Cái giá của thời gian và sự an toàn

10/01/2022 - 12:20

PNO - “Tết, có về quê không? Đi bằng gì?”. Người miền Trung sống ở TPHCM thường hỏi thăm nhau như vậy vào những ngày cuối năm. Không ít người muốn về quê nhưng không chọn được loại phương tiện phù hợp, đành phải ngậm ngùi ở lại thành phố đón tết.

Giá vé máy bay, tàu hỏa thường cao, không phải ai cũng có điều kiện để lựa chọn phương tiện này. Đó là chưa kể, một số tỉnh, thành không có sân bay và ít nhà ga nên việc đi lại cũng không mấy thuận tiện. Còn đi bằng xe đò (xe khách) thì mất nhiều thời gian, lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn dọc đường. Những năm gần đây, chất lượng xe đò đã được cải thiện đáng kể, nhưng mỗi chuyến về quê vẫn để lại nhiều ám ảnh cho hành khách.

Năm 2020, gia đình tôi mua vé xe khách chất lượng cao để về quê cho thoải mái và an toàn nhưng thực tế, cũng vật vã trên suốt chặng đường dài. Xe có giường để khách nằm ngả lưng nhưng mọi người trên xe lại bị “tra tấn” bởi tiếng còi xe inh ỏi không ngừng.

Hy vọng rằng, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sớm hoàn thành, để kéo giảm tai nạn và những thiệt hại do sự lãng phí thời gian lưu thông trên tuyến đường huyết mạch của cả nước.
Hy vọng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sớm hoàn thành, để kéo giảm tai nạn và những thiệt hại do sự lãng phí thời gian lưu thông trên tuyến đường huyết mạch của cả nước

Sau một hồi quan sát, tôi mới biết, do xe liên tục chạy qua các khu dân cư, khu đô thị với lượng người lưu thông bằng xe máy quá đông nên tài xế phải nhấn còi liên tục. Nguy hiểm hơn, khi thoát khỏi những khu vực đông dân, để bù lại khoảng thời gian “rùa bò” trước đó, tài xế liên tục tăng tốc nên cũng bóp còi inh ỏi để vượt mặt các xe cùng chiều. Nhiều lúc thấy xe phóng nhanh, chao lắc, khách chỉ biết nhắm mắt thầm cầu tai nạn đừng xảy ra.

“Tới nhà mới biết mình còn sống” - trước đây, nhiều người thường chua chát nói như thế mỗi khi đi xe đò về quê dịp tết. Giờ, không còn những chiếc xe cũ kỹ được ví như “cỗ quan tài bay” nhưng những chuyến xe về quê vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao về tai nạn giao thông.

Một người quen của tôi chạy xe đò tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi ám ảnh đến mức bỏ nghề sau một lần gây tai nạn chết người gần đây. Anh tâm sự, nếu chạy đúng luật và đúng tốc độ cho phép thì không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà xe về thời gian, nhất là dịp tết, xe phải quay đầu liên tục để đón khách. “Ước gì có tuyến Quốc lộ 1A thông thoáng, không phải đi qua các khu dân cư” - anh tâm sự và ao ước được chạy xe chở khách về quê trên những tuyến đường cao tốc và không phải giật mình canh cánh nỗi lo xe máy lấn làn, băng ngang. 

Hiện chưa có thống kê riêng hay ước tính về thiệt hại cụ thể do tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A Bắc - Nam, nhưng theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông tại Việt Nam nói chung mỗi năm làm tổn thất 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mỗi ngày thiệt hại tới 300 tỷ đồng. Đó là chưa kể những mất mát, đau thương không gì bù đắp được khi trung bình mỗi ngày, có hơn 20 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống.

Tại TPHCM, tuyến Quốc lộ 1A vẫn chạy ngang qua các khu đông dân cư; tình trạng kẹt xe, tai nạn vẫn xảy ra nhiều. Năm 2007, khi tìm hiểu về thiệt hại do nạn kẹt xe gây ra ở TPHCM, tôi hỏi phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - khi đó là Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TPHCM - và được ông cho biết, theo nghiên cứu và tính toán của Khoa Kỹ thuật giao thông, trung bình mỗi năm, thiệt hại do kẹt xe gây ra cho TPHCM khoảng 14.000 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, con số thiệt hại cho kẹt xe ở TPHCM không ngừng tăng lên. Ách tắc giao thông cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh bị đội lên, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của TPHCM nói riêng cũng như phát triển kinh tế toàn vùng nói chung.

Cũng như các tỉnh, thành khác, TPHCM cũng cần có tuyến Quốc lộ 1A và những tuyến đường cao tốc “độc lập” băng ngang, để thoát khỏi sự bủa vây của những khu dân cư đông đúc.

Hy vọng rằng, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sớm hoàn thành, để kéo giảm tai nạn và những thiệt hại do sự lãng phí thời gian lưu thông trên tuyến đường huyết mạch của cả nước. Thêm vào đó, khi tuyến đường sắt Bắc - Nam được nâng cấp, hàng không nội địa phát triển hơn, người dân sẽ có những lựa chọn dễ dàng cho mỗi chuyến đi xa, để không phải cứ đến tết lại canh cánh nỗi lo “về quê bằng gì”. 

Trung Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI