Cải lương sử Việt thu hút khán giả

22/11/2023 - 19:03

PNO - Khán phòng nhà hát Nụ Cười (khuôn viên cung văn hóa Lao Động, quận 1, TPHCM) không còn chỗ trống khi sân khấu Đồng ấu Bạch Long trình diễn vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử Xuân về trên đất Thăng Long.

Giữa sự “bủa vây” của các tác phẩm từ tích truyện Trung Hoa, sự đón nhận của khán giả mộ điệu dành cho một vở cải lương đề tài sử Việt là rất đáng ghi nhận.

Trong những khán giả có mặt tại đêm diễn có thầy Hồ Hoài Khanh - giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Thầy dẫn khoảng 35 học sinh đến xem hát. “Tôi mời các em đi xem hát như sự trải nghiệm mới hỗ trợ cho việc học” - thầy Khanh cho biết. Trước đó, thầy Khanh từng tổ chức cho hơn 400 học sinh lớp Mười, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đến xem vở Dậy sóng Bạch Đằng giang (hay Thủy chiến) của nữ đạo diễn trẻ Kim Tiến tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Đông đảo khán giả ủng hộ vở cải lương tuồng sử Xuân về trên đất Thăng Long
Đông đảo khán giả ủng hộ vở cải lương tuồng sử Xuân về trên đất Thăng Long

“Tôi yêu thích cải lương nên cũng muốn học trò có những trải nghiệm bổ ích cùng bộ môn nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc. Nhiều em đi xem về thích lắm, muốn được coi cải lương nhiều hơn. Dĩ nhiên, tôi phải chọn tác phẩm phù hợp, ưu tiên tuồng sử, nhất là cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử với hình thức biểu diễn hấp dẫn thì các em càng dễ tiếp nhận” - thầy Khanh chia sẻ.

Xuân về trên đất Thăng Long được nghệ sĩ Bạch Long viết lại và dàn dựng mới từ vở Thanh gươm và nữ tướng nổi tiếng trên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ nhiều năm về trước. Sức hấp dẫn của tuồng đến từ sự hư cấu khéo léo trên nền tảng lịch sử, tạo nên câu chuyện mới mẻ, kịch tính mà cũng đầy trữ tình về những nhân vật đã lưu danh sử sách như: anh hùng “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ, công chúa Ngọc Hân, đô đốc Bùi Thị Xuân, danh tướng Trần Quang Diệu…

Đặc biệt, qua hình thức cải lương tuồng cổ với âm nhạc và vũ đạo đặc trưng riêng, vở diễn càng thêm cuốn hút. Nghệ sĩ Bạch Long đã rất dụng công cho phần âm nhạc của vở khi sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và đặt nhạc sĩ Cao Minh Thu viết ca khúc chủ đề riêng cho vở. Ca khúc mang phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại, kết hợp với rap này được đặt để đầy táo bạo trong lớp diễn hoàng đế Quang Trung xuất quân ra trận. Đây là điểm nhấn thú vị, tạo bất ngờ cho người xem.

Trích lớp  diễn trong vở Xuân về trên đất Thăng Long:

 

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc các bạn trẻ mặc đồ hiện đại bất ngờ xuất hiện trên sân khấu hát rap vào… giữa tuồng là không hợp lý khi phá vỡ tính thống nhất về mặt không gian và thời gian của vở diễn. “Tôi thích ý tưởng cổ - kim kết hợp này, nhưng việc để các bạn trẻ “xuyên không” vào hát rap giữa cảnh ra trận thì có phần lạc quẻ và làm lớp diễn mang màu sắc một tiết mục game show nhiều hơn. Thiết nghĩ, màn trình diễn độc đáo này nên dời đến lúc kết tuồng sẽ hợp lý và tạo hiệu ứng bùng nổ hơn” - chị Ái Liên (quận 1) - một khán giả yêu thích cải lương lịch sử - nêu ý kiến.

Vở diễn cũng ghi nhận nỗ lực của tập thể diễn viên: Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương, các nghệ sĩ Trinh Trinh, Kim Nhuận Phát, Hoàng Hải, Bạch Tú My, Thúy My, Thanh Dư… “Là tuồng sử nên thầy Bạch Long chuốt rất kỹ. Bản thân mỗi diễn viên cũng tự hào khi vào vai các anh hùng dân tộc nên không dám lơ là, tập trung hết sức để hoàn thành vai diễn” - nghệ sĩ Kim Nhuận Phát (vai hoàng đế Quang Trung) chia sẻ. 

Ninh Lộc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI