Sàn diễn nhộn nhịp
Bảy suất diễn trong tháng 7/2019 đều của các sân khấu xã hội hóa với nhiều màu sắc khác nhau, từ chương trình tổng hợp: đờn ca tài tử, ca ra bộ, trích đoạn cải lương… như Cải lương - Trăm năm nguồn cội (công ty Green Horizon), tuồng xã hội Chuyện tình Khau Vai (sân khấu Đại Việt) đến cải lương tuồng cổ với Tân anh hùng náo (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuần Dương (sân khấu Chí Linh - Vân Hà).
|
Chuyện tình Khau Vai - một trong những tác phẩm được đầu tư tốt, với nhiều sáng tạo mới của sân khấu cải lương |
Trong tháng Tám, Đoàn cải lương Vũ Luân sẽ mở màn vở Giang sơn và mỹ nhân. Ông bầu Gia Bảo cũng đã xin phép gia đình tác giả Loan Thảo và mời một số nghệ sĩ tham gia vở Lan và Điệp, dự kiến công diễn cuối tháng. Đáng chú ý là ba vở diễn với ba đề tài, màu sắc khác nhau của Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ đồng loạt ra mắt: Nhân danh công lý (tác giả: Lưu Quang Vũ, chuyển thể: Quế Anh), Lê Công kỳ án (tác giả: NSƯT Hữu Danh, chuyển thể: Phạm Văn Đằng), Nghề nuôi quan (tác giả: Đăng Minh). Đặc biệt, vở cải lương thiếu nhi Gạo vẫn là gạo, cũng dự kiến sẽ ra mắt khoảng cuối tháng Tám, đầu tháng 9/2019.
Từng có lúc sân khấu cải lương trở lại nhộn nhịp với hoạt động của các sân khấu xã hội hóa, nhưng liên tục cháy vé lại là điều khá bất ngờ. Thực tế này khẳng định, dẫu có trải qua nhiều thăng trầm, cải lương vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống của người dân Nam bộ. Khán giả đang quay lại với sàn diễn cải lương. Nhưng làm sao để giữ chân họ và phát triển một lớp khán giả mới?
Cần thêm sự nỗ lực và chung tay
Nghịch lý của sàn diễn cải lương hiện nay là có vở diễn với nhiều sáng tạo mới, đầu tư lớn, được chăm chút, dàn dựng nghiêm túc… lại chưa thu hút được số đông công chúng; trong khi những vở giải trí đơn thuần, kịch bản cũng không mới, nhưng lại đông khán giả. Lý giải cho điều này, nhiều người làm nghề chung quan điểm, đa phần khán giả hiện nay đến xem cải lương với tâm lý đi xem nghệ sĩ thần tượng và giải tỏa “cơn khát” cải lương nguyên tuồng. Cải lương chưa có nhiều tác phẩm đủ sức thuyết phục người xem cả về yếu tố nghệ sĩ thần tượng lẫn những sáng tạo mới, cách kể hấp dẫn, đầu tư đúng mức theo sự phát triển chung của xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
|
Trích đoạn kinh điển Đời cô Lựu đã có một phiên bản rất mới, đa chiều và đong đầy cảm xúc trong chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội |
Sự nhộn nhịp của sàn diễn cải lương hiện nay là tín hiệu vui, nhưng chưa đủ để khẳng định cải lương đang trở lại thời hoàng kim. Dù mỗi suất diễn, khán giả luôn chật kín khán phòng, NSƯT Vũ Luân vẫn trăn trở: “Tôi vẫn chưa thực sự hài lòng với sân khấu của mình, do còn quá nhiều thứ bó buộc: từ cơ sở vật chất, quy mô đầu tư đến thời gian tập luyện của diễn viên. Chúng tôi muốn các vở diễn chỉn chu hơn, tính nghệ thuật cao hơn, nhưng với khả năng có hạn của đơn vị xã hội hóa, để làm được như thế không dễ chút nào”.
Đồng quan điểm với NSƯT Vũ Luân, NSƯT Kim Tử Long nói: “Nếu chỉ nhìn qua những suất diễn cháy vé và số lượng vở trong tuần, mỗi tháng mà đánh giá, e chừng sẽ thiếu khách quan. Thậm chí, nếu cứ tiếp tục như những gì đã và đang có ở sàn diễn cải lương hiện nay, có khi khán giả sẽ lại bão hòa một ngày không xa”.
Khó có thể trông chờ sự đổi thay ngoạn mục từ các đơn vị xã hội hóa, nhiều sự chờ đợi đang hướng về Nhà hát Trần Hữu Trang - nơi có nhiều lợi thế từ cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư đến đội ngũ nghệ sĩ… Đặc biệt, sự thành công của các đơn vị xã hội hóa khi tổ chức diễn tại Nhà hát Hưng Đạo đã góp phần biến nơi đây thành điểm đến quen thuộc của khán giả cải lương. Hơn lúc nào hết, khi sân khấu cải lương tư nhân đang rất sôi động, những người có trách nhiệm ở Nhà hát Trần Hữu Trang phải năng động để hòa vào dòng chảy chung.
|
Xử án Thượng Dương đầy sức sống mới với các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ năm của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ |
Thành phố cũng nên sớm ban hành những chính sách, quy định cụ thể, nhằm hỗ trợ các sân khấu xã hội hóa xây dựng tác phẩm, tổ chức biểu diễn và giới thiệu những tác phẩm được đánh giá cao đến đông đảo công chúng.
“Nhà hát Trần Hữu Trang đã xây dựng nhiều kế hoạch lâu dài, để ngoài nhiệm vụ phục vụ, tuyên truyền, nhà hát cũng phải đảm bảo cả việc xây dựng sân khấu cải lương có chất lượng, hấp dẫn công chúng. Ở giai đoạn này, ưu tiên là công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến với nhiều đối tượng khán giả. Khi công tác quảng bá tốt, vở diễn có nhiều người xem, các suất diễn đều đặn sẽ kích thích đội ngũ sáng tạo, nghệ sĩ, diễn viên cố gắng nhiều hơn, để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Nhà hát cũng đang tổ chức những lớp tập huấn cho các đạo diễn đã hoặc sắp tốt nghiệp các trường đào tạo nghệ thuật, để sân khấu cải lương có thêm những đạo diễn chuyên môn trong dàn dựng và có kiến thức, sự am hiểu về sân khấu cải lương”.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt (Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang)
|
Thảo Vân