'Cai ngục' trong tình yêu

02/12/2014 - 07:00

PNO - PN - Tâm lý chung của người đang yêu hoặc đã bước vào hôn nhân là sợ kẻ khác tăm tia “nửa kia quý báu” của mình, vì thế mà phải giữ chặt, giấu kỹ. Tuy nhiên, cũng như vốc cát trong tay, nếu ta nắm quá chặt thì cát sẽ rơi ra.

edf40wrjww2tblPage:Content

Yêu, quan tâm hay kiểm soát?

Biết tính Tuấn cả ghen nên trước chuyến công tác đầu tiên ở công ty mới, Hằng nhắn tin “báo cáo” Tuấn. Để rồi sau đó, Hằng không yên với những cuộc gọi, tin nhắn tra gạn, vặn vẹo của Tuấn rằng đoàn đi có mấy người, nam nữ ra sao, đi qua đêm à? Sau khi biết tỉ mỉ về chuyến công tác, Tuấn phán: “Chị phó phòng thì già ngắc rồi nên chẳng ai thèm ngó tới, còn em trẻ trung, xinh xắn nên chắc chắn hai gã đồng nghiệp kia sẽ lân la tán tỉnh, sàm sỡ. Thôi, đừng đi!”. Hằng cố giải thích nhưng Tuấn gạt ngang: “Nếu em không nghe anh mà cứ đi, tức là em có ý “ngoại tình”. Anh sẽ không “tha” cho em!”.

Thời sinh viên, ngày bốn lượt, Tuấn chạy xe vượt qua khoảng sân rộng, vào tận cầu thang dãy ký túc xá nữ để đón Hằng. Say đắm, ngất ngây với tình yêu nồng nàn và sự nâng niu, yêu chiều của Tuấn, Hằng chưa từng thử đặt câu hỏi đằng sau sự chăm sóc ấy là gì: si mê, ga lăng hay Tuấn muốn giam hãm mình? Mỗi ngày, cứ cách hai giờ là Tuấn lại ném cho Hằng một tin nhắn, cuộc gọi để “kiểm tra định kỳ”, cứ vài ngày lại đến cơ quan Hằng để “kiểm tra đột xuất” xem Hằng đang ngồi với ai, đang cười nói chuyện gì... “Riết rồi em không còn cảm giác được yêu thương, mà chỉ thấy ngạt thở, lo sợ, hoang mang. Em không biết phải làm gì với mối quan hệ này” - Hằng tâm sự.

"Cai ngục" trong tình yêu có rất nhiều “gương mặt” nhưng có thể nhận diện với những biểu hiện cơ bản: Người ấy có lời nói thô lỗ khi hạch hỏi bạn đi đâu, làm gì, với ai và sẵn sàng có hành động bạo lực vì cho rằng bạn gian dối, giấu diếm. Người ấy không bao giờ cho bạn một khoảng không gian riêng, hoặc được tự do (luôn kè kè bên bạn ở bất cứ đâu, nếu có thể); luôn “phong tỏa” các mối quan hệ bên ngoài của bạn, quyết tâm phá rối, đạp đổ các mối quan hệ nếu thấy có chiều hướng gắn bó. Người ấy không khen ngợi khi bạn thành công, không khuyến khích khi bạn có một triển vọng mới. Điều này đồng nghĩa với việc không quan tâm đến cảm xúc của bạn hay chia sẻ, động viên, nâng đỡ bạn; thậm chí còn lo sợ trước cơ hội tỏa sáng của bạn vì đó có thể là nguy cơ bạn sẽ bị vuột mất về tay kẻ khác. Đừng kỳ vọng hôn nhân sẽ “cải tạo” được “cai ngục” vì sự kiểm soát ấy không hề giảm mà sẽ càng được gia cố thêm bởi những dây trói chằng chịt khác do hôn nhân mang lại.

Thường thì nam giới dễ trở thành “cai ngục” đối với bạn gái. Tuy nhiên, nhiều cô cũng nhốt người yêu trong “nhà tù ngọt ngào”. Các cô không xem “nửa kia” là người đàn ông trưởng thành, có cái tôi riêng và cần được tôn trọng, mà chỉ muốn biến thành bản sao hay vật sở hữu của mình để mặc sức uốn nắn, cải tạo...

'Cai nguc' trong tinh yeu

Phá ngục

Đối mặt với “cai ngục”, điều đầu tiên, quan trọng nhất là bạn đừng tự nguyện làm tù nhân. Cảnh giác với những dấu hiệu kiểm soát và bày tỏ quan điểm của mình. Bạn cần xác lập việc: mình có hạnh phúc thì mới đem hạnh phúc đến cho người kia. Bạn phải biết yêu bản thân mình cùng những cảm xúc trong tình yêu. Nếu thấy sự quan tâm đã biến thành kiểm soát, mối quan hệ trở nên ngột ngạt, hãy đặt câu hỏi: “Mình có cần một tình yêu như thế?”. Khi bạn phụ thuộc cảm xúc, tiền bạc, quan điểm sống... vào người yêu, chính bạn đã đẩy mình vào vị trí tù nhân.

Trường hợp trót lỡ vào “tròng” thì cũng không quá muộn nếu bạn có ứng xử phù hợp. Nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cảm xúc để người yêu hiểu bạn cảm thấy ra sao với sự quản chế ấy. Khẳng định tình yêu của mình trong sự tôn trọng nhau, khơi dậy những mặt tích cực ở đối phương để họ lấy lại tự tin, thăng bằng. Đặt ra những ưu tiên trong cuộc sống sẽ giúp bạn tháo gỡ được vấn đề ở ngã rẽ “tiến thoái lưỡng nan”. Khi thấy mối quan hệ trở nên xấu đi, bạn cần biết mình phải ưu tiên cho điều gì. Đánh giá chính xác tình cảm của người kia dành cho mình là tình yêu hay sự chiếm hữu? Từ đó, xác định sẽ làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống hiện tại.

Nền móng của tình yêu là sự tin cậy, tôn trọng, là mang hạnh phúc và sự thăng hoa đến cho nhau chứ không phải kiểm soát, kìm giữ. Với mọi nỗ lực để người kia hiểu điều này nhưng vẫn không có kết quả, bạn đừng buông xuôi chấp nhận mà hãy mạnh dạn “phá ngục”, “vượt ngục”, chấm dứt mối quan hệ “hết thuốc chữa” ấy. Chẳng có thiên đường hạnh phúc nào chờ đợi phía trước khi mối quan hệ hiện tại của bạn không còn là tình yêu mà chỉ là xác chết của tình yêu!

 DIỆU VY

Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng: “Một tình yêu đúng là tình yêu làm cho mỗi người “lớn lên”, có chất lượng sống cao hơn, có cảm hứng sống mạnh mẽ hơn và hạnh phúc hơn”.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI