Cải lương về làng

09/08/2014 - 15:45

PNO - PN - Chiều hè, chiếc ô tô cũ kỹ chạy chầm chậm trên những con đường bê tông, phát loa: “A lô, a lô, kính mời bà con cô bác tối nay vào lúc bảy giờ, đến sân trường tiểu học cũ đón xem vở cải lương Lỡ nhịp cầu duyên do đoàn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là cách người xứ tôi yêu cải lương. Từ nhỏ tôi đã nghe má khoe, xứ miền Tây Nam bộ của má người ta “thở ra cải lương”. Về miền Trung làm dâu, mỗi lần có gánh hát nào về “đóng” ở sân trường học cũ, má lại được dịp nói về “đặc sản” quê hương.

Cai luong ve lang

Ảnh minh họa: Nguồn: Internet

Ngày trước, cứ tối thứ Bảy, đài truyền hình lại thay lịch chiếu phim bằng các vở chèo, tuồng, cải lương. Tuần nào chiếu cải lương thì chiều đó cả xóm tôi lại rộn ràng. Cứ đến lịch, đàn bà lại tất tả từ đồng, từ bãi về sớm, nấu cơm, dọn dẹp. Trẻ con cho trâu bò về từ lúc trời chưa kịp tối, đặng tắm rửa cho mau rồi đi theo bà, theo mẹ. Hồi ấy, nhà nào có được cái ti vi trắng đen là khá lắm. Làng trên xóm dưới, chỉ nhà bà Dũng và bà Rân là có ti vi, mà đều ở xóm trên. Từ nhà tôi đi lên nhà hai bà, theo đường chim bay là 1km, nhưng vì không biết… bay, chúng tôi phải đi bộ quanh co qua hai cánh đồng. Lúc đi thì mọi người ríu ra ríu rít, nói cười rộn ràng. Còn lúc về, ai cũng lặng lẽ cắm đầu, đi như chạy. Mấy lần chết khiếp đuổi theo các bà, các mẹ trên con đường vắng tanh, giữa đêm khuya khoắt, tôi sợ quá, “cai” coi cải lương mấy tháng liền.

Hiếm lắm, có đoàn cải lương từ miền Nam về diễn, làng tôi lại vui như trẩy hội. Những năm sau này, kinh tế phát triển, nhà nào cũng có ti vi, đầu đĩa. Ai muốn coi vở nào thì mua đĩa đó. Cũng từ dạo ấy, tôi không còn thấy ai canh giờ mỗi tối thứ Bảy coi cải lương.

***

Mấy hôm nay, đoàn cải lương đến, loáng trong buổi chiều đã dựng xong cái sân khấu ngay sân trường tiểu học cũ. Họ dựng luôn hàng rào bằng bạt xung quanh sân trường. Từ sáu giờ tối, hai người ngồi đặt cái bàn nhựa nhỏ phía trước bán vé. Ngày đầu tiên, họ bán hết veo từ sớm. Tôi cũng mua một vé, háo hức đi xem người ta… xem cải lương thế nào .

Vừa bước khỏi cổng soát vé, không khí như trẩy hội năm nào ập vào mắt tôi. Tôi ráng chui lên trên cùng, kiếm một chỗ thiệt đẹp, rồi nhìn quanh. Bà con hàng xóm không thiếu một ai. Vợ chồng ông Sáu Tới ngày nào, đêm nào cũng oằn lưng bên bãi bồi Đông Khương, vậy mà giờ này vẫn tươm tất ngồi chung hàng với bọn trẻ con, chằm chằm nhìn lên sân khấu. Ông Lý, hơn 70 tuổi, nghe đâu nhà ở Đà Nẵng về chơi, gặp gánh cải lương cũng hăm hở theo coi. Chị Mận xóm tôi, lấy chồng về xã khác, mấy hôm nay bồng con về ngoại để tối đi coi cải lương. Tụi con nít, trước buổi diễn thì chạy quanh, tới giờ diễn cũng tự động ngồi một chỗ, ngây người nhìn lên sân khấu. Trên sân khấu, diễn viên ngọt ngào nhả chữ, trầm bổng, luyến láy. Gặp đoạn người hiền bị hãm hại, khán giả lại chậc lưỡi, giậm chân, ra vẻ tức giận, rồi khi nhân vật báo oán, lại hả hê: “đáng đời, ai biểu ác!”.

Đoàn cải lương đi, dọn cái sân trường cũ sạch trơn, không để lại dấu vết gì. Trẻ con lại chăn trâu đến tối mịt, người lớn lại thong thả làm đồng, đĩa cải lương ngoài chợ vẫn ế ẩm. Nhưng, nếu đoàn cải lương nào đó lại về, mọi thứ sẽ thức dậy, như đêm qua…

 Như Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI