Cái giỏ đi chợ "thần thánh"

14/03/2021 - 19:02

PNO - Tôi cứ nhớ mãi cảm giác đầy hào hứng của mấy chị em khi bu quanh giỏ mỗi lần má đi chợ về. Má ngồi soạn từng món đồ trong giỏ ra dưới ánh mắt trông đợi, thèm thuồng của chị em tôi.

Có hàng trăm kiểu dáng, mẫu mã loại giỏ xách tay đi chợ của những người phụ nữ thời má tôi. Có bà cầm giỏ xách được đan bằng cỏ lác, có bà giữ khư khư cái giỏ cói… còn má tôi có cái giỏ xách bằng nhựa.

Cái giỏ xách bằng nhựa truyền thống của má màu đỏ- Ảnh minh họa
Cái giỏ xách bằng nhựa truyền thống của má màu đỏ- Ảnh minh họa

Cái giỏ xách bằng nhựa kiểu truyền thống của má màu đỏ, được đúc trơn tru với hai cái quai xách để cầm nắm chắc chắn. Tôi không biết má sắm chiếc giỏ đó khi nào, không biết nó ở nhà tôi lâu cỡ nào, mà từ nhỏ tôi đã thấy màu giỏ bạc phếch. Có lần, một trong hai cái quai xách bị đứt, chẳng lâu sau, tôi thấy xuất hiện hai cọng kẽm má buộc quanh chiếc quai đứt để cố định mối nối, và má vẫn cầm nắm quai giỏ dễ dàng.

Cái giỏ bình thường đó có thể đựng bó rau muống, trái bí đỏ to đùng, mớ tép nằm gọn trong gói lá chuối, nước mắm, hành tiêu… Tôi cứ nhớ mãi cảm giác đầy hào hứng của mấy chị em khi bu quanh giỏ mỗi lần má đi chợ về. Má ngồi soạn từng món đồ trong giỏ ra dưới ánh mắt trông đợi, thèm thuồng của chị em tôi. Má biết chúng tôi đang chờ bịch kẹo bột, bịch cốm hay bịch chè dưới đáy giỏ. 

Cái giỏ xách đi chợ má xem như người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc đời nội trợ. Nó giống như món đồ quý giá của má, chứa bao nhiêu là thức ăn, là bữa cơm gia đình và cũng là niềm vui, sự háo hức của bầy con.
Má hay nói “mất cái giỏ đi chợ thì không biết xách bằng cái gì”. Thật ra, nếu mất giỏ, má cũng có thể mua cái khác, nhưng không hiểu sao má quý cái giỏ xách đó quá. Có lẽ, vật đi theo người cùng năm tháng, dù vô tri vô giác nhưng má cũng xem nó như tri âm tri kỷ.

Tôi nhớ mãi hình ảnh má đội chiếc nón lá cũ, cột cái giỏ xách chở mấy cặp vịt đem đi bán vào những phiên chợ tết. Mỗi lần má đi như vậy, lúc về, cái giỏ lại chứa mấy món đồ cho chị em tôi, có khi là đôi dép mới, có khi là cái mũ mới, cũng có khi là bịch hạt dưa hay bịch bột Sài Gòn, bó lạt má mua để gói bánh tét đêm 30 tết.

Người ta nói, muốn biết tính cách, tính tình của người phụ nữ trong gia đình, cứ bước vào gian bếp và muốn đoán tài chánh của nhà nào, cứ nhìn vào cái giỏ xách sau khi họ đi chợ về. Cái giỏ xách đi chợ của má có khi đủ đầy mà cũng nhiều khi thiếu thốn. Cho tới tận bây giờ, ở quê, mỗi lần đi chợ, má vẫn giữ thói quen dùng cái giỏ xách nhựa như vậy.

Các con tôi bây giờ chắc cũng không “tận hưởng” được cảm giác nhấp nha nhấp nhổm như chị em tôi hồi đó. Hễ mỗi lần má đi chợ, chị em tôi chốc chốc lại chạy ra đầu ngõ, nhìn xa trên con đường ngang qua cánh đồng, tìm cho ra cái dáng má gầy gò đạp xe đạp, phía sau gác-ba-ga có cái giỏ nhựa… 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI