Là lãnh đạo một trong những đơn vị đầu tiên thuộc Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM lên tiếng về vấn đề vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ông Đặng Văn Chung - Giám đốc Nhà máy Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) - chia sẻ góc nhìn của mình trước sự kiện mà ông cho là thảm họa. Ông Chung cho hay:
- Datalogic Việt Nam hiện là nhà máy lớn nhất của Datalogic toàn cầu, chuyên lắp ráp thiết bị đọc mã vạch dành cho nhiều ngành nghề công nghiệp khác nhau. Hơn 50% nguyên phụ liệu, linh kiện của chúng tôi gồm các bộ phận điện tử, điều khiển, quang học, vỏ nhựa, cơ khí, dây cáp kết nối… phải nhập từ Trung Quốc. Nhìn chung, ai cũng biết sự phụ thuộc của mình vào chuỗi cung ứng từ quốc gia láng giềng này là cực lớn và chúng ta đang khá nhức đầu.
|
Ông Đặng Văn Chung - Giám đốc Nhà máy Datalogic Việt Nam |
Chúng tôi đã lường trước những khó khăn khi Cục Hàng không Việt Nam ra Chỉ thị số 362/CT-CHK hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác đường bay Việt Nam - Trung Quốc từ 13g ngày 1/2. Ngay từ ngày 4/2, Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TPHCM đã có văn bản cho rằng, việc này là cần thiết đối với vận chuyển hành khách, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp hội viên có nguy cơ thiếu hụt nguyên vật liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, một lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3/2020.
Đại dịch này rất khó tiên lượng
Phóng viên: Kiến nghị đó đã được phản hồi như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Văn Chung: Ngày 4/2, chúng tôi kiến nghị các ban, ngành cần bảo đảm việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc thì ngày 5/2, Văn phòng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới và công tác phòng chống dịch không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện chuyên chở hàng hóa không có hành khách qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không phải được áp dụng các biện pháp giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt. Họ chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào nội địa, bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm bệnh. Chỉ đạo này đã khai thông hàng hóa ứ đọng tại các cửa khẩu. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều lo ngại cho những ngày sắp tới.
* Ông có thể cho biết cụ thể về những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp phải liên quan đến dịch bệnh này?
- Chuỗi cung ứng của chúng tôi đa số nằm ở phía nam và đông nam của Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Đông, Thượng Hải, Hàng Châu. Theo lệnh chung, các nhà sản xuất bên đó nghỉ tết thêm một tuần; trong tuần tiếp theo, đơn vị nào đáp ứng được các yêu cầu của chính quyền về biện pháp vệ sinh, trang bị phòng dịch cho công nhân thì được sản xuất trở lại. Tuy nhiên, công nhân của họ chưa thể quay trở về 100% vì họ cũng đến từ khắp các vùng miền, có nơi đang bị phong tỏa vì dịch. Họ khôi phục được bao nhiêu thì xuất cho mình bấy nhiêu theo kế hoạch mà họ có thể, chứ không còn theo nhu cầu của mình.
|
Nhà máy Datalogic Việt Nam sản xuất thiết bị đọc barcode trong Khu Công nghệ cao TPHCM nhập khẩu đến hơn 50% nguyên phụ liệu từ các chuỗi cung ứng của Trung Quốc - Ảnh: Quốc Ngọc |
Ở tuần lễ thứ hai sau tết Nguyên đán, một số nhà cung cấp ở Trung Quốc bắt đầu quay lại làm việc, nhưng cũng chỉ bằng 20-30% công suất bình thường của họ. Có những nhà cung cấp chưa sản xuất lại. Bắt đầu từ tuần lễ vừa qua, chúng tôi mới nhận được hàng. Mọi việc có vẻ đang tốt hơn so với những tiên liệu trước đó, khi dịch bắt đầu nghiêm trọng. Nhưng đại dịch này rất khó tiên lượng, khó có kế hoạch phòng bị nào tối ưu cho các doanh nghiệp.
Khi các công ty ở Trung Quốc phải nghỉ tết thêm một tuần thì may mắn là nhà máy Việt Nam còn dự trữ nguyên vật liệu. Hiện chúng tôi vẫn đang sản xuất trên cơ sở dự trữ, chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuần này bắt đầu bị ảnh hưởng đôi chút và tuần sau nữa sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không còn nguyên vật liệu. Nếu tình trạng đóng băng kéo dài và mở rộng, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ buộc chúng tôi phải đóng cửa nhà máy. Có thể hình dung, một chiếc máy tính như thế này, nếu thiếu một chi tiết trong đó thì cả dây chuyền không thể lắp ráp được, huống chi Datalogic hiện đang phụ thuộc hơn 50% nguyên vật liệu.
* Các diễn biến mới nhất ở Trung Quốc cho thấy COVID-19 đang ngày càng nghiêm trọng với số ca mắc và tử vong tăng cao. Ông có dự báo gì cho hoạt động sản xuất những ngày sắp tới?
- Tôi vẫn mong sự phục hồi, vì sự phụ thuộc là của toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng doanh nghiệp Việt Nam. Tập đoàn của chúng tôi còn nhiều công ty ở các nước khác, ít nhiều đều bị ảnh hưởng và Datalogic Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nhất. Chỉ đạo của tập đoàn đối với thảm họa COVID-19 là các bộ phận liên quan trực tiếp đến chuỗi cung ứng phải gấp rút lên kế hoạch đối phó để giảm thiểu thiệt hại.
Chúng tôi phải lập ban chỉ đạo đặc biệt để đưa ra các chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Về ngắn hạn, phải xin lỗi, thuyết phục khách hàng kéo dài thời gian giao hàng, ưu tiên cái gì sản xuất trước. Về trung hạn, phải nhanh chóng có phương án tìm nguồn hàng thay thế và về dài hạn, phải có kế hoạch để không bị ảnh hưởng tức thời như thế này nữa.
Cơ hội cho chiến lược về chuỗi cung ứng trong nước
* Nhìn ở một góc khác, COVID-19 như một cơ hội để doanh nghiệp Việt tìm cách vượt thoát sự phụ thuộc, ít nhất là vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Nói cách khác, đã đến lúc phải phát triển công nghiệp phụ trợ bằng mọi giá, thưa ông?
- Nghe thì có vẻ dễ, nhưng thực tế không đơn giản. Chúng ta đã nghe các báo cáo vĩ mô của Chính phủ về tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, cán cân thương mại giữa hai nước cho thấy họ chiếm ưu thế quá lớn trong chuỗi cung ứng. Ai cũng biết họ thắng về giá và lý do đơn giản là doanh nghiệp cung cấp của họ làm tốt. Doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước của họ có thể làm ra nguyên vật liệu tầm cỡ, chất lượng với giá phải chăng. Chúng tôi cũng đi tìm gần 50% nguồn cung còn lại từ nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và châu Âu nhưng vẫn không thể bằng Trung Quốc vì sản phẩm của họ rất đa dạng, chất lượng và giá tốt.
Chỉ nói riêng về hàng điện tử, hầu như Việt Nam không thể tự cung ứng nguyên vật liệu. Cũng có vài doanh nghiệp làm, nhưng chỉ sản xuất cái mà doanh nghiệp khác không cần, cái cần thì chỉ đủ xuất khẩu ra ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa của chúng tôi chỉ khoảng 6%, phần lớn là các hàng hóa đơn giản như đúc kim loại, sơn mạ, xi phết hay ép nhựa, bao bì, đóng gói… Các nguyên vật liệu đòi hỏi công nghệ cao một chút thì công nghiệp phụ trợ của ta hoàn toàn thiếu.
* Trung Quốc đã khởi sự như thế nào, thưa ông?
- Thành công đầu tiên đến từ các nỗ lực của cấp chính phủ. Từ những năm 1990, Trung Quốc đã thành lập những khu tập trung sản xuất và có những hỗ trợ từ phía nhà nước để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cũng có sự nỗ lực vươn lên rất mạnh mẽ.
Nhà nước họ đã thấy ngay những yếu tố làm suy yếu công nghiệp phụ trợ. Khi phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô ở xa thì chi phí vận chuyển khiến giá thành tăng lên. Nhà nước đã hỗ trợ hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ ở gần, rút ngắn thời gian, chi phí. Hiện trên bình diện chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ cạnh tranh bằng giá tốt mà còn bằng chất lượng.
* Như vậy, chúng ta cũng cần hình thành những khu tập trung cho công nghiệp phụ trợ, thưa ông?
- Vâng. Có nhiều bước. Ví dụ, muốn sản xuất được máy tính, cần có vỏ nhựa. Muốn có vỏ nhựa, phải có hạt nhựa. Để có hạt nhựa, phải có nguyên liệu thô từ nhà máy hóa dầu. Muốn có nhà máy hóa dầu, phải có dầu thô. Thế thì, từng bước trong chuỗi đó kết hợp lại sao cho hiệu quả nhất để cho ra sản phẩm.
|
May mặc là một trong những ngành đang phải gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng củ a dịch Covid-19 ẢNH: VOV |
Tập đoàn Samsung đến đâu cũng đủ sức cuốn theo cả chuỗi cung ứng riêng của mình. Họ có đủ sức mạnh xây dựng chuỗi cung ứng và hứa hẹn nhiều cơ hội cho đơn vị cung ứng. Chuỗi cung ứng của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh rất hùng hậu. Khi Samsung có mặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM, cả doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc lẫn Việt Nam ùn ùn “chạy đến” làm chuỗi cung ứng. Đó là một mô hình dễ tham chiếu nhất.
* Ông nói doanh nghiệp Trung Quốc đã rất nỗ lực nắm bắt cơ hội từ các chính sách của nhà nước họ. Vậy, các doanh nghiệp Việt đang vướng phải vấn đề gì?
- Để trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, phải đạt nhiều tiêu chí như giá tốt nhất, chất lượng chấp nhận được, bảo đảm thời gian giao hàng. Đó gọi là xây dựng chuỗi đối tác tin cậy. Chúng tôi đã không tìm được những nhà cung cấp có năng lực như mình mong muốn ở Việt Nam. Năng lực đó có những điểm cơ bản nhất gồm năng lực kỹ thuật, công suất, chất lượng, uy tín của doanh nghiệp.
Tôi nói thẳng thắn rằng, ngoài việc sản phẩm không ổn định khi sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp Việt còn tiếp nhận phản hồi và hành động sửa sai không chuyên nghiệp; trình độ quản lý trong giải quyết các vấn đề khúc mắc liên quan đến các đòi hỏi, tiêu chí rất khắt khe của khách hàng kém, gây mất độ tin cậy. Doanh nghiệp cung ứng của nước ngoài luôn có cơ chế cho phép cải tiến, sửa sai về chất lượng sản phẩm và cả con người trong chuỗi sản xuất đó. Do đó, họ có thể giải quyết vấn đề nhanh và tốt nhất để khắc phục.
* Trở lại tình hình dịch bệnh, theo ông, cái khó nhất hiện nay của các doanh nghiệp là gì?
- Khó nhất là làm sao để mọi người yên tâm. Ngay từ những ngày đầu tiên có dịch, công ty chúng tôi đã làm công tác truyền thông đến mọi nhân viên. Bộ phận nhân sự toàn cầu của tập đoàn đã có những hướng dẫn để hiểu đúng về bệnh này, mỗi người, mỗi nhà máy và cấp độ tập đoàn cần phải làm gì.
Tới giờ phút này, chúng tôi đã bước sang tuần làm việc thứ ba (từ mồng Sáu tết) và mọi hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. Bên cạnh áp dụng theo các chỉ đạo chung của Chính phủ và của tập đoàn, chúng tôi đã cho phép những người có đi đến vùng Việt Nam công bố dịch như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa được làm việc ở nhà, hoặc nghỉ ở nhà, cách ly và vẫn trả lương đầy đủ. Điều đó hy vọng có những tác động nhất định đến suy nghĩ của 600-800 nhân viên, công nhân tứ xứ tại đây.
* Với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và với các hiệp định vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, ông thấy cần góp ý những gì để chúng ta ngày càng ít phụ thuộc?
- Qua tình huống thực tế hiện nay, tôi nghĩ, tất cả các doanh nghiệp đều đã có những đánh giá một cách nghiêm túc về sự chuẩn bị của họ trước các vấn đề như thảm họa Covid-19. Tôi tin chắc, doanh nghiệp nào cũng đều đã có kế hoạch phòng bị rủi ro. Thế nhưng, có thể rất nhiều trong số này chỉ mới xây dựng trên giấy chứ chưa áp dụng thực tiễn. Đối với Covid-19, không thể chỉ “tài liệu hóa”. Để tránh bất ngờ, chúng tôi đang nghiêm túc xây dựng lại kế hoạch phòng bị của mình. Phải tự hành động vì sự tồn tại, sống còn của mình chứ không thể trông mong từ Nhà nước, bởi mỗi đơn vị có những thực tiễn khác nhau.
Có chăng là, nếu như phải dừng sản xuất một thời gian dài thì mong Nhà nước có những hỗ trợ để “chia sẻ” với doanh nghiệp như nới lỏng thuế quan, giảm giá thuê đất, nhà xưởng và hỗ trợ những chính sách khác về phúc lợi, bảo hiểm xã hội…
Trước mắt, chúng tôi vẫn ưu tiên mua những nguyên vật liệu cần trước từ Trung Quốc, những hàng hóa chưa cần thì để sau. Trong vài tháng, nếu mọi việc chưa hoàn toàn phục hồi, chúng tôi đành chấp nhận mua giá cao. Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã thực sự lên kế hoạch tìm nguồn hàng khác thay thế nguồn cung Trung Quốc, cố gắng tìm ngay tại Việt Nam.
Tôi nhìn thấy cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng trong nước thông qua việc các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm cách chuyển dịch nhà máy ra các nước xung quanh. Cũng cần thấy vai trò và sự nỗ lực nội tại từ các doanh nghiệp như tôi đã chia sẻ bài học từ doanh nghiệp Trung Quốc. Các hiệp định như EVFTA và EVIPA vào lúc này có thể là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Tất cả phải được chúng ta căng mắt mà nắm bắt để dần ít phụ thuộc.
* Xin cảm ơn ông!
Quốc Ngọc (thực hiện)