Cải lương có cần làm mới hay không, làm mới như thế nào, liều lượng ra sao để có thể tiếp cận với thời đại mới và được công chúng đón nhận...? Đó là những vấn đề được các khách mời gồm ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu kịch IDECAF, NSƯT Lê Trung Thảo, NSƯT Hồ Ngọc Trinh và nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường bàn luận tại tọa đàm chủ đề “Làm mới” cải lương: Con dao hai lưỡi?
Đây là tọa đàm đầu tiên của chuỗi talk show Cải lương hôm nay do Báo Phụ nữ TPHCM thực hiện. Chương trình là cầu nối để các nghệ sĩ, những người làm nghề tâm huyết với sân khấu cải lương có thể cùng chia sẻ với khán giả mộ điệu những tâm tư, trăn trở về các vấn đề của cải lương hôm nay. Chương trình (mỗi số gồm 2 tập) sẽ được phát định kỳ vào thứ Sáu và thứ Bảy, trung tuần mỗi tháng tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube của báo.
|
Từ trái sang: Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu IDECAF, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Lê Trung Thảo, nhà báo Tiểu Quyên, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường - Ảnh: N.Tuyết |
Cần có hơi thở thời đại
“Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” là câu liễn do 2 soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu soạn, nêu tôn chỉ mục đích của Tân Thinh - gánh hát đầu tiên xưng danh “đoàn hát cải lương” tại Sài Gòn vào năm 1920; đồng thời đã đúc kết bản sắc nghệ thuật cải lương chính là cải cách, tiến bộ và văn minh.
Nhiều năm qua, sân khấu cải lương đánh mất vị thế và lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Người làm nghề đã nỗ lực rất nhiều để đưa cải lương tiếp tục song hành cùng thời đại. Việc “làm mới cải lương” trở thành sự thôi thúc và phần nào cũng là “nỗi ám ảnh” đối với người làm cải lương, nhất là những người trẻ.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu kịch IDECAF: Hãy luôn làm điều bất thường Trong những lần gặp gỡ các đạo diễn, tôi vẫn thường khuyên hãy thường xuyên làm những điều bất thường trong các vở diễn, không chỉ kịch bản mà còn cộng hưởng với rất nhiều yếu tố khác. Mà muốn làm điều bất thường thì người làm nghề cần phải được đào tạo bài bản, đủ kiến thức và khả năng để biết cách vận dụng đúng và sáng tạo, phát huy những cái mới. Tôi có xem vở Bóng ma nhà hát nhân dịp kỷ niệm 25 năm của vở diễn (do nhà hát Royal Albert Hall ở London, Anh dàn dựng - PV), người ta sử dụng màn hình LED rất hay, rất đẹp. Vậy nên, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Làm mới cải lương trước nhất phải làm mới con người - con người quản lý và cả diễn viên. Đừng ngại làm mới sẽ là con dao 2 lưỡi mà hãy mạnh dạn lao vào. Bởi vì cải lương hôm nay, chính là phải đổi mới - hay là chết? |
Dù còn nhiều tranh cãi, người làm nghề đã luôn nỗ lực cách tân sân khấu. Nhiều vở diễn được làm mới đã nhận được đánh giá tốt của giới chuyên môn và ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Trong đó có thể kể đến vở Cây gậy thần và Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện) kết hợp cải lương với xiếc, chầu văn và các chất liệu âm nhạc hiện đại. Đơn vị này cũng gây ấn tượng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 với vở Ngạ quỷ kết hợp sáng tạo nghệ thuật cải lương và múa rối.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mở rộng quy mô từ sân khấu hộp ra quảng trường với 2 vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga. Vở Nàng Xê Đa của sân khấu Đại Việt mang dáng dấp một vở ca vũ nhạc kịch cải lương. Đoàn cải lương Long An sử dụng màn hình LED, màn hình gauze thay toàn bộ cảnh trí trong vở Truyền tích nàng Thơm. Một số vở đáng chú ý khác có: Tổ quốc nơi cuối con đường; Ngày đó, họ đều còn trẻ; Câu hò đất mẹ; Nhật thực; Chân dung người mở cõi…
Cách tiếp cận cùng hình thức dàn dựng mới mẻ, kết hợp công nghệ hiện đại và nhiều loại hình nghệ thuật khác đã và đang được sử dụng để “làm mới” cho sân khấu cải lương. “Cải lương hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng phải luôn đổi mới để bắt kịp thời đại, nhưng đổi mới cái gì/đổi mới như thế nào là vấn đề rất khó khăn. Bản chất của cải lương rất mộc mạc, cho nên đổi mới cách gì cũng phải giữ được chất cải lương. Chúng ta đem góc nhìn của con người hôm nay đưa lên sân khấu cũng chính là sự đổi mới rồi. Có rất nhiều yếu tố cần làm mới, nhưng điều cốt yếu là phải làm sao để có hơi thở thời đại trong vở diễn. Như vậy sẽ dễ nhận được sự đồng cảm, đón nhận của khán giả hôm nay” - nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường nhìn nhận.
|
Vở diễn Bên dòng Long Khốt gây ấn tượng đặc biệt khi có sự phối hợp ăn ý giữa kỹ thuật ánh sáng và màn hình LED trên sân khấu |
“Hơi thở thời đại” cũng là yếu tố được NSƯT Lê Trung Thảo quan tâm. Trong đó, ngoài việc dàn dựng với kỹ thuật hiện đại, sáng tạo mới dựa trên những câu chuyện cũ thì việc cập nhật xu hướng (trend) cũng rất cần thiết. Theo anh, nếu có thể vận dụng những câu nói hài hước theo “trend” một cách duyên dáng, khéo léo và phù hợp cũng sẽ tạo cho khán giả sự thích thú đặc biệt. “Tuy nhiên phải có liều lượng, cân bằng được điều đó để tránh bị “làm lố” và “nhảm” trên sân khấu. Điều này cần bản lĩnh cân bằng của diễn viên. Làm mới cải lương còn đặt cho nghệ sĩ yêu cầu phải học hỏi, rèn luyện, biểu diễn làm sao để không bị cũ kỹ, rơi vào lối mòn” - NSƯT Lê Trung Thảo nêu ý kiến.
Ở vai trò vừa là diễn viên vừa là người quan sát, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường tin rằng, điều quan trọng nhất để thu hút công chúng chính là vở diễn cần hấp dẫn, kịch tính nhưng vẫn phải giữ lại cái mượt mà, trữ tình của cải lương. Theo NSƯT Hồ Ngọc Trinh, muốn cải lương phát triển và đóng góp vào dòng chảy chung thì cần phải đổi mới nhiều hơn nữa.
Đổi mới đúng hướng, vở sẽ thành công
Làm mới cải lương là rất cần thiết nhưng làm mới như thế nào để vở tạo dấu ấn, được công chúng đón nhận lại không dễ dàng. Chia sẻ chung của những người làm nghề rằng đổi mới cải lương cần sự đồng bộ từ nhiều yếu tố: nội dung, hình thức, truyền thông, thiết kế, kỹ thuật…
“Riêng ở đoàn nghệ thuật cải lương Long An, trong những năm gần đây, đoàn dàn dựng nhiều vở có những đổi mới từ khâu sản xuất, âm nhạc đến thiết kế, phục trang…; tiếp cận, học hỏi kỹ thuật dàn dựng của sân khấu thế giới nhưng đồng thời vẫn giữ cốt cách của sân khấu cải lương truyền thống. Bản thân tôi cũng luôn thử cái mới, muốn khám phá và trình bày sự cách tân sân khấu, đặc biệt là tận dụng công nghệ đèn LED. Cần phải cho khán giả thưởng thức thiết kế sân khấu mãn nhãn. Tôi tin rằng những thử nghiệm mới đã và đang tạo được hiệu ứng tốt” - NSƯT Hồ Ngọc Trinh chia sẻ.
|
Ngạ quỷ- vở cải lương mang nhiều dấu ấn sáng tạo của Nhà hát cải lương Việt Nam |
Đổi mới cải lương cần sự đồng bộ ở nhiều yếu tố, nhưng dù có làm mới, sáng tạo ra sao vẫn phải là ưu tiên hướng đến phục vụ khán giả. Ở góc độ nhà sản xuất, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu kịch IDECAF - nhìn nhận: “Trong sáng tạo phải hợp lý, thỏa mãn được 2 yếu tố: nghệ thuật và doanh thu. Để thu hút khán giả đến với cải lương còn cần đến nhiều yếu tố: nhà hát có tiện nghi, sân khấu có bắt mắt, câu chuyện có hay, cách kể có mới… hay không. Về điều này, đòi hỏi những nhà sản xuất phải liên tục cập nhật nhu cầu của khán giả - vốn luôn là “ẩn số”, đồng thời đòi hỏi cả bản lĩnh và kiến thức, tầm nhìn của nhà sản xuất”.
Riêng với việc ứng dụng và phát huy công nghệ hiện đại trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường cho rằng có thể sử dụng kỹ thuật hiện đại nhưng phải làm như thế nào để giữ được sự mượt mà, lung linh của sân khấu. Tận dụng công nghệ hiện đại nhưng phải có sự tương tác, kết hợp phù hợp, hài hòa với tổng thể.
Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng để đưa cải lương đến gần khán giả hơn là vấn đề truyền thông. “Tương tác với khán giả thông qua YouTube, tôi thấy khán giả của cải lương hôm nay vẫn còn rất nhiều, nhưng để thu hút họ đến rạp là điều không dễ dàng. Đó cũng là điều mà tôi luôn trăn trở và quan tâm. Hiện nay khâu truyền thông của sân khấu cải lương rất yếu, nếu làm truyền thông tốt, tôi tin cải lương sẽ không thiếu vắng khán giả, kể cả khán giả trẻ” - nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường nói thêm.
Ngọc Tuyết- Lục Diệp