Cải lương tuồng cổ đâu chỉ có Hồ Quảng
Sàn diễn cải lương đã trở lại ngoạn mục sau đại dịch COVID-19. Tuy không duy trì được lịch diễn hằng tuần, nhưng các sân khấu công lập lẫn xã hội hóa đều đông khán giả qua mỗi suất diễn, là điều rất đáng mừng cho người làm nghề.
|
Trung thần là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử được đánh giá cao nhưng vẫn rất khó bán vé - Ảnh: N.T |
Khán giả có xu hướng ưa chuộng các sân khấu chuyên về tuồng cổ, khai thác tích truyện Trung Quốc, như: đoàn cải lương tuồng cổ (CLTC) Huỳnh Long, sân khấu Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Vũ Luân, sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang… Đặc biệt, đoàn Huỳnh Long liên tiếp cháy vé các vở Mạnh Lệ Quân, Xử án Phi Giao, Hoàn Châu cách cách…
Mới đây, hai nghệ sĩ trẻ là Nguyễn Văn Hợp và Hoàng Hải đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các vở Bạch xà đáo địa ngục môn (kết hợp với sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang) và Lan Lăng vương nhập trận khúc (kết hợp với sân khấu Chí Linh - Vân Hà), đều nhận được phản hồi tích cực. Riêng Lan Lăng vương nhập trận khúc còn ghi điểm bởi kịch bản mới mẻ, biểu diễn lôi cuốn.
Từ trước đến nay, CLTC với đặc trưng loại hình mang đậm tính giải trí - âm nhạc bắt tai, vũ đạo hấp dẫn, phục trang đẹp mắt, cốt truyện kịch tính - luôn được khán giả yêu thích. Các vở diễn từ tích truyện Trung Quốc như: Xử án Bàng Quý Phi, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Mộc Quế Anh dâng cây, Mạnh Lệ Quân, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thanh xà - Bạch xà, Xử án Phi Giao, Xử bá đao Từ Hải Thọ… dù hàng chục năm tuổi vẫn được đông đảo khán giả đón nhận mỗi lần tái dựng.
|
Ê-kíp vở cải lương tuồng cổ lịch sử Thủy chiến biểu diễn phục vụ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II (TP.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: N.T |
Tuy nhiên, việc quá tập trung khai thác tích truyện Trung Quốc như thời gian qua cũng gợi những băn khoăn, khi vô tình hạn chế sự đa dạng và hấp dẫn của nghệ thuật CLTC. Theo nhiều nghiên cứu, CLTC được hình thành và phát triển từ sự kết hợp hòa quyện giữa nghệ thuật hát bội và cải lương, đồng thời tiếp thu có chọn lọc ca kịch Quảng Đông, âm nhạc Đài Loan (Trung Quốc)… Trong đó, NSND Thanh Tòng và nhạc sĩ Đức Phú được xem là có công đầu trong công cuộc Việt hóa các bài bản có nguồn gốc Trung Hoa và cải cách trình thức biểu diễn để đưa hát bội pha cải lương phát triển thành cải lương Hồ Quảng, và cuối cùng định hình nghệ thuật CLTC.
Lúc sinh thời, NSND Thanh Tòng từng thực hiện công trình nghiên cứu “Từ hát bội đến CLTC”, hệ thống quá trình sáng tạo đầy nhọc nhằn của những người nghệ sĩ luôn trăn trở với bản sắc dân tộc. Theo cố NSND Thanh Tòng, đỉnh cao của CLTC là từ những Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Bức ngôn đồ Đại Việt, Anh hùng bán than, Tô Hiến Thành xử án… Đây là những tác phẩm đề tài lịch sử Việt Nam với hệ thống âm nhạc đổi mới và thoát khỏi ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa. Vũ đạo được đơn giản hóa từ hát bội, chú trọng diễn xuất nội tâm theo phong cách cải lương “thật và đẹp”.
Nhạc sĩ Đức Phú và sau này là nhạc sĩ Minh Tâm còn sáng tác nhạc riêng cho từng vở tuồng, dù là tích truyện Tàu, thì phần âm nhạc vẫn chủ yếu khai thác chất liệu ngũ cung của âm nhạc dân tộc, góp phần làm phong phú thêm âm nhạc cải lương.
|
Vở Lan Lăng vương nhập trận khúc gây ấn tượng với kịch bản mới và phần dàn dựng vẫn đậm chất Cải lương. |
Tuy nhiên, thời gian qua, không chỉ thiếu vắng đề tài lịch sử, mà có nơi có chỗ còn có xu hướng lai căng, lạm dụng âm nhạc Hồ Quảng, thậm chí là “bê nguyên xi” phục trang, cách trang điểm, vũ đạo… từ hí kịch Trung Hoa. Điều này hoàn toàn đi ngược tinh thần cải cách tiến bộ của những người đi trước đã dày công sáng tạo và định hình bản sắc cho nghệ thuật CLTC.
Khai thác ở góc nhìn trữ tình, nhân văn sẽ dễ đi vào lòng người hơn “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cũng đã có cuộc phiêu lưu không thành với cải lương. Khi dự án “Tôi yêu cải lương” phối hợp cùng Hội Sân khấu TP.HCM đưa vở cải lương lịch sử Trung thần đến với khán giả nhưng chỉ diễn được hai suất tại Nhà hát Bến Thành hồi năm 2016. Ông Tuấn cho rằng tình trạng lạm phát tích truyện Trung Hoa trên sân khấu cải lương cần thiết phải điều chỉnh, nhưng cũng rất thông cảm với người làm cải lương, vì làm tuồng sử gần như “cầm chắc lỗ”. “Tích truyện nước ngoài nội dung phong phú, thậm chí muốn nói gì cũng được, Triệu Tử Long có yêu ai, Đông Hán chuyển sang Tây Hán đâu ai để ý? Nhưng lịch sử Việt thì khác, có hư cấu cũng không thể sai sử. Việc luôn bị nhìn chằm chằm để bắt lỗi đôi khi cũng nản. Tôi cho rằng cần đa dạng hóa hướng khai thác đề tài lịch sử, đâu cứ rằng sử thì phải gắn liền với các cuộc chiến chống ngoại xâm, còn có chuyện nhân sinh, chuyện tình của các bậc anh hùng… Khai thác ở góc nhìn trữ tình, nhân văn, cải lương sử Việt sẽ dễ đi vào lòng người hơn”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói. |
Khó nhưng vẫn phải làm
“Hơn ai hết, người nghệ sĩ ý thức rõ vấn đề một nền sân khấu dân tộc thì không thể chỉ khai thác tích truyện nước ngoài. Tuy nhiên, làm tuồng lịch sử hiện nay đúng là quá khó đối với sân khấu xã hội hóa. Quan điểm của tôi là đầu tư cho một tuồng tích truyện Trung Hoa một, thì đầu tư cho tuồng lịch sử nước nhà phải gấp ba. Từ kịch bản, dàn dựng đến lực lượng diễn viên phải thật hoàn chỉnh. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà của chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm kịch bản lịch sử hay, thậm chí đặt cả tác giả riêng, mà vẫn chưa ưng ý” - nghệ sĩ Chí Linh chia sẻ.
Nghệ sĩ Hoàng Hải vừa đánh dấu mười năm theo nghề với vở Lan Lăng vương nhập trận khúc, được cả báo giới và khán giả đánh giá cao. Những năm qua, Hoàng Hải cũng đầu tư thực hiện các trích đoạn mới trên kênh YouTube của mình, chủ yếu cũng từ tích truyện nước ngoài. Hoàng Hải cho biết, khác các tác phẩm thông thường có thể chỉ để giải trí, tác phẩm đề tài lịch sử còn là một bài học lịch sử. Bài học ấy không chỉ phải đúng, mà còn phải hấp dẫn để thu hút, tạo dấu ấn với người xem, nhất là khán giả trẻ. “Tôi muốn làm tuồng lịch sử thì phải thật hay, phải làm khán giả trẻ thấy thích thú và nhớ về câu chuyện, nhân vật lịch sử đó, chứ không phải chỉ làm cho có” - Hoàng Hải nói.
Chia sẻ về việc giữ gìn bản sắc nghệ thuật CLTC, Hoàng Hải cho biết mình cũng đã cố gắng tiết chế phần âm nhạc Hồ Quảng rình rang, mà chú trọng các bài bản cải lương, cũng như đặt trọng tâm ở diễn xuất hơn là cố gắng khoe vũ đạo. NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Chí Linh khi dàn dựng cũng hạn chế các điệu bộ, vũ đạo rườm rà, và đẩy mạnh chất trữ tình tự sự của cải lương qua các lớp diễn nội tâm của các nhân vật.
|
Bão táp nguyên phong, một trong những vở diễn đề tài lịch sử nổi tiéng của san khấu cải lương tuồng cổ |
Đạo diễn Nguyên Đạt cho rằng, đây là thời điểm rất thuận lợi để đẩy mạnh mảng đề tài lịch sử ở sân khấu CLTC. “Sự thu hút về âm nhạc, vũ đạo, phục trang của tuồng cổ đều phát huy được ở đề tài lịch sử. Điển hình cho những năm gần đây là vở Trung thần của đạo diễn Hoa Hạ, hay Thủy chiến của đạo diễn trẻ Kim Tiến khá hấp dẫn. Cải lương xã hội hóa hiện đang có đà phát triển tốt hơn hẳn những năm trước. Đặc biệt, khán giả hôm nay không đơn thuần là người mộ điệu, mà chủ yếu ủng hộ nghệ sĩ. Nên nhân cơ hội này mà khuyến khích nghệ sĩ thực hiện các đề tài lịch sử để giới thiệu với công chúng”, ông nói.
Theo đạo diễn Nguyên Đạt, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc vào cuối năm là cơ hội lớn để khơi dậy mảng đề tài lịch sử ở sân khấu cải lương nói chung và CLTC nói riêng. “Tôi được biết rất nhiều đơn vị chọn đề tài lịch sử dự liên hoan. Qua đợt này, cần làm tốt công tác tuyên truyền, đưa khán giả đến với liên hoan, để qua đó có thể đo lường được thị hiếu khán giả, xem cần phải làm gì để lịch sử hấp dẫn từ đó rút ra bài học cho những tác phẩm về sau. Vẫn biết là khó, nhưng khó không có nghĩa là chúng ta từ bỏ. Quan trọng là sự lựa chọn và dám thể hiện mình của người làm nghề mà thôi”, đạo diễn Nguyên Đạt nói.
Đông A