Cái giá quá đắt của sự lơ là trong ứng phó đại dịch

03/05/2021 - 06:05

PNO - Một nhóm nhà khoa học Ấn Độ đã cảnh báo vào đầu tháng Ba về biến thể mới dễ lây lan hơn của COVID-19 ở nước này, nhưng chính phủ đã không tìm cách áp đặt các hạn chế giúp ngăn chặn sự lây lan của vi-rút. Kết quả, họ phải ghi nhận hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai, chính phủ Ấn Độ không áp đặt phong tỏa vì lo ngại ảnh hưởng nền kinh tế, quyết định này đánh đổi bằng hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày  Ảnh: The New York Times
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai, chính phủ Ấn Độ không áp đặt phong tỏa vì lo ngại ảnh hưởng nền kinh tế, quyết định này đánh đổi bằng hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày Ảnh: The New York Times

 

Một bước đi sai, đánh đổi ngàn sinh mạng

Việc ngăn chặn thành công đợt bùng phát dịch covid-19 đầu tiên hồi tháng Hai đã khiến người dân và hệ thống y tế Ấn Độ “ngủ quên trên chiến thắng”, lơ là chống dịch. Sau đó là hàng triệu người không đeo khẩu trang tham dự các lễ hội tôn giáo và những cuộc vận động chính trị do Thủ tướng Narendra Modi và các chính trị gia đối lập tổ chức. Tương tự, hàng chục ngàn nông dân tiếp tục cắm trại ở ngoại ô New Delhi để phản đối những thay đổi trong chính sách nông nghiệp. Vài tuần sau, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt làn sóng lây nhiễm khủng khiếp mà một số nhà khoa học cho rằng tốc độ được đẩy nhanh bởi các biến thể mới.

Cảnh báo về biến thể mới được Tổ chức liên kết di truyền học Sars-CoV-2 của Ấn Độ (Insacog) - gồm mười phòng thí nghiệm công bố vào đầu tháng Ba và chuyển tới một quan chức hàng đầu, người báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Các nhà nghiên cứu tại đây đã phát hiện B.1.617, hay “biến thể Ấn Độ” vào đầu tháng Hai và chuyển thông tin cho Bộ Y tế, lưu ý rằng chủng đột biến kép này là “mối quan ngại cao”.

Khoảng hai tuần sau, Bộ Y tế công bố kết quả cho các phương tiện truyền thông nhưng từ chối sử dụng mô tả “quan ngại cao”. Chính phủ cũng không ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người, và cho phép lễ hội tôn giáo Kumbh Mela kéo dài một tuần, diễn ra từ giữa tháng Ba với sự tham dự của hàng triệu người theo đạo Hindu. Hậu quả là các ca nhiễm mới hằng ngày tăng gấp bốn lần vào ngày 1/4 so với một tháng trước đó.

Đến ngày 20/4, Thủ tướng Modi phát biểu trước quốc gia, tiếp tục lập luận chống lại các biện pháp phong tỏa. Ông cho rằng, phong tỏa là biện pháp cuối cùng để chống lại COVID-19. Bởi khi điều đó diễn ra cách đây một năm, hàng triệu người phải mất việc làm và nền kinh tế của Ấn Độ suy giảm nghiêm trọng. 
Hiện tại, Ấn Độ báo cáo hơn 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, với tổng cộng hơn 19 triệu ca nhiễm, hơn 200.000 người chết. Các biến thể mới tại Ấn Độ hiện đã lan sang ít nhất 17 quốc gia, dẫn đến một số chính phủ đóng cửa biên giới đối với Ấn Độ.

Tác động lan đến cả thế giới

Chuyến bay viện trợ đầu tiên của Mỹ với bình ô-xy, bộ dụng cụ chẩn đoán nhanh, khẩu trang và máy đo ô-xy huyết đã đến Ấn Độ hôm 29/4. Anh, Ireland và Romania cũng đã gửi viện trợ và lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên của Nga đã đến TP.Hyderabad hôm 1/5. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này dường như chỉ có thể giúp giảm nhẹ hậu quả của dịch bệnh khi chỉ trong tháng Tư, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 6,6 triệu ca nhiễm.

Tại một lò hỏa táng ở ngoại ô New Delhi, xe cứu thương chứa các thi thể xếp hàng trong khi các công nhân dọn tro tàn từ các giàn hỏa táng mới xây nằm ngoài khu vực hỏa táng chính. Các chuyên gia y tế cho biết, con số tử vong thực tế có thể cao hơn từ 5-10 lần. Mặc dù là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ hiện không có đủ vắc-xin cho nỗ lực tăng cường và mở rộng tiêm chủng từ hôm 1/5 cho mọi công dân từ 18 tuổi trở lên. Mới chỉ có khoảng 9% trong số 1,4 tỷ người tại quốc gia Nam Á này đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin. 

Trên đường phố, người dân đổ xô tích trữ thuốc men, ô-xy. Nhiều loại thuốc được cho là có tác dụng chống vi-rút cũng bắt đầu cạn kiệt. Dù chính phủ không muốn nền kinh tế Ấn Độ bị phá hủy một lần nữa do phong tỏa, đại dịch đã biến điều đó thành hiện thực. 

Về mặt tác động, quy mô của cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ khiến các hạn chế về di chuyển trên thế giới tiếp tục được duy trì. Đồng thời, ngành công nghiệp dược phẩm ở Ấn Độ đóng góp 3,5% tổng lượng thuốc và dược phẩm xuất khẩu trên toàn cầu cũng ảnh hưởng. Nếu những mặt hàng xuất khẩu này đình trệ, hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới sẽ gánh chịu hậu quả, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

Dù vậy, quốc gia này vẫn còn hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhờ nguồn cứu trợ quốc tế, một nhóm nhà khoa học dự báo, đợt lây nhiễm này có thể đạt đỉnh vào tuần tới, sau đó có thể giảm dần. 

Linh La (theo Guardian, Reuters, CNN, NY Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI