Cải lương kinh kỳ cho người Kẻ Chợ

16/07/2013 - 14:31

PNO - PN - Sẵn sàng thử nghiệm tới mức... không sợ sai, vở Yêu là thoát tội một lần nữa cho thấy nỗ lực “lạ hóa” của cải lương đất Bắc để kéo khán giả trở lại sân khấu.

Hai năm trước, Nhà hát Cải lương Hà Nội là nơi đi tiên phong trong việc lồng thuyết minh tiếng Anh cho vở diễn, với hy vọng hấp dẫn du khách nước ngoài. Thay đổi đó không được hiệu quả, đơn vị này lại hướng về khán giả “nội địa” bằng thử nghiệm... mạnh tay hơn: đưa điện ảnh “kết duyên” cùng cải lương.

1. Tối 11/7. Một màn chiếu cỡ lớn được sử dụng trong Yêu là thoát tội. Mỗi lần chuyển cảnh, trên sân khấu, màn chiếu buông xuống, một đoạn clip khoảng ba, bốn phút được “rọi” lên. Trong clip ấy là những nhân vật của vở diễn, với trang phục như vậy, tính cách như vậy, tiếp nối mạch câu chuyện vừa diễn ra. Việc sử dụng điện ảnh vào sân khấu không mới. Rải rác, 20 năm qua, khá nhiều vở diễn đã thử nghiệm hình thức này. Chỉ có điều, trong Yêu là thoát tội, điện ảnh không chỉ dừng lại ở vai trò “điểm nhấn” để tăng sức hấp dẫn. Dung lượng dài hơn, nội dung phong phú hơn, thậm chí xen lẫn cảnh mũ áo xiêm y của nước Việt thế kỷ XV là chút màu sắc “cảnh nóng”, khi vai nữ chính bước vào bồn tắm, bỏ dần xiêm áo...

“Ở những thử nghiệm trước đây, đạo diễn thường kết hợp màn chiếu với phông hậu để sử dụng ngay giữa các cảnh diễn. Chúng tôi lại muốn đưa điện ảnh vào giữa những lần chuyển cảnh, để mạch chuyện không bị đứt đoạn và tiếp tục được kéo dài”. NSƯT Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát, nói.

Là đạo diễn của Yêu là thoát tội, NSƯT Quang Hùng không sử dụng điện ảnh chỉ để... chuyển cảnh cho hay. Pha trộn giữa lịch sử và dã sử, kịch bản của tác giả Lê Chí Trung vốn đã sẵn sự ly kỳ về mối tình tay ba giữa Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ - vua Lê Thái Tông. Rồi kỹ xảo điện ảnh - với những cảnh “hơi nóng” hoặc pha chút màu sắc kiếm hiệp. Rồi, tiếng gõ cửa, tiếng nước chảy, tiếng binh khí chạm nhau... cũng được hỗ trợ tối đa bằng phương tiện hiện đại. Ngần ấy thử nghiệm đủ để cho ta thấy sự cố gắng của đơn vị sân khấu này trong việc làm mới vở diễn.

“Muốn kéo khán giả tới xem cải lương bây giờ chỉ còn cách phải thử. Chưa ổn thì sửa tiếp, chẳng lẽ ngồi thụ động chờ phép màu đến với mình?”. Ông Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ.

Cai luong kinh ky cho nguoi Ke Cho

Một cảnh trong vở diễn Yêu là thoát tội

2. Nhà hát Cải lương Hà Nội nằm sát “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện, nơi cánh “Tây ba lô” tụ tập, uống bia cỏ vào mỗi buổi cuối ngày. Dân kinh doanh bảo, đó là cái hom giỏ, gom hết khách du lịch trong phố cổ về một chỗ. Ấy vậy mà chục năm nay, cùng với cảnh trượt dốc chung của sân khấu truyền thống, cả khách “ta” lẫn khách “Tây” tới nhà hát cũng thưa dần, dù rạp vẫn đỏ đèn vào các đêm cuối tuần. Nhiều đêm, anh em diễn viên cũng chạnh lòng khi thấy mấy vị khách tóc vàng, mắt xanh bỏ tiền mua vé vào rạp xem chừng 15 phút, lượn thêm một vòng ngắm kiến trúc thời Pháp của nhà hát, rồi đi.

Năm 2011, trong một nỗ lực thoát cảnh chợ chiều ấy, hai vở cải lương của Nhà hát đã được thử nghiệm diễn kèm thuyết minh tiếng Anh (qua hệ thống tai nghe) cho khách nước ngoài. Dự kiến, nếu ổn, các trích đoạn cải lương nổi tiếng sẽ tiếp tục được biểu diễn theo hình thức đó. Giá vé... dễ chịu, thời lượng ngắn, chỉ trên 60 phút, đủ để du khách xem xong tiếp tục đi chợ đêm. Vậy nhưng thử nghiệm được vài buổi, chương trình ấy cũng chưa thể phối hợp triển khai trong các tour du lịch như tính toán...

Một thời, cải lương Hà Nội tỏ ra không hề kém cạnh so với nơi từng sinh ra bộ môn sân khấu truyền thống này. Người trong nghề so sánh: đặc trưng thổ nhưỡng khiến diễn viên miền Nam có chất giọng ngọt ngào, mượt mà trời phú - điều đầu tiên để làm nên sức hút của cải lương. Ngược lại, với lợi thế của đất kinh kỳ, có nền sân khấu lâu đời và tính học thuật cao, diễn viên miền Bắc có sự thông minh, tinh tế khi nhập vai, cộng với sự trăn trở, chắt chiu cho từng sáng tạo.

Còn bây giờ, chia sẻ với những nỗ lực của Nhà hát nhưng người ta cũng băn khoăn: khán giả bây giờ sẵn chán sân khấu và đang có xu hướng... chán cả điện ảnh, truyền hình trong nước. Kết hợp thêm yếu tố điện ảnh liệu đã đủ để họ bước chân tới rạp - trước khi kịp cảm thấy thích những gì đang bày ra trên sàn diễn?

 Thanh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI