Cải lương và cuộc hoán đổi trăm năm trước

01/09/2018 - 06:19

PNO - Không phải ngẫu nhiên khi ngót 100 năm trước, ngày 15/3/1918, tại rạp Thầy Năm Tú ở Tiền Giang đã khai diễn vở cải lương đầu tiên 'Kim Vân Kiều' - do thầy Năm Tú đặt soạn giả Trương Duy Toản viết cho.

Cũng có nguồn tư liệu khẳng định là vở Lục Vân Tiên, phỏng theo nguyên tác của cụ Đồ Chiểu.

Là gì, của ai thì cải lương cũng đã chọn sự mở đầu bằng tinh thần “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” của Từ Hải, bằng phẩm chất nghĩa hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” và tôn thờ phẩm giá trung trinh, ái quốc.

Con đường tiếp biến và đạt tới tính chỉnh thể sân khấu của cải lương đã được các soạn giả - thầy tuồng như NSND Nguyễn Thành Châu, soạn giả Trần Hữu Trang hợp cùng nhiều tên tuổi nghệ sĩ tiền bối như Năm Phỉ, Tư Sạng, Tư Chơi, Bảy Nhiêu, Phùng Há... lĩnh hội, chọn lọc, canh tân, định hình, phát triển.

Thoát khỏi những khuôn thước cũ kỹ, những kiểu vay mượn điển tích chương hồi; tiếp cận chủ trương “thay bút lông bằng bút sắt” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cải lương - với tinh thần kịch nghệ Việt cho người Việt đã học cái tinh túy của người Âu, mới hơn, nhanh hơn, có tính hành động mạnh mẽ hơn; và đặc biệt đã khai thác triệt để nguyên tắc “tính điển hình trong hoàn cảnh điển hình” của kịch cổ điển Pháp.

Dĩ nhiên, trên nền tảng của âm nhạc dân gian và ngọn nguồn đờn ca tài tử, cải lương đã thực hiện một cuộc hoán đổi thú vị: dùng cấu trúc kịch Tây để chuyển tải điệu thức ta. Từ đó, thực thi một tiếng nói phản biện: dùng loại hình nghệ thuật có ảnh hưởng của văn hóa Pháp để phản ánh xã hội đang bị chính nước Pháp cai trị, công kích mọi sự học đòi, a dua theo lối sống thực dân nửa phong kiến mà hát mà diễn cho người Pháp và người Việt cùng coi.

Tác phẩm Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang ra đời năm 1936 là một ví dụ. Đằng sau cái phận đời ngang trái của Lựu là tiếng kêu đòi quyền sống, quyền tự do của những con người cùng khổ như Hai Thành, như Lựu, Kim Anh. Tuyến đối lập là hội đồng Thăng ác ôn bóc lột tá điền, là tên thông ngôn Mẫn Đạt - học đòi phục dịch cho quan Tây.

Cai luong va cuoc hoan doi tram nam truoc
NSND Phùng Há (bìa trái) trong Đời cô Lựu, năm 1958

Thủ diễn vai cô Lựu - NSND Phùng Há sau này, khi dàn dựng lại cho học trò của mình - NSND Bạch Tuyết đã nói: hồi trước, nước mình còn nô lệ, cảnh chót, Lựu buộc phải đi tu thì chánh quyền Pháp mới cho hát. Nay nước nhà thống nhất, phải để Lựu được tự quyết con đường của mình.

Hành động bước tới, ngẩng cao đầu, rền giọng “ra tay đi” - của cô Lựu - bản dựng năm 1983 đã được suy tính như thế!

Chi tiết nhân vật nữ đi tu cũng là cách mà tác giả Ưng Bình Thúc Giạ Thị khi chuyển bi kịch Le Cid của Corneille sang thành tuồng Đông Lộ Địch, được công diễn đầu tiên vào đêm 5/5/1928 tại rạp Xuân Kinh Đài, Huế.

Rõ ràng, đâu chỉ là chuyện dịch thuật, đâu chỉ là cuộc canh tân quốc ngữ và thiết lập một nền tảng quốc văn. Đó còn là sự truyền tải một tinh thần ái quốc, đòi phen sống chết trước vận mệnh mất còn của nước nhà mà cải lương - trong thời điểm khai sinh đã chọn một thái độ dõng dạc, một hình thức uyển chuyển.

Năm 1931, đoàn Phước Cương sang Pháp biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế ở Paris. Nghệ sĩ cải lương Năm Phỉ trong vai Bàng Quý Phi, nghệ sĩ Bảy Nhiêu trong vai vua Nhơn Tôn đã làm kinh ngạc giới mộ điệu kịch nghệ Pháp. Tờ L’Intransigeant gọi Năm Phỉ là “nàng Bérénice An Nam” - để so sánh nhân vật Bàng Phi với Bérénice trong vở kịch cùng tên của nhà biên kịch cổ điển Pháp lừng lẫy Racine.

Cai luong va cuoc hoan doi tram nam truoc
Nghệ sĩ cải lương Năm Phỉ - Bảy Nhiêu biểu diễn Xử án Bàng Quý Phi tại Paris - 1931 (Ảnh: bộ sưu tập của Clemens Radauer)

Nhà văn Francis de Miomandre đã thốt lên rằng “tuồng An Nam này - Xử án Bàng Quý Phi - đã làm cho tôi hiểu tác phẩm của Racine như tôi đã không bao giờ biết: trong đó có một thể loại kích thước mới trong không gian và thời gian”.

Còn tờ Le Figaro thì đưa ra nhận định: cải lương đã nâng cao nghệ thuật sân khấu phương Đông và đạt được sự cảm thông của khán giả khác màu da và tiếng nói (dẫn theo nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, Đại học Quốc gia Australia - Người đô thị).

Năm 1984, chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, sau vai diễn cô Lựu (trong Đời cô Lựu), Thượng dương hoàng hậu (trong Câu thơ yên ngựa), tờ Libération đã gọi nghệ sĩ Bạch Tuyết là “Maria Callas của phương Đông”.

Đến năm 2004, tại Liên hoan sân khấu châu Á được tổ chức tại Hà Nội, khi xem Hoàng hậu của hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh), một học giả sân khấu Nhật Bản đã kinh ngạc nói: tôi nhìn thấy trong nhân vật này - Dương Vân Nga, trong triều đại này - giao thời Đinh - Lê sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam, nó đã được chuyển tải qua một nghệ thuật biểu diễn kinh điển.

100 năm ra đời và phát triển, cải lương đã chuyên chở trọn vẹn tinh thần canh tân của thời cuộc bằng chính sức mạnh cội nguồn mà từ đó, chinh phục công chúng Tây lẫn ta.

Liệu 100 năm tới, sức mạnh ấy, tinh thần “cải cách hát ca theo tiến bộ” ấy có còn được lưu truyền, có còn được giữ vững? 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI