PNO - Cuộc gầy dựng của 'Trăm năm nguồn cội', là một thử nghiệm của tình yêu, của ý thức tôn vinh và giữ gìn các giá trị nguyên bản bằng sự hiểu biết, bằng khát vọng lan truyền tình yêu...
1. Cải lương - trăm năm nguồn cội không chọn lối mở đầu bằng tấu khúc nhạc lễ, vốn như một thói quen của hầu hết các chương trình mang tính trình diễn lịch sử của loại hình này. Nó “tham vọng” hơn khi đặt mình trên nền của biểu tượng tre xanh - Việt Nam, của tổ khúc Tình ca tiếng nước tôi (Phạm Duy) “bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.
Ở nghĩa hẹp, đó là sự xác tín: cải lương góp phần quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa chữ quốc ngữ và nền quốc văn nước nhà, giai đoạn đầu của thế kỷ XX (thông qua các soạn giả tiền bối đã viết lời mới, dịch một số vở kịch cổ điển Pháp, rồi dàn dựng thành những vở cải lương phục vụ khán giả Việt). Rộng hơn, cải lương là “tiếng nước tôi”, là dân tộc tôi, là Việt Nam tôi. Cái thang âm ngũ cung hò - xự - xang - xê - cống ấy là “tiếng lòng tôi” từ huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Thì có khác gì “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”, như tình yêu ban sơ và chung thủy nhất mà những người con vùng sông nước Nam bộ dành riêng cho cải lương. Trong ấy, có chị - người đàn bà nặng lòng với từng hạt gạo Việt, con cá Việt và dĩ nhiên là… nước mắm (truyền thống) Việt.
Cải lương - trăm năm nguồn cội khai mở với tổ khúc Tình ca tiếng nước tôi trên nền tre xanh Việt Nam
Cải lương trong Vũ Kim Hạnh chẳng khác nào hạt gạo, con cá và cái hương vị mặn mòi được chườm ướp từ biển vào đến các nhà thùng. Quả thực, nếu so với cuộc ghé thăm của soạn giả Hà Triều tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ đầu những năm 1980, chị - đại diện ban biên tập tiếp đón, đã rút ruột ca luôn lớp Phụng hoàng trong Nửa đời hương phấn (Hà Triều - Hoa Phượng), ngay trước mặt một trong hai liên danh soạn giả của vở tuồng kinh điển này, thì hôm nay, ngồi để ngắm và nghe Bạch Tuyết lý giải, thị phạm ba vai Tùng - Hương - Diệu, cũng trong cái lớp Phụng hoàng ấy, chắc là “đã” khỏi phải nói.
Phụng hoàng thuộc bản Oán, nặng chất tự sự, buồn, phù hợp trong những tình huống có giao đãi. Đặt để đúng bài bản trong từng tình huống, tâm trạng, cho thấy sự hiểu biết tường tận của soạn giả, giúp diễn viên hóa thân trọn vẹn. Bạch Tuyết đã thuyết minh giá trị của Phụng hoàng trong lớp diễn nói trên, từ quãng nghỉ để “đánh đố“ khán giả, cao độ là tiếng ca vỡ ra, như tiếng lòng của nhân vật; mà nếu chỉ cần thay thế Nam ai, cũng là một bài buồn, thì sẽ hỏng, bởi chất buồn đến bi lụy, thiên về độc thoại nội tâm.
Kim Hạnh bảo, cải lương “cứ rót thẳng vào lòng, ngấm sâu, không học mà thuộc và rồi nhớ tới bây giờ”. Cho nên, có thể chị không nhận ra Bạch Tuyết - Trinh Trinh, trước đó vừa mới ca lớp Phụng hoàng 12 câu trong một trích đoạn của Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang), nhưng chị nằm lòng cái lối thoại kẹp chữ-không-giống-ai của Bạch Tuyết (có học hỏi từ NSND Út Trà Ôn): “Kim Anh ơi, dĩ vãng đau thương, má ngỡ đã trôi xuôi theo dòng nước chảy…”, cũng như bản vọng cổ Hàn Mặc Tử và Tình anh bán chiếu (Viễn Châu) được NSƯT Vũ Linh thể hiện và bản Dạ cổ hoài lang với giọng ca mượt mà Ngọc Đợi…
Chất nguồn cội đã được khơi mào, nuôi dưỡng, thăng hoa và đón nhận. Không xênh xang, ồn ào, không vẽ vời, ca tụng. Chẳng ai chờ đợi để ai tôn vinh ai. Cứ thế mà chân thật, trong trẻo, mà lớp lang, sâu sắc để duy nhất, bằng tình yêu và sự duy mỹ hiếm có dành cho cải lương, chính là sự tôn vinh thiết thực nhất, trọn vẹn nhất cho loại hình trăm năm này.
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Việt Anh trong trích đoạn Đời cô Lựu
2.
“Cải lương Nam bộ sẽ không mất đâu ba. Một thế hệ trẻ đã biết yêu quý và gìn giữ cải lương bằng cách thức mới” - tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã viết như thế trên trang cá nhân, sau khi xem Cải lương - trăm năm nguồn cội, khi chị nhớ về cha mình - đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch - người đã dành trọn đời cho sân khấu cải lương.
Đêm Trăm năm nguồn cội, người dẫn chuyện đã nhắc đến tên ông Nguyễn Ngọc Bạch, khi trích dẫn một khảo cứu của ông về cải lương. Cái âm sắc ngũ cung ấy đã quyến dụ một đời ông Bảy Bạch, có khi nào, nó được truyền dẫn qua thế hệ, để con gái ông lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm di chỉ cha ông. Thanh âm ấy, “tiếng nước tôi” ấy, vọng về từ đất, từ nước, từ những lưu dân đi mở cõi, trong đêm khuya bỗng nghe tiếng trống mà trông chồng.
Cũng trong dòng trạng thái nói trên, chị kể lại: “Có lần, gặp nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông nói với tôi: hồi kháng chiến ở khu 9, bản vọng cổ bị hạn chế vì “ảo não, làm nản lòng chiến sĩ”. Thằng cha mày (ông gọi ba tôi một cách thân thiết như vậy) cứng đầu lắm, vẫn cho đoàn hát của nó ca vọng cổ. Nhờ vậy mà mang được vọng cổ tập kết ra Bắc”.
Đêm Trăm năm nguồn cội, Dạ cổ hoài lang, bản gốc của ông Sáu Lầu, được Ngọc Đợi ca giọng Bắc, nhịp đôi, tôi nhớ da diết cái đêm Miền nhớ (tác giả Lê Duy Hạnh) ở Lung Cột Cầu - nơi một thời ông bầu Ấu lập gánh hát nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Dập dìu trên bến dưới thuyền, dặt dìu cái thanh âm còn sót lại của đất Phù Nam xưa.
Cái bản đờn nguyên thủy “hò liu xàng xê cống” của ông Sáu Lầu, nào chỉ là tiếng lòng người cô phụ nhớ thương chồng, nó còn là nỗi khắc khoải thương nhớ quê nhà của những người con mang phận lưu dân. Và đây, “Với ông, Dạ cổ hoài lang không chỉ là tiếng lòng người thiếu phụ vọng phu, mà đó là nỗi lòng nhớ quê hương của ông trong thời gian dài ngày Bắc đêm Nam” - trích dẫn từ tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.
Tiết mục Dạ cổ hoài lang
Ngọc Đợi nổi lên từ Chuông vàng vọng cổ. Tôi đoán cô không có nhiều sàn diễn (để trình diễn tác phẩm) nhưng sô diễn thì không thiếu (ca lẻ). Và không ít âu lo.
Nhưng khi đặt mình vào chương trình Cải lương - trăm năm nguồn cội, Ngọc Đợi đã trau chuốt và cực kỳ nghiêm cẩn, từ trang phục, trang điểm, đến giọng ca. Nói đúng ra, đạo diễn Quang Thảo đã trang hoàng một không gian đẹp, hữu tình, mà nhờ đó, chất giọng càng trở nên hữu ý. Ngọc Đợi ý thức chuốt các dấu sắc - chữ cống, tinh tế giữa các chữ xang, hai chữ hò trong hai câu kế tiếp, để rồi rung giọng mà về một chữ liu cuối, đứt ruột. Để khi dứt bài, Dạ cổ hoài lang được “thả chữ” xuống sàn, khán giả không chỉ được nghe mà còn được xem cái “tiếng nước tôi”, mộc mạc thế, sâu thẳm thế.
Người trẻ nhận đặt để của người trẻ. Họ tin nhau, khích lệ nhau và cùng không biết sợ với nhau. Quang Thảo thậm chí đã hơi “bất công” với Quế Trân khi đặt lên vai cô cái trọng trách gần như mặc định là một trong những truyền nhân của dòng họ Minh Tơ, lại đòi hỏi lớp nghệ sĩ kế cận này phải vượt qua cái bóng người đi trước. Và Xử án Thượng Dương (Câu thơ yên ngựa - Hoàng Yến - Ngọc Văn - Thanh Tòng, viết mới: Bạch Tuyết - Quang Thảo), Tú Sương không nhiều đất diễn, nhưng trình thức của cô chuẩn mực, Điền Trung nghiêm cẩn, quắc thước, là hình ảnh của Lý Đạo Thành - NSND Thanh Tòng; lẫn một phần từ chất dữ dội, tài hoa của NSƯT Trường Sơn.
Nhưng phải nói, tôi cực kỳ cảm kích Quế Trân. Nhìn cái cách cô đi xuyến, nhớ nghệ sĩ Thanh Tòng. Nghe và thấu hiểu nội lực diễn trong ca lớp độc diễn Thượng Dương nhận tam ban triều điển. Quế Trân ca Liêu giang, vừa vào vọng cổ đã buộc phải “trở bộ” để ca Song cước, xử lý trình thức, phối cùng dàn múa. Đó là một bước vượt vũ môn, đặt trong hiện trạng sân khấu thời nay, càng thấy quý và trân trọng.
Ba nghệ sĩ Điền Trung - Tú Sương - Quế Trân thuộc thế hệ kế tục gia tộc Minh Tơ
3.
Trước khi Vũ Linh bước ra, tiếng pháo tay đã vang rền. Ông xuất hiện, mấy giây trố mắt. Với một nghệ sĩ tạo nên làn sóng ái mộ bền bỉ như ông, gầy thêm đôi ba cuộc vỗ tay này, có gì lạ. Nhưng rõ là ông không ngờ khán giả lại đón đợi ông đến thế.
Vừa trải qua cơn bạo bệnh, ông gầy và yếu. Vậy mà, chỉ cần cất giọng, nó lấp đầy cả khán phòng. Vẫn cái lối ca ong say bướm lượn, vẫn cái ngón tay trỏ thi thoảng múa bộ lả lơi, từ bài vọng cổ, đến lớp vọng cổ trong một trích đoạn, ông đều cùng một sắc thái ca diễn. Vậy mà cứ say đắm lòng người. Vậy mà khiến một tài năng kịch nghệ phải thốt lên, “Hai nghệ sĩ lừng danh Bạch Tuyết và Vũ Linh đã hốt trọn cảm tình cùng niềm trân trọng của tôi trong chương trình này. Họ thật sự hay và chân tình, mộc mạc…” - NSƯT Thành Lộc đã viết trên trang cá nhân.
Khi Vũ Linh ca, tôi cảm giác như ông chìm vào trong từng thớ không-thời gian sân khấu. Khi ông dừng lại, tôi lại thấy ông như rời rạc, lạc bước nơi sàn diễn. Nhưng dù là trạng thái nào thì đằng sau cái dung mạo lạ lùng ấy, cái giọng ca lạ kỳ ấy, trong tôi cứ trào lên một niềm kính trọng, sự nâng niu. Bởi với bản vọng cổ Hàn Mặc Tử (Viễn Châu), ông học ca từ năm 11 tuổi, đến nay, ngày trở lại sân khấu, ông vẫn chọn nó, để chỉ nhắc nhớ về người thầy đầu tiên của mình. Như đêm nay, có làm gì, nói gì thì Bạch Tuyết vẫn cứ, “má Bảy dạy”, “thầy tôi bảo”… Nó như một lẽ thường, trong nếp nghĩ, lối sống.
Để rồi trong mỗi khoảnh khắc hóa thân, từ vai Kiều Nguyệt Nga - đoan trang, tiết hạnh sang Dương Vân Nga - mẫu nghi thiên hạ, thoắt một ánh đèn, thoắt một tiết tấu, lập tức từ âm sắc nói lối khả ái đến thần thái thoại kịch trên nền bài Văn thiên tường (lớp dựng). Phải yêu cải lương lắm, phải nhớ những khoảnh khắc kỳ diệu ấy lắm thì Quang Thảo - Đình Toàn mới khơi gợi, mới dẫn dụ và “rọi đèn” một cách hồn nhiên, mê đắm như thế! Bạch Tuyết, Vũ Linh hay nhạc sĩ Huỳnh Khải giao lưu không bằng phép đối đãi. Họ giao thoa cùng khán giả bằng cả một đời làm nghề, vinh nhục với cải lương.
Tiếng ca của NSƯT Vũ Linh đã lấp đầy cả khán phòng
***
Cũng như bản vọng cổ, ra đời với nhịp đôi, qua thời gian và nhịp điệu cuộc sống, nó phát triển thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và cả nhịp 128; cải lương, một trăm năm qua đã không ngừng thích nghi, chuyển động, cải cách và định hình. Nhưng chính nó cũng không thoát khỏi “định đề” suy - biến, trong đó là cuộc khủng hoảng tất yếu của các mô thức tồn tại, với tư cách là một loại hình sân khấu truyền thống. Cải lương, ngay trong cuộc “báo công” nhân dịp 100 năm hình thành - phát triển, đã cho thấy một sự suy thoái toàn diện.
Cuộc gầy dựng của Trăm năm nguồn cội, là một thử nghiệm của tình yêu, của ý thức tôn vinh và giữ gìn các giá trị nguyên bản bằng sự hiểu biết, bằng khát vọng lan truyền tình yêu, bằng một ký thác tự nguyện của các thế hệ nghệ sĩ, kịch hát lẫn kịch nói, với cải lương, vì cải lương.
Mở đầu chương trình, là giai điệu “Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”. Khép lại chương trình là lời bố cáo rền vang sông núi, “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Xử án Thượng Dương).
Cội nguồn, ấy là gốc, cũng là đỉnh cao muôn trượng, để sau một trăm năm, cải lương được viết tiếp bằng tâm tình người dân Việt, bằng tự tình non nước Việt…