Cái giá của tài nguyên

01/11/2022 - 06:03

PNO - Khai thác cát tràn lan ở Đồng bằng sông Cửu Long làm hạ thấp đáy sông, thay đổi dòng chảy, dẫn đến gia tăng sạt lở.

 

Khai thác cát rầm rộ ở hạ nguồn sông Tiền thuộc thủy phận xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp Ảnh: THỐT NỐT
Khai thác cát rầm rộ ở hạ nguồn sông Tiền thuộc thủy phận xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Thốt Nốt

Hơn 5 năm trước, khi theo đường sông từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp ngược dòng Mê Kông đến tỉnh An Giang hay sang Campuchia, trên sông Tiền, sông Hậu, hầu như chỗ nào, tôi cũng thấy cảnh khai thác cát nhộn nhịp, sà lan chở cát tủa đi khắp nơi. Trong khi đó, dọc bờ sông, số điểm sạt lở cũng nhiều không đếm xuể.

Thời điểm trên, ngoài những khu vực được cấp phép khai thác cát, còn có rất nhiều luồng tuyến giao thông thủy được nạo vét để tận thu cát. Tuy nhiên, không ít nơi, khi xáng cạp múc lên toàn bùn đất, người ta liền đổ ngược chúng xuống sông. Điều đó cho thấy, không ít đơn vị nạo vét luồng sông chỉ chăm chăm lấy cát.

Năm 2017, Đồng Tháp là tỉnh có nhiều nhà dân gần khu vực nạo vét tận thu cát bị đổ sập xuống sông do sạt lở. Khi trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này nhìn nhận, nhiều dự án nạo vét không thực sự cần thiết. Ông nói: “Sông Tiền rất rộng và sâu nên những đoạn cần nạo vét (chưa đạt độ sâu 9m) rất ít. Vả lại, luồng tàu (rộng khoảng 150m) không bất di bất dịch như đường bộ nên tàu có thể né những chỗ có độ sâu chưa đảm bảo để chạy ở những chỗ có nước sâu hơn. Lúc chưa có các dự án nạo vét, chưa có trường hợp nào phản ánh về việc tàu bị mắc cạn hay gặp khó khăn do luồng sông bị cạn”.

Tính đến cuối năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km và gần 30 hố xói sâu trên sông Tiền, sông Hậu. Các hố sâu này có những điểm âm hơn 40m, rất nguy hiểm. Chỉ trong vòng ba năm (2018-2020), đã có hơn 1.800 ngôi nhà ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở, chìm xuống sông, hàng chục ngàn người bỗng chốc trở thành vô gia cư, mất sạch tài sản. Hiện còn gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trong các nguyên nhân dẫn đến sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, có việc khai thác cát tràn lan. Việc khai thác cát quá mức đã hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến gia tăng sạt lở.

Năm 2018, trước tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, tại cuộc họp về tình hình an ninh trật tự, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM lúc đó - cho biết, phần lớn công trình xây dựng ở TPHCM dùng cát san lấp không có nguồn gốc hợp pháp. Do đó, cần phải tính toán tìm nguồn vật liệu san lấp thay thế cát.

Để hạn chế tình trạng sạt lở, từ nhiều năm trước, ngành chức năng của TPHCM đã cấm khai thác cát tự nhiên, đồng thời phản đối quyết liệt các dự án nạo vét sông tận thu cát không cần thiết.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi các dự án nạo vét tận thu cát được siết chặt, tình trạng khan hiếm cát cũng ngày càng nghiêm trọng do cát sông vẫn là loại vật liệu chủ yếu để san lấp và xây dựng. Đến nay, khi Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư mạnh mẽ để phát triển hạ tầng giao thông thì nguồn cát đã cạn kiệt.

Tiến sĩ Dương Văn Ni - người có nhiều công trình nghiên cứu về môi trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng, cát trên sông cũng giống như bộ xương của con người, nếu bộ xương này không được bảo vệ thì hình dạng của dòng sông cũng bị thay đổi, dẫn đến tình trạng sạt lở gia tăng. Việc khai thác cát hay nạo vét tận thu cát quá mức sẽ làm cho sông “rỗng ruột”, gây ra những hệ lụy khó lường. Vì thế cần phải tìm kiếm những vật liệu xây dựng thay thế dần cát tự nhiên trước khi quá muộn.

Người xưa có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. “Rừng” ở đây được hiểu là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn. Việc khai thác tài nguyên quá mức luôn gây ra những hậu quả nặng nề và gần như không cách gì có thể bù đắp được.

Hoàng Nhiên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI