Cái ôm gắn kết yêu thương

04/12/2024 - 06:08

PNO - Chỉ một cái ôm tưởng chừng đơn giản nhưng lắm lúc lại khó khăn. Chỉ một cái ôm cũng có thể thay đổi nhiều thứ.

Trẻ con cần được ôm ấp yêu thương

Mỗi sáng trước khi đến trường, con gái 6 tuổi của tôi chào mẹ bằng cái ôm thật chặt, kèm câu: “Chúc mẹ làm việc vui vẻ”. Tôi đáp lại: “Chúc con đi học vui vẻ”. Buổi chiều trở về, bé cũng chào tôi bằng cái ôm chặt như thế, rồi tíu tít kể mẹ nghe chuyện trường chuyện lớp, chuyện thầy cô bạn bè.

Vài lần con thức dậy trễ hay tôi bận việc, vội vàng đi cho đúng giờ, không kịp trao cái ôm khiến con không vui. Tưởng trẻ con dễ quên, nhưng đến lúc về con vẫn phụng phịu: “Mẹ quên ôm con”. Từ đó, dù bận cách mấy, dù muộn thế nào, tôi cùng dành cho con một cái ôm, để 2 mẹ con khởi đầu ngày mới thật vui vẻ và đầy yêu thương.

Con gái rất thích ôm mẹ (ảnh mẹ con tác giả)
Con gái rất thích ôm mẹ (ảnh mẹ con tác giả)

Nhiều lần con bị đau, bị thương do tính hiếu động, thích chạy nhảy leo trèo. Nhìn thân thể con trầy xước, tươm máu, tôi xót cả ruột gan, con thì mếu máo sắp khóc. Lúc đầu tôi cũng nhăn nhó trách con không nghe lời, càng khiến con buồn và thấy đau hơn. Dần dà, tôi gác lại mọi cảm xúc, mọi lời giáo huấn để ôm con thật chặt, thật lâu, vỗ về cho con bớt sợ. Khi con bình tĩnh rồi, tôi mới từ tốn chỉ cho con thấy những nguy hiểm, những hậu quả do không nghe lời cảnh báo của mẹ. Khi chính bản thân được trải nghiệm, con thường nhớ sâu và nhớ lâu bài học mà trước đó mẹ nói mãi con vẫn không để tâm.

Nhiều lúc đang chơi đùa hoặc không vì lý do nào cả, con cũng muốn ôm. Tôi hỏi con: “Khi nào mới hết ghiền ôm?”. Con trả lời không cần suy nghĩ: “Lớn bằng ba mẹ vẫn đòi ôm”. Cái ôm vừa trấn an con, vừa là sợi dây gắn kết tình cảm giữa mẹ với con. Suốt những năm tháng đầu đời, con được ôm ấp trong vòng tay ba mẹ. Trong quá trình trưởng thành, con vẫn cần những cái ôm để giúp con thành đứa trẻ tự tin, giàu tình yêu thương.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, những cái ôm, ngoài tác dụng giảm lo âu, căng thẳng, tạo cảm giác an toàn và yêu thương, còn là một trong những cách giảm đau tốt nhất. Ôm là liều thuốc hiệu quả để chữa lành những tổn thương của trẻ.

Một nghiên cứu tại Đại học Oxford chứng minh: những đứa trẻ nhận được yêu thương từ ba mẹ sẽ cảm thấy an toàn và tự tin phát triển hết khả năng của bản thân. Các cử chỉ đơn giản như xoa đầu hay một cái ôm ấm áp tăng khả năng gắn kết cùng ba mẹ. Khi đó, não bộ của trẻ và cả chính ba mẹ sẽ tiết ra hoóc môn oxytocin, được gọi là hoóc môn tình yêu, giúp giảm căng thẳng và tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc.

Dành cho bạn đời cái ôm mỗi ngày

Một người nữa mà chúng ta thường quên bày tỏ tình yêu thương chính là người ở gần ta nhất - bạn đời của ta. Khi mới quen nhau, lúc còn trong giai đoạn yêu đương, ta thường ôm nhau một cách tình cảm. Đến lúc về chung một nhà, sống với nhau càng lâu thì những cái ôm càng thưa thớt và gần như mất hẳn khi con cái ra đời. Nghĩa vụ, trách nhiệm, lo toan kéo cả hai rời xa những cử chỉ, lời nói âu yếm giản đơn thường ngày.

Sau một lần cãi nhau, chồng tôi bước đến ôm tôi để giảng hòa. Thật kỳ diệu, những giận hờn, bực tức gần như tan biến ngay sau cái ôm. Từ đó, mỗi buổi sáng, ngoài ôm tạm biệt con, tôi đều dành cho chồng cái ôm chào ngày mới. Đặc biệt, sau mỗi lần cãi nhau, chúng tôi đều cố duy trì cái ôm để làm hòa, để những cảm xúc tiêu cực không tồn tại dai dẳng.

“Chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày để tồn tại, 8 cái ôm mỗi ngày để duy trì và 12 cái ôm mỗi ngày để phát triển” - nhà tâm lý người Mỹ Virginia Satir từng chia sẻ như thế. Không mất thời gian, không tốn tiền bạc, lại mang đến niềm hạnh phúc, sao chúng ta không thường xuyên dành cho người thân yêu những cái ôm ấm áp?

Hãy ôm ba mẹ khi còn có thể

Không chỉ trẻ con, cả người lớn cũng cần được ôm. Nhưng càng lớn chúng ta càng ít thể hiện tình thương với người thân bằng những cái ôm như thế. Ta có thể thoải mái ôm người bạn xa cách lâu ngày hay ôm xã giao một đối tác vừa gặp, nhưng bao lâu rồi ta chưa ôm ba mẹ của mình, trong khi họ đang cô đơn vì không có người chuyện trò?

Tôi may mắn được sống cùng mẹ cho đến khi bà về bên kia thế giới. Khoảng cách thế hệ, những suy nghĩ khác nhau về cách nuôi dạy con cháu, những ý thích thường ngày đôi khi không đồng điệu khiến 2 mẹ con bất đồng quan điểm. Mỗi lúc biết mẹ buồn giận, tủi thân, tôi đến bên kể vài câu chuyện vui, rồi ôm mẹ một cái.

Lúc đó, dù mẹ làm mặt giận, nhưng miệng đã cong lên nụ cười. Người già có lúc như đứa trẻ, cần được an ủi, vỗ về để xoa dịu những tổn thương. Giờ đây, khi mẹ đã hóa mây trời, đôi lúc tôi thèm được ôm mẹ đến thắt lòng, nhưng chỉ có thể hoài niệm cảm giác ấm áp ấy mà thôi.

Hoàng Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI