Cải lương và nỗi lo thế hệ kế thừa

17/09/2018 - 08:59

PNO - Điều khá đặc biệt ở Liên hoan cải lương toàn quốc năm nay là sự xuất hiện của nhiều gương mặt diễn viên trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là những âu lo về lớp nghệ sĩ kế thừa.

Những khoảng cách đầy âu lo

Chưa bao giờ Liên hoan cải lương toàn quốc có cuộc đổ quân rầm rộ của các Chuông vàng, Chuông bạc và những thí sinh top 10 cuộc thi Chuông vàng vọng cổ như năm nay. Trịnh Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thanh Nhường, Mỹ Linh, Vĩnh Sơn, Hoàng Oanh, Võ Hoàng Dư, Mỹ Vân… hiện diện ở hầu hết các vở diễn. Đặc biệt, có vở có đến 2, 3 Chuông vàng cùng tham gia như Thành phố buổi bình minh (Nguyễn Minh Trường, Tô Tấn Loan, Nguyễn Thanh Toàn), Lối về (Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi), Hiu hiu gió bấc (Nguyễn Thị Luận, Tô Tấn Loan)…

Cai luong va noi lo the he ke thua
Những diễn viên trẻ khá chắc nghề, bản lĩnh của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai

Đa phần những diễn viên trẻ khoe tài ở liên hoan lần này đều có giọng ca, làn hơi khá tốt. Nhưng ưu điểm để họ chinh phục khán giả vẫn là giọng ca chứ chưa có được sự hóa thân vào nhân vật để dẫn dắt cảm xúc người xem. Điểm yếu dễ thấy nhất ở họ là khả năng cảm thụ, thể hiện tâm lý nhân vật. Lỗi mắc nhiều nhất là giọng ca một đàng nhưng biểu cảm, cảm xúc trên khuôn mặt, ánh mắt lại ở một nẻo. Gần như họ chỉ biết khoe giọng. Kết quả là khi diễn với nhau, họ mạnh ai nấy diễn, thiếu sự giao lưu giữa các nhân vật trong từng tình huống.

Đáng ngại hơn, rất ít diễn viên trẻ có thể giữ đường dây tâm lý nhân vật xuyên suốt. Họ chỉ là nhân vật khi ca, thoại lời. Vừa dứt bài ca, câu thoại, họ lại trở về là chính mình. Thậm chí, có nữ diễn viên, khi các nhân vật khác đang căng thẳng tranh luận về quyết định hiến xác một người vừa mất cho y học - chính là người yêu của cô thì cô lại hồn nhiên… đọc báo.

Nhiều diễn viên cũng không xác định được nhân thân của nhân vật nên công chúa lại chạy lạch bạch trên sân khấu; vị tiến sĩ tâm sự những khắc khoải, buồn đau… mà ngỡ như cậu sinh viên đang khóc than, kể khổ... Có diễn viên tham gia hai vai diễn ở hai vở khác nhau, nhưng khi là cô gái quê nghèo khó hay là tiểu thơ con nhà quan thì sự khác nhau chỉ là… bộ trang phục.

Lối diễn rất xưa cũ: ồn ào, cứ buồn khổ, tức giận là la bai bải hoặc lăn lê, kêu gào. Trong lớp diễn cô con gái kiên quyết dọn vào ký túc xá khi trước đó chồng cũng đã bỏ nhà ra đi, người vợ là một doanh nhân lăn lộn, gào khóc trên sân khấu, khiến người xem phì cười. Hay cảnh đứa con gái gặp lại mẹ, dù cô kể rằng suốt 20 năm, cô chỉ mong một lần gọi mẹ, cứ lớn tiếng trách móc, lạnh lùng gọi bà, xưng tôi. Lớp diễn làm mất hình ảnh đẹp của cô con gái được nuôi lớn từ tình thương, sự dạy dỗ của người lính và khiến việc nhận lại mẹ ruột ít nhiều mất thuyết phục.

Tại anh, tại ả

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn viên ngày nay non nghề do ít tập luyện, không đủ đam mê. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Ngoài những giọng ca cắm cúi chạy show, quên chuyện luyện nghề, vẫn còn nhiều diễn viên luôn tìm cơ hội để được rèn luyện và sống trọn vẹn cho cải lương. Tiếc rằng, họ không có nhiều cơ hội. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thừa nhận: khi mới vào nghề, thứ duy nhất họ có là giọng ca. Cùng với việc tự học thì việc truyền nghề ở các đoàn hát là rất quan trọng.

Trước đây, nhiều gánh hát tư mời thầy giỏi về dạy diễn viên ca, diễn, vũ đạo… Có gánh mời luôn thầy tuồng giỏi về viết tuồng “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ. Một vở diễn tập liên tục hàng tháng và có thể diễn hàng trăm suất. Mỗi buổi tập, suất diễn, nghệ sĩ sẽ tự điều chỉnh vai diễn và mỗi sự điều chỉnh chính là một bài học, được tích lũy cho quá trình làm nghề. Tiếc rằng hiện nay, yếu tố này gần như đã bị lãng quên.

Lỗi của diễn viên một phần, nhưng đạo diễn phải nhìn thấy trách nhiệm của mình khi chỉ chú trọng mảng miếng sân khấu mà bỏ qua trách nhiệm giúp diễn viên phát huy khả năng ca diễn. Chính vì quá quan tâm đến mảng miếng, trò diễn mà liên hoan có cả những lối dàn dựng rất lạ. Đạo diễn thích kéo diễn viên lên bục cao khi thoại lời, dẫn đến chuyện nhân vật là người lớn tuổi, đang ngồi bệt trên sàn cũng phải bật dậy, leo lên bục mới nói câu thoại của mình, dứt câu, lại tìm cách leo xuống. Có vở, đạo diễn vì bận quan tâm chuyện dàn dựng mà quên chuyện khác, nên diễn viên chỉ có một lối - hết đưa tay lên lại bỏ tay xuống.

Thực trạng này một phần do đạo diễn chạy quá nhiều show nên không còn đủ thời gian chăm chút cho từng tác phẩm, nhưng phần khác là do đạo diễn còn non tay nghề. Thế kỷ XXI mà vẫn còn lối dàn dựng thô sơ đến mức cùng lúc cho 6, 7 nhân vật hoặc dàn hàng ngang trên sân khấu, hoặc xếp thành hình chữ V để nghe nhân vật chính thoại lời.

Việc chọn lựa kịch bản và sự linh hoạt trong công tác tổ chức biểu diễn là yếu tố quan trọng đã bị cho qua. nhiều kịch bản được chọn chỉ để dàn dựng cho đủ chỉ tiêu, phù hợp định hướng… tập luyện xong, diễn vài buổi rồi cất kho, đồng nghĩa với việc nhà quản lý đã “cất” luôn cơ hội được cọ xát với vai diễn, tiếp xúc với công chúng để trưởng thành của diễn viên.

Kịch bản với lời thoại khô cứng, cứ như được sao y từ các nghị quyết, thông tư vẫn xuất hiện ở liên hoan. Ngạc nhiên hơn, đó lại là những kịch bản được giải từ các trại sáng tác! Những câu khẩu hiệu, lời lẽ tuyên truyền khô khan… được nhét vào miệng diễn viên, bất chấp tình huống, xung đột kịch và cả tính hợp lý trong mạch tác phẩm. Không chỉ khán giả mà diễn viên cũng thừa nhận họ khó cảm được vai diễn để thăng hoa với nhân vật và cảm xúc.

Sân khấu cải lương hiện không thiếu tài năng, nhưng họ đang được ví như hiệp sĩ giữa rừng già, vì không có người đưa đường, chỉ lối. Những viên ngọc, dù đã lấp lánh sáng, nếu không được mài giũa thì sẽ thành gì qua thời gian?

Ở liên hoan lần này, nhiều vở, đạo diễn phó mặc cho diễn viên muốn làm gì thì làm. Thế nên mới có chuyện nhân vật là vua, quan hay dân đen chỉ khác nhau ở trang phục và cách hóa trang, còn thần thái, điệu bộ thì chẳng mấy khác biệt - rất tùy tiện và cảm tính, bất chấp những nguyên tắc về các trình thức vũ đạo của sân khấu cải lương.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI