Cái giá của một cuộc chơi

30/04/2016 - 06:48

PNO - Thông tin thí sinh Mai Thái Anh uống thuốc tự tử sau tập bốn, vòng Hội ngộ của chương trình Nhân tố bí ẩn 2016, khiến nhiều khán giả sững sờ...

Hoài nghi vì cũng tại chương trình này, mùa trước, từng có vụ lừa dối khán giả công khai, trắng trợn khi nữ ca sĩ Anh Thúy (cựu thành viên nhóm nhạc Mây Trắng) giả dạng thành Huyền Minh với câu chuyện đầy cảm động về một người có hoàn cảnh bi đát đã vượt lên số phận để được hát, được thể hiện mình.

Cai gia cua mot cuoc choi
Mai Thái Anh trên sân khấu

Trước tin tự tử của Mai Thái Anh, nhiều người cho rằng đây lại là một scandal tự tạo nữa của nhà tổ chức hoặc của thí sinh nhằm thu hút người xem trong bối cảnh các chương trình truyền hình thực tế dạng thi tài năng đã chẳng còn nhận được nhiều sự quan tâm như trước.

Người ta nhanh chóng lục lại hồ sơ của Mai Thái Anh - thí sinh được giới thiệu là một người bị bệnh về tâm lý vì là nạn nhân bị bạo hành, từng có người thân tự tử vì trầm cảm - để xác nhận rằng anh từng tham gia Vietnam Idol (VNI) chỉ mới năm ngoái dưới tên thật Trần Nguyên Bảo và rằng tại VNI anh tỏ ra là người rất nhí nhảnh, tinh nghịch, hoạt bát chứ không hề giống biểu hiện của người trầm cảm.

Song chia sẻ của Mai Thái Anh trên mạng xã hội là thật và anh đã nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu vì dùng thuốc an thần quá liều (hiện đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục điều trị). Nguyên nhân, như lời anh, là vì bị xem như “vật dùng xong rồi bỏ”, “là thứ để mọi người nhìn vào dè bỉu như cặn bã” - áp lực dư luận mà anh không thể chịu đựng nổi. Thái Anh không phải là trường hợp cá biệt. Danh sách những nạn nhân của truyền hình thực tế vẫn đang ngày càng dài thêm.

Thái Anh cũng không phải là trường hợp tự tử duy nhất. Trong chương trình Vua đầu bếp (Master Chef) Mỹ năm 2012 (năm Christine Hà đăng quang), chàng trai da đen Josh Mark đã giành ngôi á quân. Chưa đầy một năm sau, tháng 10/2013, Mark đã dùng súng kết liễu đời mình vì cuộc sống của anh đã hoàn toàn bị đảo lộn từ sau cuộc thi - những lời ngợi ca có cánh của các giám khảo, những gì anh tiếp nhận trong khuôn khổ Master Chef không giống với thực tế anh vấp phải trong đời thường.

Tại Master Chef Việt Nam, “Vua đầu bếp” Minh Nhật vừa phải cúi đầu xin lỗi vì một sự việc xảy ra từ hai năm trước - chiếc bánh cô mang tặng Trường THPT Hà Nội Amsterdam trong dịp 20/11 với logo trường chẳng phải do cô làm như lời cô nói mà thực ra được mua tại một tiệm bánh. Sự giả dối ngày ấy còn bị đẩy lên đến cùng cực khi Minh Nhật khẳng định rằng chủ cửa hàng bánh đã nhầm lẫn, rằng cô sẽ tự tay làm một chiếc bánh để chứng minh. Cô đã chứng minh. Chiếc bánh cô làm ra bị cộng đồng chê thậm tệ.

Rất nhiều thí sinh tại các chương trình truyền hình thực tế đã cáo buộc nhà tổ chức “mớm” cho mình những kịch bản không có thật, vẽ nên những chân dung không có thật để tạo scandal với chiếc bánh vẽ mang tên nổi tiếng. Để rồi khi bị tống khỏi cuộc chơi, quay trở lại cuộc sống đời thường, họ không bao giờ còn có thể là người bình thường được nữa.

Nhiều thí sinh khác học theo dấu chân người đi trước để tự vẽ cho mình những câu chuyện bi kịch, những hành vi, lời nói nhố nhăng cũng không thể trở lại với đời sau khi dấn sâu vào cuộc chơi. Cái giá phải trả dành cho họ là quá đắt bởi mọi cuộc chơi đều chỉ có một người chiến thắng, giành được tất cả theo đúng tư duy của truyền hình thực tế - The winner takes it all. Họ phải trả giá bằng cuộc đời mình, bằng nhân thân, nhân phẩm, thậm chí bằng sinh mạng để lót đường cho người khác bước lên.

“Người khác” trong trường hợp này không phải là người được xướng danh chiến thắng chung cuộc trên sóng truyền hình, mà là những con người đang đếm tiền tài trợ, tiền quảng cáo trong hậu trường.

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI