Cái ống nhổ

24/11/2017 - 16:00

PNO - Còn hôm nay, hễ mỗi lần cầm cái ống nhổ cho chồng, chập chờn cái vết màu đỏ là tim tôi như ngừng đập. Tôi sợ cái ngày rồi anh cũng bỏ tôi lại mà ra đi...

Năm tôi lên 15 tuổi, cha tôi bị viêm phổi nặng. Chị gái tôi đã lấy chồng, mẹ tôi tối mặt với công việc vườn tược, nấu nướng nên hằng ngày, ngoài giờ đi học, tôi chăm sóc cha.

Sáng sớm, trước khi ra khỏi nhà tôi phải đổ và làm sạch cái ống nhổ, khăn lau, bô vệ sinh cho cha. Tôi làm chăm chỉ và tận tình, không để ý những con vi trùng đang rình rập xâm nhập cơ thể mình. Mỗi khi cha lên cơn ho, gần như ông muốn lả đi thì tôi hoặc mẹ chỉ biết ngồi bên cạnh vuốt và xoa cho cha đỡ mệt.

Đêm ấy, nằm giường bên, tôi thức theo tiếng ho của cha. Sáng ra, chỉ biết mỗi cách làm thật sạch cái ống nhổ, đặt ngay ngắn ở chỗ cũ, để qua cơn thiêm thiếp, cha quờ tay hoặc nghiêng người là có ngay. 

Cai ong nho
 

Mặc dầu mẹ tôi ra sức chạy chữa, nhưng một buổi chiều mùa hè năm 1961, cha tôi lặng lẽ ra đi trong sự ngỡ ngàng, đau xót của cả gia đình. 

Sau khi thi đỗ tú tài II, tôi ghi danh vào trường luật với ước mơ trở thành luật sư như lời trăn trối của cha. Tôi học được mấy tháng thì hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, tôi đành giã từ giảng đường luật để vào học sư phạm Quy Nhơn. Ngày chào mẹ và các anh, tôi như quán tính, ngoái dòm lại một góc giường, nơi cái ống nhổ và bộ bà ba trắng của cha vẫn hiển hiện…

Năm 25 tuổi, tôi lập gia đình và lần lượt năm đứa con ra đời. Sau giải phóng, đời sống giáo viên rất khó khăn. Lương hai vợ chồng phải giật gấu vá vai mới tạm đủ cho một cuộc sống đạm bạc và lo cho các con ăn học. Dầu vậy, lòng tôi hằng đêm vẫn cứ canh cánh nỗi thương thương, nhớ nhớ. Tôi thương mẹ một đời vất vả, tôi nhớ cha vì người ra đi quá sớm, tôi cứ mãi ray rứt về những ngày thơ bé, chưa kịp chăm hết lòng cho cha, chưa kịp lo hơn cho mẹ…

Cai ong nho
Ảnh: Internet

Năm tôi 54 tuổi, cô chồng tôi bị té nằm một chỗ. Tuy là cô nhưng bà như thể mẹ của nhà tôi, nuôi dưỡng anh từ bé vì anh mồ côi mẹ sớm. Thế là mỗi ngày, cũng trước khi rời nhà, đến lớp, tôi lại làm vệ sinh cái ống nhổ cho cô, giặt khăn sạch để cạnh, dặn các con ở nhà canh bà; chiều về, việc đầu tiên của tôi là xách cái ống nhổ đi đổ.

Người già nằm một chỗ, trời mùa đông, Huế mưa dầm và rét buốt, vì vậy việc giữ sạch và khô ráo cho bà là trên hết. Tôi cần mẫn như thế một thời gian thì ngọn đèn 93 tuổi ấy cũng đến hồi cạn dầu. Chiều hôm ấy, tôi lau người bà bằng khăn ấm, đút bà ăn. Bà nuốt vài muỗng sữa rồi… ra đi. Hơi ấm vẫn còn vương lại trên tay tôi, phút cuối, cô muốn nói gì đó mà không kịp. Cái ống nhổ dưới chân giường còn khô ráo…

Bây giờ thì tôi đã ngoài bảy mươi. Nhà tôi bất ngờ mang căn bệnh hiểm nghèo. Cả gia đình xao xác. Tôi đau đớn, hụt hẫng, lo sợ. Các con thay nhau trở về, cả nhà tích cực chạy chữa. Mọi người đều cố gắng giấu đi cảm xúc của riêng mình, chỉ biết dồn sức cho cuộc chiến dành giật mạng sống cho chồng, cho cha mình. Nhà tôi không hề hay biết những tế bào quái ác đang từng giờ bào mòn cơ thể anh, thỉnh thoảng khó chịu, thỉnh thoảng nghi ngờ rồi lại chìu vợ, chìu con đi xét nghiệm, đi lấy mẫu, đi thử máu…Gần hai năm, cũng là hai lần con gái tôi, qua các cuộc trao đổi, bàn thảo với các bác sĩ đã tự quyết định về phác đồ điều trị cho cha, tìm được nguồn biệt dược thế hệ mới, nhà tôi tạm vượt qua cửa tử. 

Cai ong nho
Ảnh minh họa

Lại hằng đêm, tôi nằm cạnh bên, thức ngủ theo từng hơi thở của chồng. Có đêm, anh sợ tiếng ho của anh làm tôi thức giấc, anh như cố kìm nén, hoặc trở đầu để ém đi bớt tiếng sặc sụa. Tôi trở mình, ôm lấy đôi bàn chân khô gầy của anh, cố giấu đi giọt nước mắt trong bóng đêm. 

Trời mới tờ mờ, tôi đã lui cui dậy, việc đầu tiên là xách cái ống nhổ lên, xem có lợn cợn vết máu nào không. Có thời điểm, khi sức khỏe nhà tôi xấu đi dần, tôi chỉ còn biết loanh quanh bên cái ống nhổ, cái bô vệ sinh để kiểm tra, để hy vọng. Rồi giặt khăn ấm, pha sữa, dòm ngó anh mỗi giây mỗi phút. 

Ngày đổ ống nhổ cho cha, tôi còn quá nhỏ, cứ làm và không xen nhiều cảm xúc đau xót. 

Ngày đổ ống nhổ cho cô, tôi làm như một công việc giữa bộn bề trường lớp, con cái, làm tận tụy trước chiếc bóng leo lắt của người già.

Còn hôm nay, hễ mỗi lần cầm cái ống nhổ cho chồng, chập chờn cái vết màu đỏ là tim tôi như ngừng đập. Tôi sợ cái ngày rồi anh cũng bỏ tôi lại mà ra đi. Hằng đêm, tôi nguyện cầu vong linh ông bà, tổ tiên cho tôi được đổ ống nhổ, dọn bô vệ sinh và giặt khăn cho tới lúc nào tôi không thể làm được nữa, hoặc tốt hơn, hãy cho tôi đi trước nhà tôi để khỏi phải chứng kiến giây phút xé lòng… 

Hoàng Thị Huyền Tuyến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI