|
Ảnh minh họa |
Một chị đang mang bầu kể chuyện, một ngày chồng chị bảo rằng không còn yêu vợ nữa và muốn chia tay để giải thoát cho cả hai. Chị vợ tuyệt vọng và định buông xuôi. Vào một trong những ngày có thể là cuối cùng của cuộc hôn nhân, chị hỏi chồng: "Nếu có kiếp sau anh có cưới em nữa không?". Anh chồng trả lời: "Có chứ. Kiếp sau vợ chồng mình sẽ làm nông dân ở nơi nào đó như nông thôn Ấn Độ chẳng hạn. Mình sẽ đẻ chục đứa con và cứ thế mà sống, không phải lo nghĩ gì cả".
Câu trả lời của người chồng khiến chị vợ cảm nhận được anh cũng đang tuyệt vọng, cũng đau xót vì những mất mát đã và sắp xảy ra. Câu trả lời ấy cũng tiếp cho vợ hy vọng, và chị quyết định không thể buông xuôi..
Chuyện xảy ra hồi đầu năm, sau những ngày tháng căng thẳng ấy, vợ chồng chị cùng ngồi lại nói chuyện nghiêm túc với nhau, phân tích được và mất khi không còn chung đường. Và rồi bây giờ em bé kết thành trong những ngày đau đớn tuyệt vọng ấy sẽ chào đời sau 2 tháng nữa. Giờ đây, mỗi buổi tối được ngồi dựa vai chồng và cảm nhận con đạp trong bụng, người vợ lại thầm cảm ơn những lỗi lầm, những nông nổi, những dại khờ trong quá khứ đã giúp chồng và vợ nhận ra giá trị của hạnh phúc hôm nay.
Không ai có thể phủ nhận một điều rằng thời gian là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương. Nếu thời gian làm thay đổi mọi thứ, có thể từ tốt thành xấu hay ngược lại thì thời gian cũng làm cho mọi thứ nguôi ngoai, quên lãng, vui hay buồn gì rồi cũng qua; thậm chí, có đôi lúc, người trong cuộc còn ngạc nhiên tại sao thời điểm ấy mình hành xử như vậy, nói năng như thế, nghĩ lại thấy xấu hổ về cách ứng xử của mình khi ấy.
Khi 2 người yêu nhau, quyết định lấy nhau là cả một quá trình không chỉ tốn kém… vật chất mà còn biết bao công sức bỏ vào đấy, chưa kể hao tổn chất xám vì suy nghĩ cách làm lành mỗi khi giận nhau.
Tuy nhiên, ít cặp nào lường được cuộc sống sau khi cưới. Xa hơn chỉ nghĩ đến việc đi trăng mật thế nào, phải xin nghỉ phép ra sao, nếu là doanh nhân thì sắp xếp công việc để mọi thứ trôi chảy, không bị điện thoại, email, tin nhắn quấy rầy thời gian ngọt ngào nhất cuộc đời. Không ai nghĩ đến những chi tiết vụn vặt trong đời thường phải đối mặt mà, đôi khi chính những chi điều nhỏ nhặt đó làm hỏng bao việc lớn.
Cho đến một ngày (có thể không dài lắm sau cưới), 1 trong 2 người nhận ra sai lầm khi quyết định hôn nhân. Nếu không vượt qua được những rào cản từ tâm lý và biết chấp nhận theo kiểu ở bầu thì dài, ở ống thì tròn ắt hẳn sẽ dẫn đến chia tay. Bây giờ vợ chồng chia tay nhau nhiều lắm, cả trăm ngàn lý do. Có người cho rằng, cưới vợ và xây nhà không còn mang tính duy nhất nữa… Đời người 2-3 lần xây nhà và 2-3 lần đám cưới không có gì lạ!
Thời gian dần trôi, mọi thứ nguôi ngoai cho dù 2 người chia tay trong hoàn cảnh hết sức nặng nề, thiếu điều coi nhau như kẻ thù...
Một ngày cuối năm, trong lúc dọn dẹp email vì hộp thư báo sắp đầy, người trong cuộc thấy email của người xưa, mở ra đọc lại và ngạc nhiên ngày ấy 2 người (bây giờ không nhìn mặt nhau) có những thư đến, thư phản hồi với những lời dịu dàng, yêu thương như thế.
Những ngày đó như mới hôm qua, khi trong gia đình nhỏ có tiếng cười, tiếng nói bi bô của con trẻ, có giàn hoa lan ngoài ban công, có chậu ngọc điểm trong góc hiên nhà, trên sân thượng có 2 chiếc ghế mây màu trắng, cành bông giấy sà xuống chiếc bàn nhỏ có 2 ly cà phê, cuốn sách đọc dang dở… Chàng đi công tác dặn nàng ở nhà nhớ tưới cây, nàng kể lể với chồng về những lời con tập nói, mỗi khi bị mẹ đánh, con lại thốt lên ba ơi mau về với con…
Tác giả Vũ Hoàng Chương có bài thơ Lá thư ngày trước: Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư/ Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư/ Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh.
Đành đổ thừa cho duyên tình mỏng mảnh, món nợ đời nhau ngắn ngủi…
Tình yêu là đề tài được nói đến nhiều nhất trong cuộc sống ngàn đời nay. Quanh đi quẩn lại chỉ chuyện 2 người mà không lý thuyết nào giải quyết được, người đời đành tóm gọn lại: trải qua thì biết!
Trong cái “biết” này rất nhiều “kinh nghiệm xương máu”. Việc gì cũng có giá, chịu đựng nhau cũng có giá của sự chịu đựng mà tung hê cũng có cái giá của tung hê.
Bởi thế, Vũ Hoàng Chương kết luận (cùng niềm hy vọng) rằng: Lá thư xưa màu mực úa phai rồi/ Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó.
Để duyên một lần nữa được thắm lại, nhìn lại, cái giá cho hạnh phúc đâu phải là nhỏ?
Kim Duy