Cái nghề trông nắng, sợ mưa

01/07/2023 - 06:15

PNO - Năm nay, thời tiết ở miền Trung nắng nóng kéo dài, nhưng với nghề làm chiếu thì đây là điều kiện thuận lợi cho việc phơi lát.

Trời nắng như đổ lửa, bà Phan Thị Như (xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vẫn phơi mình trên đồng phơi lát. Bà tâm sự: “Cái nghề chiếu trông trời nắng, sợ trời mưa, nên dù đang nắng trưa xây xẩm mặt mày thì mọi người vẫn ra đồng phơi lát cho khô. Nếu cọng lát bị thấm nước mưa sẽ bị bầm đỏ, bở bục, không thể đan chiếu được”.

Người dân Phú Yên đội nắng phơi lát
Người dân Phú Yên đội nắng phơi lát

Xóm Chiếu ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư đã hình thành trên 100 năm. Mỗi năm, người dân ở đây thu hoạch 2 vụ lát vào tháng Ba và tháng Tám âm lịch. Lát sau khi phơi khô sẽ được nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, tím tùy theo yêu cầu của sản phẩm. Để bền màu và sắc nét, khi cọng lát ngậm màu lại phải tiếp tục đem phơi. 

Năm nay, thời tiết ở miền Trung nắng nóng kéo dài, nhưng với nghề làm chiếu thì đây là điều kiện thuận lợi cho việc phơi lát. Cho nên, đường vào thôn Phú Tân 1, những ngày qua đã ngập tràn sắc màu. Người làm chiếu ở thôn Phú Tân 1 thường sản xuất 2 loại chiếu là chiếu thường (màu trắng tự nhiên) và chiếu bông (chiếu nhuộm màu).

Hiện 1 đôi chiếu bông rộng 1,5m được bán với giá 80.000 đồng, còn chiếu thường 50.000 đồng. Ở xóm Chiếu hiện nay, ngoài những người đan chiếu theo cách truyền thống, một số gia đình đã sắm máy móc lập xưởng dệt chiếu. Lát khô được các xưởng thu mua với giá 18.000-20.000 đồng/kg.

Những đứa trẻ ở thôn Phú Tân 1 học làm chiếu để giữ nghề truyền thống và phụ giúp gia đình
Những đứa trẻ ở thôn Phú Tân 1 học làm chiếu để giữ nghề truyền thống và phụ giúp gia đình

Thu nhập của nghề đan chiếu chủ yếu lấy công làm lời, nhưng người làm chiếu không bỏ nghề vì nó là nghề truyền thống và không cần nhiều vốn đầu tư. Ông Nguyễn Văn Dũng - người dân xóm Chiếu, thôn Phú Tân 1 - cho biết, gia đình ông đã 3 đời làm chiếu. Tuy thu nhập thấp nhưng nhờ dành dụm mà xây được nhà cửa, mua ti vi, xe máy… 

Ở xóm Lưới Gõ (cùng thôn Phú Tân 1), trước đây người dân chuyên làm nghề thả lưới bắt cá dưới đầm Ô Loan, nhưng giờ nhiều người đã chuyển sang nghề dệt chiếu. Buổi trưa, trong xóm, những đứa trẻ vẫn cần mẫn ngồi dệt chiếu bên đường. Trên con đường ven theo đầm Ô Loan qua xóm Lưới Gõ, dưới nắng trời, lát nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ. Những chiếc chiếu thành phẩm trải khắp các sân nhà cũng đang chờ người đem đi tiêu thụ.

Cánh đồng lát của huyện Tuy An rộng 40ha. Đối với nghề đan chiếu, những năm qua, nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm chiếu của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định…

Út Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI