Cai nghiện điện thoại cho cả gia đình

13/04/2025 - 10:30

PNO - Khi công nghệ ngày càng chiếm lĩnh cuộc sống, việc sử dụng điện thoại quá mức đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người, từ già đến trẻ.

Thay vì quây quần cùng nhau bên bữa cơm gia đình ấm cúng hay buổi trò chuyện thân mật, các thành viên lại chìm đắm trong thế giới ảo, khiến tình cảm gia đình dần trở nên xa cách.

Màn hình lạnh, tình thân xa

“Con ước ba ít coi điện thoại hơn, mẹ có thời gian chơi với con nhiều hơn, đưa con đi du lịch, đi nhà sách…” là điều cô con gái nhỏ của anh Dương Hoàng (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) nguyện ước trong dịp sinh nhật 6 tuổi. Cậu con trai 10 tuổi của anh ngồi gần đó cũng phụ họa: “Đúng đó, con muốn ba chơi với tụi con nhiều hơn”. Anh cố nặn 1 nụ cười thật tự nhiên dù trong lòng muôn phần xấu hổ.

Anh Dương Hoàng tập “cai” điện thoại bằng cách đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội
Anh Dương Hoàng tập “cai” điện thoại bằng cách đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội

Vốn làm công việc liên quan đến tin tức thời sự, anh Hoàng bắt buộc phải thường xuyên kiểm tra email, tin nhắn. Ca trực thường kéo dài từ 6g đến 18g, thậm chí có hôm kéo dài hơn. Đó cũng là khoảng thời gian anh dính chặt với máy tính, điện thoại. Lâu dần, điều này hình thành thói quen khó bỏ, dù không phải ca trực, anh cũng kè kè điện thoại, kể cả lúc ăn cơm, tắm, đi vệ sinh. “Tôi biết việc không thể rời điện thoại như thế này là không ổn. Dù vậy, tôi không sao bỏ được” - anh Hoàng nói.

Đã nhiều lần chị Uyên Thư (35 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) phàn nàn với chồng về việc anh mê điện thoại, bỏ bê vợ con. Mỗi ngày đi làm về, chị Thư vừa trông con vừa lo cơm nước. Trong khi đó, chồng chị cứ trốn biệt trên gác lướt điện thoại.

Chị Thư kể: “Có lần, con trai muốn ba cùng chơi trò lắp ráp mô hình. Chồng tôi miễn cưỡng đồng ý nhưng rồi cũng bỏ mặc con một mình còn anh thì… “đánh liên quân”. Cũng vì chồng không cai được điện thoại, chị Thư cảm thấy mệt mỏi và không muốn sinh thêm con dù 2 bên nội ngoại hết lời thúc giục.

Tự giới hạn thời gian dùng điện thoại để làm gương cho con

Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm TPHCM - sự tác động của khoa học công nghệ, đặc biệt là các thiết bị điện tử và mạng xã hội khiến con người dành nhiều thời gian cho việc kết nối trên không gian mạng. Thời gian tương tác thật với con cái, người thân ngày càng ít. Kết nối giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên lỏng lẻo, thậm chí một số cha mẹ mất hoàn toàn sự kết nối với con mình.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân trong buổi chia sẻ với phụ huynh về cách kết nối cùng con
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân trong buổi chia sẻ với phụ huynh về cách kết nối cùng con

Đặc biệt đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, nhu cầu khám phá và tò mò về thế giới xung quanh rất lớn. Nếu cha mẹ không dành thời gian cho con, những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Trẻ có thể tự chơi một mình và gặp tai nạn, nuốt phải các vật nguy hiểm hoặc phát sinh các vấn đề tiêu cực về hành vi và cảm xúc. Ông Quân lưu ý: “Khi các con còn nhỏ, sự giám sát, quản lý, quan tâm của cha mẹ vô cùng quan trọng để tạo kết nối, lưu giữ những kỷ niệm đẹp và bảo vệ con khỏi những hành vi đáng tiếc”.

Đồng tình với quan điểm này, thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng - Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách tự giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng, đồng thời khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh như đọc sách, chơi thể thao, vẽ tranh, nấu ăn hoặc chơi với bạn bè”. Thạc sĩ Trọng nhấn mạnh việc tạo ra một môi trường tương tác phong phú, đa dạng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và duy trì mối quan hệ gắn bó với gia đình.

Điều ước của con đã thức tỉnh ba

Từ khi được điều ước ngây thơ của con gái thức tỉnh, anh Dương Hoàng tự đặt ra một lịch trình nghiêm túc để từ bỏ thói quen dùng điện thoại quá nhiều. Anh thiết lập thời gian sử dụng cho từng ứng dụng như: Facebook, YouTube, TikTok… Đôi lần, anh Hoàng bấm vào biểu tượng Facebook trên điện thoại 1 cách vô thức, chiếc điện thoại hiện dòng thông báo: “Bạn đã dùng Facebook 1 tiếng hôm nay rồi, hãy tắt ứng dụng đi nào”. Anh Hoàng tự cười với chính mình, đặt điện thoại xuống và quay lại chơi cùng 2 con.

Song song đó, anh Hoàng trở lại với sân cầu lông, chăm chỉ chạy bộ mỗi dịp cuối tuần, cùng con đạp xe khám phá những khu phố xung quanh nhà. Anh kiên quyết không mang theo điện thoại những dịp như vậy để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui cùng con. Mỗi tối trước khi đi ngủ, thay vì chiếc tai nghe cách âm và ánh sáng xanh lạnh lẽo của màn hình điện thoại, máy tính bảng, anh chọn âm thanh rộn rã tiếng cười bên trang sách cùng 2 con.

Anh Hoàng ý thức thời gian bên các con là điều quý báu nhất anh không muốn bỏ lỡ. Anh thầm cảm ơn điều ước ngây thơ của cô con gái đã thức tỉnh mình kịp lúc.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI