Cải lương Tết 2021: Kỳ vọng vào giới trẻ

27/01/2021 - 08:15

PNO - Hơn mười vở cải lương ra mắt dịp tết Tân Sửu 2021 là điều khá đặc biệt của sân khấu cải lương năm nay...

Hơn mười vở cải lương ra mắt dịp tết Tân Sửu 2021 là điều khá đặc biệt của sân khấu cải lương năm nay, còn đặc biệt hơn bởi sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới ở nhiều vị trí khác nhau: tác giả, đạo diễn, diễn viên chính. 

Sức trẻ trỗi dậy

Cải lương tết 2021 ghi nhận một cái tên mới toanh: tác giả Quang Nhã (sinh năm 1986) với hai kịch bản được công diễn đợt này. 

Thủy chiến của tác giả Quang Nhã là một cú đột phá đầy bất ngờ của nhà hát Trần Hữu Trang, khi toàn bộ ê-kíp tham gia vở diễn đều là những gương mặt trẻ, lần đầu đảm nhận những vị trí quan trọng với một vở diễn có doanh thu. Đây là vở diễn đầu tay của Kim Tiến trong vai trò đạo diễn. Cô vừa tốt nghiệp khóa đạo diễn trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Các diễn viên chính đều là những nghệ sĩ trẻ. Là vở diễn đề tài lịch sử, kể về chiến thắng trên sông Bạch Đằng, nhưng Thủy Chiến lấy điểm nhấn là tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa vợ chồng để xây dựng lớp diễn, bài ca đậm chất trữ tình, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả trong những ngày xuân.

Những diễn viên trẻ  làm chủ sân khấu  ở vở cải lương Thủy chiến
Những diễn viên trẻ làm chủ sân khấu ở vở cải lương Thủy chiến

Kịch bản thứ hai của Quang Nhã được đoàn cải lương của NSƯT Vũ Luân chọn dàn dựng có tên Tống Nhân Tôn hoàng đế lại là một góc nhìn khác về nhân vật Bàng Quý Phi. Vở diễn khắc họa những nỗi niềm, trăn trở của Bàng Quý Phi trong thời cuộc, khi phải đứng giữa chữ trung và chữ hiếu. NSƯT Vũ Luân cũng mạnh dạn giao vai Bàng Quý Phi cho Khánh Tâm - một tên tuổi “mới toanh”. 

Được sự hỗ trợ của mẹ - soạn giả Bạch Mai - diễn viên Bình Tinh sẽ giữ vai trò đạo diễn cho vở San hà xã tắc. Vở diễn từng được dàn dựng dưới hình thức video cải lương vào thập niên 1990. Ở bản dựng mới, soạn giả Bạch Mai thêm một số nhân vật và tình tiết hài để phù hợp hơn với vở diễn sân khấu. Đặc biệt, hơn 50% vai diễn được giao cho những diễn viên trẻ vốn chỉ ca lẻ, hát trích đoạn mà chưa có nhiều cơ hội thử sức với vở diễn nguyên tuồng.

Tết năm nay, khán giả cải lương còn có thêm một điểm hẹn mới là sân khấu Sen Việt tại trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM, 5B Võ Văn Tần, Q.3. Sen Việt sẽ trình làng ba vở diễn: Lộc phát tài (tác giả Lê Bình - Nguyên Phương), Cưới vợ năm Sửu (tác giả Lê Nguyên Đạt), Võ Tắc Thiên (tác giả Văn Du - Nguyên Phương). Cả ba vở đều do NSƯT Lê Nguyên Đạt đạo diễn. Với diện tích sân khấu chỉ 25m2, phong cách mang nhiều tính thể nghiệm, các vở diễn chủ yếu thiên về hài, được dàn dựng tương tác với khán giả.

Bên cạnh đó cũng có hai vở cải lương khác được tái dựng tết này là: Tứ tử đậu tân khoa (sân khấu Chí Linh - Vân Hà) và Người yêu của đảo chúa (nhà hát Trần Hữu Trang). Dự kiến vở Tướng cướp Bạch Hải Đường với sự tham gia của NSND Thanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc cũng sẽ được tái diễn trong những ngày tết Tân Sửu. 

Mùa tết nhiều âu lo

Xác định mục tiêu thu hút khán giả trẻ, nên các đoàn cũng nỗ lực đổi mới. Tiết tấu vở diễn sẽ được đẩy nhanh hơn. Các tình huống bi-hài sẽ được sắp xếp đan xen, liên tục. Âm nhạc được sử dụng chất liệu hiện đại tiệm cận với xu hướng giới trẻ. Những vở mang màu sắc cổ trang sẽ khai thác tối đa phần biểu diễn vũ đạo để tạo thêm điểm nhấn. 

Vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường có thể sẽ tái diễn dịp tết Tấn Sửu
Vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường có thể sẽ tái diễn dịp tết Tấn Sửu

Sự đổi mới mang theo những kỳ vọng nhất định. Nguồn nhân lực trẻ “xuất quân” trong mùa tết 2021 có thể dễ tiếp cận với lớp khán giả trẻ. Hầu hết đều là những tên tuổi không quá xa lạ, từng đoạt giải cao trong các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, nhưng đa phần chưa có nhiều thời gian cọ xát với các vở diễn nguyên tuồng, hoặc chỉ được giao vai phụ. Khi được làm chủ sàn diễn, họ có thể sẽ là những ẩn số thú vị. 

Hiệu quả ra sao vẫn còn phải chờ câu trả lời từ khán giả. Nhưng với kinh phí đầu tư eo hẹp như hiện tại, cũng thật khó để tạo nên một cú hích. Nhìn vào bức tranh cải lương tết năm nay, vui nhiều, nhưng cũng không ít nỗi lo. Các vở diễn thiếu hẳn mảng đề tài về cuộc sống hiện đại. Các vở tuồng cổ, kiếm hiệp dẫu đổi mới đến đâu, thì vẫn khó lòng để khán giả, đặc biệt là lớp khán giả trẻ, thấy mình tồn tại trong đó - điều quan trọng để nghệ thuật sống được với công chúng. 

Thực trạng vẫn là câu chuyện muôn năm cũ: sân khấu thiếu kịch bản chất lượng, các tác giả không còn mặn mòi với việc sáng tác kịch bản mới bởi “tuổi thọ” của vở diễn ngắn, thù lao quá thấp so với việc viết kịch bản cho gameshow, phim truyền hình... Nghệ sĩ Chí Linh, Vũ Luân cho biết họ đã “đỏ mắt” đi tìm kịch bản hay, nhưng đều “thất bại”. Ngay cả tác giả Quang Nhã, dẫu có hai kịch bản ra mắt, nhưng anh cho biết mình chỉ tự tin vào một vở.

“Yêu cầu đổi mới để bắt kịp xu thế, đáp ứng thị hiếu khán giả là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, về cơ bản, vở diễn phải có nội dung đủ tốt để tiếp tục phát triển trên nền đó” - nghệ sĩ Chí Linh bày tỏ. 

Thời gian luyện tập cũng là vấn đề. Một số vở diễn vẫn còn trong tình trạng “đợi lịch” của nghệ sĩ để hoàn thành những bước cuối cùng, dù những ngày tết đã cận kề. Để có một vai diễn hay, một vở diễn mượt, quá trình tập luyện quyết định phần lớn sự thành bại.

Hiện nay, một số đơn vị đã tổ chức bán vé cho các suất diễn tết, và lượng vé bán ra có nơi đã hơn 2/3. Tuy nhiên, khi đề cập suất diễn thứ hai, hầu hết các sân khấu đều chưa có câu trả lời. Chỉ một suất diễn cho cả quá trình đầu tư là thực tế đáng buồn của sân khấu cải lương! 

Trung Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI