Suất diễn đầu tiên trong kế hoạch biểu diễn cải lương miễn phí định kỳ hằng tháng với vở Giấc mộng đêm xuân tại rạp Hưng Đạo tối 28/9 rất đông khán giả, dù đây là vở diễn từng ra mắt công chúng trong chuỗi chương trình kỷ niệm 100 năm cải lương vào tháng 1/2019. Được đánh giá là mở màn khá thành công cho một kế hoạch mới ở sân khấu cải lương, nhưng việc biểu diễn cải lương miễn phí ở nhà hát vẫn khiến không ít người làm nghề băn khoăn.
Cải lương có thực sự khó?
Với mục đích thường xuyên sáng đèn nhà hát và lôi kéo khán giả đến sân khấu cải lương, bắt đầu từ tháng 9/2019, UBND TP.HCM và Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP.HCM hỗ trợ kinh phí để mỗi tháng Nhà hát Trần Hữu Trang có hai suất diễn phục vụ khán giả miễn phí. Giai đoạn đầu của dự án này sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2019. Cùng với vở diễn Giấc mộng đêm xuân, dự kiến nhà hát sẽ tiếp tục dàn dựng một số vở diễn khác như Tướng cướp Bạch Hải Đường, Lê Công kỳ án… để đưa vào các suất diễn phục vụ khán giả. Ngoài kinh phí dàn dựng và thù lao luyện tập cho nghệ sĩ nằm trong ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động hằng năm, mỗi suất diễn miễn phí ở rạp Hưng Đạo, nhà hát sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí tổ chức biểu diễn là 40 triệu đồng.
|
Giấc mộng đêm xuân - vở diễn được chọn mở màn cho kế hoạch biểu diễn cải lương miễn phí ở Nhà hát Trần Hữu Trang |
Không phải chờ đến suất diễn tối 28/9, mà những ý kiến trái chiều đã nảy sinh ngay từ khi có thông tin về kế hoạch hỗ trợ biểu diễn cải lương miễn phí. Rất ủng hộ và cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ cho sân khấu cải lương của UBND thành phố và Sở VH-TT, nhưng đa số những người làm nghề đều có chung một câu hỏi: “Cải lương có thực sự khó đến mức phải mở cửa miễn phí để tìm khán giả?”.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau cột mốc kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, các đơn vị xã hội hóa đang khá thành công trong việc kéo khán giả đến rạp. Các suất diễn cải lương tăng dần, trung bình mỗi tuần đều có một suất diễn và hầu hết đều là cải lương nguyên tuồng. Không chỉ có những sân khấu cải lương xã hội hóa quen thuộc như sân khấu Chí Linh - Vân Hà, Công ty Giải trí Kim Tử Long, tuồng cổ Huỳnh Long, “ông bầu” Gia Bảo… hay sự trở lại của nhóm xã hội hóa Vũ Luân, một số công ty khác cũng gia nhập “làng” cải lương như Công ty Đại Việt với chuỗi dự án dàn dựng các vở cải lương mang tính thử nghiệm, phối hợp giữa nghệ sĩ và phong cách dàn dựng của cải lương hai miền Nam - Bắc, hay công ty Green Horizon với chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội...
Tất cả suất diễn của cải lương xã hội hóa đều bán vé, thậm chí với giá rất cao: từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/vé. Cá biệt có những chương trình giá vé VIP lên đến 1,5 - 2 triệu đồng. Điều đáng mừng là nhiều suất diễn cải lương thời gian gần đây chật kín khán giả. Riêng chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội đã đi đến suất diễn thứ mười, và suất diễn cuối ngày 5/10 đã hết sạch vé. Vở cải lương Lan và Điệp cũng phải mở thêm suất diễn ngoài dự kiến trong tháng 11/2019 theo yêu cầu của khán giả. Trong sự sôi động của sân khấu cải lương xã hội hóa, điều mong đợi không còn là làm sao để kéo khán giả đến rạp, mà là nỗi lo nâng cao chất lượng nghệ thuật, quy mô, tầm cỡ các vở diễn, để cải lương thực sự hấp dẫn và giữ chân khán giả lâu dài.
Cải lương miễn phí - cuộc chơi không sòng phẳng?
Theo Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu: “Dự án hai suất diễn miễn phí là nỗ lực lớn của Sở VH-TT, nhằm góp phần quảng bá cải lương và tạo thói quen thường xuyên đến rạp xem cải lương cho công chúng. Dự án này đặc biệt hướng đến đối tượng công chúng trẻ, nhất là sinh viên. Với những mục tiêu đó, mỗi vở diễn được đưa vào kế hoạch biểu diễn miễn phí đều được tính toán để khán giả yêu thích và giới thiệu cho nhiều người cùng đến xem. Đây cũng là một áp lực không nhỏ của nhà hát, bởi không thể đã diễn miễn phí mà còn không có khán giả. Vở diễn dù là diễn miễn phí, nhưng không mang yếu tố giải trí đơn thuần, mà phải có giá trị về tư tưởng.
Cũng cần nói thêm, các buổi diễn miễn phí không phải là toàn bộ hoạt động biểu diễn của nhà hát. Ngoài hai suất diễn này, nhà hát vẫn phải đảm bảo kế hoạch biểu diễn doanh thu hằng quý, hằng năm. Kế hoạch biểu diễn miễn phí cũng chỉ một số suất diễn nhất định, không phải là mãi mãi, trước mắt chỉ kéo dài đến hết năm 2019, sau đó nhà hát sẽ phải đánh giá và tính toán lại cách tổ chức các buổi biểu diễn. Nói cách khác, đây được xem là hình thức bảo trợ cho khán giả đến xem cải lương, hơn là tài trợ cho nhà hát để tổ chức biểu diễn”.
|
Cải lương - Trăm năm nguồn cội - chương trình của đơn vị xã hội hóa thành công cả về chất lượng nghệ thuật lẫn yếu tố doanh thu |
Tuy nhiên, ý kiến này của NSND Trần Ngọc Giàu vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều của nhiều người làm nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, cấp kinh phí để biểu diễn cải lương miễn phí ở một đơn vị cải lương công lập là không công bằng và góp phần làm khó cải lương xã hội hóa. Trong tháng 10/2019, ngoài hai suất diễn miễn phí theo kế hoạch của Nhà hát Trần Hữu Trang, cho đến thời điểm này, sân khấu cải lương đã sẵn sàng cho 6 suất diễn bán vé của các đơn vị cải lương xã hội hóa: Cải lương - Trăm năm nguồn cội (4-5/10), vở cải lương Đam mê và quyền lực (6-13/10), Live show NSƯT Kim Tử Long (19/10), mini show NSƯT Phương Hồng Thủy (29/10).
“Trong khi các sân khấu xã hội hóa đang cố gắng tập hợp nghệ sĩ, tự bỏ tiền túi để dựng vở, tự bán vé với nỗ lực kéo khán giả đến rạp, và giữ cho sân khấu cải lương thành phố sáng đèn, thì đơn vị nhà nước lại hát miễn phí một tháng hai suất. Cải lương với những giá trị riêng, chỉ cần vở diễn hay, có sự góp mặt của những nghệ sĩ được yêu thích, thì dù giá vé có cao, khán giả vẫn cứ xem. Nên chăng, thay vì mở cửa miễn phí thì dùng chi phí đó hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa dựng vở nghiêm túc, đảm bảo chất lượng nghệ thuật, để họ có thêm niềm tin, tiếp tục gắn bó với cải lương, và kéo khán giả đến xem cải lương bằng sự yêu thích và cả thái độ trân trọng dành cho nghệ sĩ và cải lương. Tôi cho rằng cấp kinh phí cho đơn vị công lập biểu diễn miễn phí là không công bằng với các đơn vị xã hội hóa, và làm cạn kiệt lòng đam mê, sự đóng góp tích cực của nghệ sĩ dành cho cải lương”, NSƯT Hữu Quốc phát biểu.
Nhắc lại thời từng cùng bà nội là bà Bầu Thơ thu tiền khán giả ngồi ghế xúp để được coi hát, và rạp hát chỉ “xả dàn” cho khán giả xem miễn phí khi màn cuối đã đi được giữa chừng, NSƯT Hữu Châu băn khoăn: “Rạp hát đâu phải cái chợ để ai muốn vô thì vô, muốn ra thì ra. Tiền bán vé không chỉ để trả thù lao nghệ sĩ, công nhân, chi phí đầu tư vở diễn, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với công sức, tài năng của người nghệ sĩ. Cải lương dẫu có ở giai đoạn nào, thời điểm nào, dẫu ở thời hoàng kim hay lúc khó khăn, thì vẫn có những giá trị nhất định, không thể thay đổi.
Tôi nghĩ cải lương cần có sự trân trọng, cải lương dù đang ở thời điểm rất khó khăn nhưng vẫn có khán giả, vẫn có những nhóm cải lương bán vé tốt. Đã có sự hỗ trợ, sự quan tâm từ UBND thành phố, thì nên chăng tìm cách khác sử dụng nguồn kinh phí đó cho hiệu quả hơn, kích thích động lực sáng tạo và đam mê của những người làm cải lương, bất kể họ là đơn vị công lập hay tư nhân, miễn họ làm hiệu quả và được công chúng đón nhận. Chợt chạnh lòng khi thấy cải lương mở cửa miễn phí cho khán giả tự do vô rạp, như một cách cố gắng lôi kéo khán giả cho một sân khấu đã bị “phế bỏ”!”.
Không phải chờ đến suất diễn tối 28/9, mà những ý kiến trái chiều đã nảy sinh ngay từ khi có thông tin về kế hoạch hỗ trợ biểu diễn cải lương miễn phí. Rất ủng hộ và cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ cho sân khấu cải lương của UBND thành phố và Sở VH-TT, nhưng đa số những người làm nghề đều có chung một câu hỏi: “Cải lương có thực sự khó đến mức phải mở cửa miễn phí để tìm khán giả?”.
Biểu diễn miễn phí với mong muốn khán giả có thói quen đến rạp và chấp nhận bỏ tiền mua vé sau này, không thuyết phục được tôi và nhiều nghệ sĩ khác. Hơn nữa, chỉ chọn dựng lại, diễn lại những vở diễn cũ để phục vụ khán giả trẻ, với mong muốn họ yêu thích cải lương, thì liệu có khả thi? Thêm nữa, nhắm đến công chúng trẻ, sinh viên, học sinh, nhưng mở cửa miễn phí đại trà ở rạp Hưng Đạo thì đối tượng khó có thể được như mong muốn. Nếu muốn nhắm đến học sinh, sinh viên, nên chăng chọn những vở diễn mới về đề tài lịch sử, hoặc những vấn đề đang được giới trẻ quan tâm, dàn dựng theo phong cách hiện đại, hấp dẫn cả phần nghe lẫn phần nhìn, và đưa vở luân phiên biểu diễn phục vụ cho sinh viên các trường đại học, PTTH - nơi tập trung đối tượng khán giả mà dự án muốn nhắm đến. Mỗi suất diễn sẽ thu thập ý kiến của các em để hiểu hơn nhu cầu, sở thích, thị hiếu, cảm nhận của công chúng trẻ đối với cải lương, và có cách làm cải lương phù hợp hơn, gần gũi hơn với đối tượng khán giả này. NSƯT Kim Tử Long Hỗ trợ kinh phí để quảng bá, đưa cải lương tiếp cận với khán giả là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tôi e rằng cách thực hiện lại chưa hợp lý. Có lẽ cần ngồi lại bàn bạc, để tính toán cách sử dụng nguồn kinh phí này sao cho thực sự hiệu quả. Từ xưa đến nay, đã vào rạp thì phải bỏ tiền mua vé, điều này thể hiện sự trân trọng với tâm huyết, sự sáng tạo và quá trình lao động nghệ thuật của những người tạo ra tác phẩm. Nguồn kinh phí được cấp có thể giúp nhà hát bù lại một phần chi phí trong tổ chức biểu diễn, nhưng nên là biểu diễn bán vé hơn là miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả thực sự của dự án này, có lẽ nên chờ đến lúc kết thúc các suất diễn miễn phí đầu tiên. Riêng với tôi và nhiều đơn vị xã hội hóa khác, mong muốn lớn nhất không phải là việc đầu tư cho công lập hay xã hội hóa, mà là giải pháp đầu tư nào hiệu quả nhất, thiết thực nhất cho sự phát triển chung của sân khấu cải lương TP.HCM. Soạn giả Hoàng Song Việt |
Thảo Vân