Cha mẹ quên đưa trẻ đi tiêm chủng
Sáng 12/5, khu vực tiêm chủng của Viện Pasteur TPHCM chỉ có vài người đến tiêm chủng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Uyên (quận 3, TPHCM) cùng chồng đưa con gái 3 tuổi đến tiêm nhắc lại vắc xin cúm. Thế nhưng, sau khi nộp sổ chờ đợi 30 phút, chị được nhân viên ở đây thông báo hết vắc xin, hẹn lại đầu tuần sau. Theo chị Uyên, có thể chị phải đưa con đến nơi khác có vắc xin bởi con chị đã tiêm trễ nhiều mũi.
|
Trẻ được cha mẹ đưa đến Viện Pasteur TPHCM tiêm vắc xin giữa tháng 5/2023. Tình trạng trẻ em “0 mũi vắc xin” xảy ra nhiều ở Việt Nam trong năm 2021 và được dự báo sẽ gây nhiều bất lợi về sức khỏe cho các cá nhân và cộng đồng - Ảnh: Phạm An |
Những ngày này, Trung tâm Tiêm chủng VNVC ở đường Vành Đai Trong, quận Bình Tân, TPHCM lúc nào cũng đông người; các băng ghế chờ chật kín người vào 2 ngày cuối tuần. Cầm sổ tiêm đến bàn tư vấn, chị Trần Thị Hằng (phường An Lạc, quận Bình Tân) lộ vẻ lo lắng khi biết con mình đã tiêm trễ hạn 6 mũi, trong đó, các mũi tiêm nhắc vắc xin ngừa cúm, viêm gan A, não mô cầu đã trễ hạn rất lâu.
Chị Hằng cho biết, khoảng tháng 4/2021, chị được trung tâm nhắn tin mời đưa con đến tiêm theo lịch hẹn nhưng do sợ bị nhiễm COVID-19 nên chị không đi. Từ đó đến nay, do không được nhắn tin mời đi tiêm nên chị quên luôn việc tiêm chủng. Dạo này, thấy con hay ốm vặt, chị sực nhớ, mở sổ theo dõi tiêm chủng ra xem thì thấy trễ hạn nhiều mũi. Chị nói: “Mỗi lần chỉ được tiêm 2 loại vắc xin, mỗi loại cách nhau cả tháng nên phải mất 3 tháng mới tiêm hết 6 loại vắc xin; tiêm xong 6 loại này là đến hạn tiêm nhắc loại vắc xin khác. Chắc 5 tháng tới, tôi phải dẫn con đi tiêm đều mới đủ mũi”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Em (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, 3 năm qua, con trai chị không được tiêm bất cứ loại vắc xin nào. Tháng 3/2023, khi đưa con đến trạm y tế khám bệnh, được nhân viên y tế nhắc nhở, chị mới nhớ đến việc đưa con đi tiêm vắc xin: “Lúc cao điểm dịch COVID-19, tôi đưa con về quê tránh dịch nên quên việc tiêm vắc xin đến giờ. Khổ nỗi, mỗi lần chỉ được tiêm 1-2 mũi vắc xin. Tới đợt chích, có khi cháu bị cảm, sốt nên lại trễ hẹn”.
Thiếu nguồn vắc xin
Gần 3 năm qua, chị T.P. (quận Long Biên, TP Hà Nội) chưa đưa con đi tiêm chủng loại vắc xin nào. Chị có 2 con gái sinh năm 2014 và 2016. Cô con gái đầu được tiêm phòng khá đầy đủ trong những năm đầu đời, nhưng cô thứ hai chỉ được tiêm vài loại vắc xin trong năm đầu tiên, sau đó chưa được tiêm nhắc lại cũng như tiêm các loại vắc xin phòng bệnh khác.
|
Tiêm vắc xin cho trẻ em ở Trạm Y tế xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Từ khi có dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng các loại vắc xin cho trẻ đều giảm sút - Ảnh: Huyền Anh |
Chị nói: “Khi còn nhỏ, bé thường bị ốm nên tôi không đưa bé đi tiêm chủng. Sau đó, việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 khiến tôi không dám đưa con tới các cơ sở y tế, khi hết giãn cách xã hội thì tụi tôi lo làm ăn nên quên luôn”. Tính tới nay, con gái thứ hai của chị chưa được tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não, thủy đậu, thương hàn, tả; con gái đầu cũng bỏ qua nhiều mũi tiêm nhắc quan trọng như vắc xin 3 trong 1, viêm não Nhật Bản…
Chị Trần Thị Kiều (xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, ở các trung tâm y tế, lâu lâu cũng bị thiếu vắc xin, như vắc xin 5 trong 1. Các điểm tiêm dịch vụ có đủ vắc xin nhưng giá khá cao. Chẳng hạn, nếu tiêm đủ 26 mũi vắc xin dịch vụ cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở xuống, phải tốn hơn 21 triệu đồng. “Con tôi chưa tiêm đủ vắc xin do phải chờ các trung tâm y tế bổ sung, chứ không lo nổi tiền để tiêm dịch vụ”.
Ông Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay, trước khi xảy ra các đợt dịch COVID-19, 83 trạm y tế ở TP Cần Thơ thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin cho trẻ mỗi tháng 2 đợt (đầu tháng và giữa tháng). Nhờ đó, tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ năm 2019 đạt hơn 97,9%, năm 2020 đạt 98,4%. Tuy nhiên, tỉ lệ này năm 2021 giảm còn 72,81% và năm 2022 còn 80,61%.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, do dồn sức phòng, chống dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nên việc tiêm vắc xin cho trẻ bị gián đoạn. Ngoài ra, có thời điểm, nguồn vắc xin bị thiếu hụt, chậm được phân bổ nên cũng không thể tiêm cho trẻ được.
Khả năng bùng phát dịch bệnh rất cao
Trong văn bản gửi trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố hồi tháng Tư vừa qua, bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết, trong năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng nhiều loại vắc xin ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
|
Trung tâm tiêm chủng của VNVC ở quận Bình Tân có khá đông người đưa con đến tiêm chủng vào ngày cuối tuần. Trong số này, có nhiều trẻ không được gia đình đưa đi tiêm chủng trong 3 năm qua - Ảnh: Sơn Vinh |
Theo đó, tỉ lệ uống vắc xin bOPV (uống bổ sung vắc xin bại liệt) và tiêm IPV (tiêm vắc xin bại liệt) năm 2021 lần lượt chỉ đạt 69,4% và 80,4% và năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%. Riêng tỉ lệ tiêm IPV mũi thứ hai đạt 73% dẫn đến việc sử dụng các vắc xin này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vắc xin IPV hạn sử dụng ngắn ở các tuyến.
Trước thực tế này, Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin ngừa bại liệt, sởi, rubella, đồng thời triển khai tiêm bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng ở vùng có nguy cơ cao.
Theo báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề “Vắc xin cho mọi trẻ em” do UNICEF công bố vào tháng 4/2023, từ năm 2019-2021, gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vắc xin đầy đủ; Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm loại vắc xin nào trong năm 2021.
Bà Lesley Miller - Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam - lý giải nguyên nhân dẫn tới số trẻ không được tiêm vắc xin ở Việt Nam còn ở mức cao: “Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Khi đó, hệ thống y tế và nguồn lực tiêm chủng thường xuyên được chuyển sang phục vụ việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ mua sắm, cung ứng vắc xin”.
Trước thực tế này, bà Lesley Miller bày tỏ quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Bà nhấn mạnh, phải cấp bách tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người. Bà kêu gọi Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xác định và tiếp cận tất cả các trẻ em, đặc biệt là những trẻ không được tiêm chủng trong đại dịch COVID-19, ưu tiên ngân sách cho các dịch vụ tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nhóm phóng viên