Cái nhón chân vô hình trong khoảnh khắc tiêu cực

12/04/2025 - 11:41

PNO - Tại trung tâm thương mại V., tôi từng có ý nghĩ gieo mình, nhưng đã kịp dừng lại ở phút 89.

Hiện trường  nơi người đàn ông 32 tuổi nhảy từ tầng 7 xuống đát tử vong. Ảnh từ Facebook
Hiện trường nơi người đàn ông 32 tuổi nhảy xuống và tử vong (ảnh từ Facebook)

Những tin tức về 2 vụ nhảy lầu liên tiếp tại một trung tâm thương mại ở TPHCM mới đây khiến nhiều người bàng hoàng. Nạn nhân thứ nhất là một học sinh lớp 9 còn cả tương lai phía trước, và thứ hai là người đàn ông 32 tuổi - độ tuổi đang chín của cuộc đời. Sự ra đi đột ngột của họ không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình, mà còn dấy lên sự lo lắng trong cộng đồng.

2 câu chuyện trên làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì tại chính trung tâm thương mại V., tôi từng có ý nghĩ gieo mình, nhưng đã kịp dừng lại ở phút 89.

Cách đây hơn 1 năm, tôi cùng gia đình đến trung tâm thương mại V. dự tiệc sinh nhật người thân. Trong lúc tôi và gia đình chờ đến lượt vào quán ăn, tôi đứng tựa vào thành lan can ở tầng 4 nhìn xuống phía dưới ngắm cảnh - đây là thói quen và sở thích khi tôi ở tầng cao.

Giữa không gian náo nhiệt và ánh đèn lung linh, một khoảnh khắc tiêu cực ập đến. Trong đầu tôi có thước phim tua nhanh, hiện lên những áp lực, những nỗi buồn, những khó khăn mà tôi trải qua trong cuộc sống. Và trong tích tắc, khi nhìn xuống bên dưới, trong tôi lóe lên ý nghĩ: “Buông tay gieo mình là chấm hết, nhẹ tênh”.

Càng nhìn, suy nghĩ đó càng mạnh mẽ, thôi thúc tôi. Nhưng tiếng cười nói của người thân, của bọn trẻ phía sau khiến tôi sực tỉnh và rùng mình sợ dòng suy nghĩ tiêu cực. Tôi quay lại nhìn chồng và các con đang cười đùa, hình ảnh đó như chiếc neo níu tôi trở lại thực tại. Tôi vội vã lùi khỏi lan can...

Thi thoảng nhớ lại, tôi biết, có thể chỉ một tích tắc thôi, nếu tôi vẫn đứng ở đó, nhón chân lên, một chút buông lỏng, có lẽ tôi đã thuận theo suy nghĩ tiêu cực đáng sợ kia.

Trải nghiệm cá nhân khiến tôi thêm xót xa khi nghe tin về 2 tai nạn gần đây. Tôi chợt nhận ra, những suy nghĩ tiêu cực, những ý định dại dột có thể xuất hiện bất ngờ, trong khoảnh khắc yếu lòng. Và nếu không may, khi đang ở môi trường "thuận lợi" để thực hiện điều đó, thì bi kịch có thể xảy ra.

Tôi cũng không khỏi lo lắng về "hiệu ứng Werther" - hiện tượng tự tử theo gương - có thể xảy ra nếu những vụ việc đau lòng này được lan truyền một cách thiếu cẩn trọng. Nỗi buồn và những suy nghĩ tiêu cực có thể âm ỉ trong lòng ta và đôi khi chúng trỗi dậy một cách bất ngờ. Điều quan trọng là mỗi người cần học cách tự kiểm soát suy nghĩ của mình. Khi những ý nghĩ tiêu cực xuất hiện, hãy cố gắng tránh xa những điều kiện môi trường có thể "hiện thực hóa".

Từ trải nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng các trung tâm thương mại, đặc biệt là những nơi có không gian cao và lan can thoáng đãng như ở nhiều trung tâm thương mại, có lẽ nên xem xét đến việc tăng cường các biện pháp an toàn. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ, như lắp đặt lưới chắn cao hơn, hoặc thiết kế những hàng rào mà người ta phải thực hiện một vài động tác khó khăn hơn (ví dụ như phải trèo lên, hoặc cần vật hỗ trợ ) mới có thể vượt qua, thì đó sẽ là "thời gian vàng" có thể làm người có ý định tự tử kịp trấn tĩnh lại, thêm thời gian để suy nghĩ, từ bỏ hành động bộc phát, hoặc người qua lại phát hiện kịp.

Tôi tin rằng, bên cạnh những trường hợp chủ động rời bỏ sự sống xuất phát từ những vấn đề tâm lý sâu xa và kéo dài, vẫn có người nghĩ đến sự "giải thoát" một cách ngẫu nhiên, trong khoảnh khắc bốc đồng. Và nếu chúng ta có thể tạo ra những rào cản vật lý nhỏ, có thể chúng ta sẽ giúp thay đổi được một số phận.

Hy vọng rằng, những vụ việc đau lòng vừa qua là một lời cảnh tỉnh, để chúng ta cùng nhau quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của bản thân và những người xung quanh, đồng thời có những hành động thiết thực để ngăn chặn những bi kịch tương tự.

Phương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI