả lại trong mắt các bậc cha mẹ thì người thầy dù thế nào vẫn luôn đáng kính. Tôi đành trân mình chịu trận trước những hằn học nhắm thẳng vào mình.
Cô trò Trường THPT Hùng Vương, Bình Phước - Nguồn ảnh: binhphuoc.edu.vn. |
Năm học đáng sợ đó rồi cũng kết thúc. Tôi và bạn Thảo lại xếp đầu lớp trong niền hân hoan của cả hai. Với tôi, đó là sự giải thoát, còn với Thảo, đó là giấc mơ quá đẹp. Những ngày cuối năm học ấy, lớp tôi như có hội, tặng quà lỉnh kỉnh dù ngày 20/11 đã qua từ lâu.
Những ngày nghỉ hè, cô Hòa tìm đến nhà nhắn em tôi đi thi học sinh giỏi cấp quận, nhân thể nhắn luôn cho tôi biết vì mỗi lớp cử ra một em đứng đầu để đại diện thi.
Cô Hòa về rồi thì tôi mới hay mẹ tình cờ biết được chuyện động trời: nhà trường đang rà soát lại toàn bộ kết quả học tập của lớp 4/7, cô chủ nhiệm của tôi tạm thời bị đình chỉ công tác. Vậy là có ai đó biết chuyện nên phản ánh với ban giám hiệu. Mãi tới lúc đó, sự việc mới vỡ lở.
Đầu năm lớp 5, kết quả vẫn được giữ nguyên nhưng cô chủ nhiệm lớp 4/7 phải ngưng đứng lớp dài hạn. Phàm ở đời thì ông Trời đã lấy đi của ai cái gì, sẽ bù lại cái khác. Cô chủ nhiệm lớp 5 của tôi khi đó như vị ân nhân dang rộng đôi tay đón nhận những đứa trẻ đáng thương.
Toàn thể thầy cô khối 5 đều sợ “thành tích lẫy lừng” của lớp tôi nên ai cũng né tránh. Họ sợ mình phải giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm để lại một tập thể “yếu toàn diện”. Cô Minh đã tình nguyện đứng ra nhận phần khó về mình dù trước đó cô được nhà trường ưu tiên nhận lớp đầu khối bởi lẽ cô là giáo viên giỏi nhiều năm của trường.
Kết quả kiểm tra đầu năm, cô như bị dội một gáo nước lạnh: 90% học sinh dưới điểm trung bình, mất căn bản trầm trọng. Cô khóc ngay tại lớp, trước hơn 40 cặp mắt ngây thơ, ngơ ngác. Trên bàn, tấm bằng khen “Giáo viên giỏi cấp thành phố” còn chưa ráo mực. Cô khóc, trò cũng khóc vì cảm giác có lỗi.
Cuối giờ học hôm đó, cô đưa ra quyết định đầy khó khăn: ngay hôm sau, cả lớp làm quen chương trình lớp 5 vào buổi sáng, buổi chiều ôn lại từ đầu toàn bộ kiến thức lớp 4, tập trung vào toán và tiếng Việt.
Ròng rã cả năm trời như thế, chiều nào không có phòng trống thì cô trò xuống nhà kho chịu khó xếp lại bàn ghế để có chỗ ngồi học. Có lúc tôi giận cô vô cùng khi mình bị ép vào kỉ luật sắt, vào khuôn khổ ngặt nghèo, đi học cả ngày chủ nhật, gác lại những chuyến tham quan Thảo Cầm Viên hay Bến Nhà Rồng như mấy lớp khác. Lớp 5/7 chỉ biết vùi đầu vào học, học và học, bởi lớp tôi phải học gấp đôi mới theo kịp chương trình. Bao nhiều lần cô như bất lực trước đám học trò như những cỗ máy bị mất sạch dữ liệu thì cũng bấy nhiêu lần cô lại phải nhẫn nại với từng đứa.
Kì thi tốt nghiệp rồi cũng đến. Trưa ngày 21/5/1992, trước hội đồng thi Phạm Ngọc Thạch, dưới cái nắng ngày hè, cô đứng đợi từng đứa trò nhỏ ra tới cổng chỉ để hỏi han, động viên, giải đáp từng thắc mắc sau môn thi tiếng Việt. Nhẫn nại đợi đến chiều khi kết thúc môn toán, đứng giữa đám học trò reo vui vì làm bài tốt, cô cười mãn nguyện mặc cho giọt mồ hôi lăn dài trên trán, ướt đẫm lưng áo.
Năm đó, cả khối 5 chỉ có lớp 5/1 và lớp 5/7 là đậu tốt nghiệp 100%, điều ít ai ngờ tới. Cô giáo chủ nhiệm của tôi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh người thầy, gieo vào lòng những đứa trẻ niềm tin về sự cố gắng.
Những năm tháng đi học tiếp theo, có nhiều thăng trầm khác nhưng hình ảnh về cô giáo Minh là một kí ức khó phai mờ về người thầy tận tụy. Thời thế dù có đổi khác nhưng tôi vẫn nghĩ người thầy chân chính sẽ không bao giờ quên đi chức phận trồng người.
Đã nhiều lần tôi muốn quên đi kí ức thật buồn năm lớp 4 nhưng nó vẫn in hằn như vết cắt sâu vào tâm trí non nớt của đứa trẻ lên chín. May mà đời đi học của tôi còn có cô Hòa, cô Minh để tôi tin rằng luôn có những người thầy say nghề, hết lòng vì học trò và suy cho cùng thì con người ta hơn nhau ở cái tâm chứ không phải vì bất cứ điều gì cả.
CHÂU THUẬN
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |