Cái chết từ hiểm họa được báo trước

25/09/2020 - 13:07

PNO - Hiểm họa đã và đang đến ngay mặt đất, từ chính cách con người đối xử với cây.

Lại thêm một cái chết do cây đổ trong mùa mưa. Cái chết tức tưởi, là một thanh niên 30 tuổi. Không ai không khỏi xót xa. Không ai không nghĩ ngợi dăm ba điều lẽ ra, giá mà… Nhưng hẳn đã và sẽ còn nhiều cơn mưa lớn hơn cơn mưa chiều 24/9, người dân dù có ý thức tránh trú nhưng do công việc cần kíp hay lỡ trên đường về nhà thì vẫn ráng mà chạy trong mưa gió nguy hiểm. Và gốc cây nào sẽ trốc rễ, đổ ập xuống đường… 

Hiện trường cây cổ thụ bật gốc đè nam thanh niên (ảnh lớn) và nạn nhân được cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh nhỏ).
Hiện trường cây cổ thụ bật gốc đè nam thanh niên chiều 24/9 (ảnh lớn) và nạn nhân được cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh nhỏ)

Tất cả những điều kiện đầy tính rủi ro ấy, có vẻ như ai cũng tỏ rõ, tai nạn, thảm kịch có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào, với ai. Nhưng trước khi nó xảy đến, dù chỉ một khắc, hay ngay trước mặt, cây lá vẫn xanh ngắt, đường phố vẫn an toàn. Tai nạn ập đến lại ra chiều… xui rủi. Cái chết từ trên trời giáng xuống.

Đâu hay, hiểm họa đã và đang đến ngay mặt đất, từ chính cách con người đối xử với cây.

Đâu hay, “người dân có thể thấy cây xanh tốt nhưng không biết cây đã đạt giới hạn sinh trưởng hoặc bị sâu bệnh cần được thay mới” - phát biểu vào sáng 25/9 trên Tuổi trẻ của ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM).

Và đường đi của hiểm họa đã được báo trước: theo nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi (Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM), trong quá trình thực hiện đề tài “Xác định nguy hại, đánh giá rủi ro cây xanh đường phố tại TPHCM đối với 21 loài cây được trồng nhiều (giai đoạn năm 2014-2017) thì cây xanh tại TPHCM chịu áp lực rất nặng nề do độ rộng vỉa hè nhỏ, lưu lượng xe cộ… Hầu như không có một cây xanh nào tại TPHCM có giới hạn an toàn để sinh trưởng. Một cây xanh cần không gian rễ gấp 2-2,5 lần diện tích tán để phát triển, tối thiểu là bằng.

Chưa kể từ thực trạng đào đường, gắn cáp, hễ trúng cây xanh là đơn vị thi công nhanh tay cắt rễ cho đến hiện tượng bức tử cây xanh cứ âm thầm dai dẳng diễn ra nào đổ thuốc trừ sâu, tưới nước sôi. Dẫn tới, nhiều cây xanh dù lớn nhưng khi ngã đổ, lại trơ ra bộ rễ nông, thưa.

Rồi sự đau xót này lưu cữu trong mỗi chúng ta được bao lâu, nó hằn lên trách nhiệm của cơ quan chức năng ở mức nào. Giải pháp nào để thật sự căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bởi cho đến sáng 25/9, đọc phát biểu của người đứng đầu Trung tâm hạ tầng kỹ thuật, ông Vũ Văn Điệp thì “cần có quy định rõ về lộ trình quản lý cây xanh, ví dụ cây như thế nào thì cần đốn hạ, cây bao nhiêu năm thì cần thay mới để các đơn vị làm theo” (Tuổi trẻ).

Làm sao đây để từng mất mát con người trong mỗi mùa mưa bão qua đi, những “bài học kinh nghiệm” đau đớn cứ nhắc nhau mãi, mà tai nạn - tử vong do cây ngã vẫn lặp lại đầy tức tưởi, bàng hoàng; thì tai nạn, thảm kịch ập đến là do ta, chẳng phải tại trời!

Càng xót xa cho người vắn số. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI