Cái chết của Topshop: Phần nào đó của các cô gái millennials đã mất

15/12/2020 - 09:23

PNO - Topshop là một cái tên đã gắn liền với thời niên thiếu của hàng triệu cô gái Anh lẫn nhiều thế hệ phụ nữ trên thế giới.

Thương hiệu thời trang Topshop là nạn nhân mới nhất của đại dịch COVID-19. Arcadia - công ty mẹ của Topshop cùng nhiều nhãn hàng khác như Dorothy Perkins, Wallis, Miss Selfridge và Burton - vừa tuyên bố phá sản, trực tiếp đẩy 13.000 nhân công vào cảnh bấp bênh. Chỉ chừng một thập niên trước, ý tưởng Topshop sụp đổ gần như không thể tin được.

Philip Green ở giữa các ngôi sao hạng A trên hàng ghế đầu tại tuần lễ thời trang London năm 2015
Philip Green ở giữa các ngôi sao hạng A trên hàng ghế đầu tại tuần lễ thời trang London năm 2015

Thời kỳ hoàng kim của Topshop rơi vào giữa thập niên 2000. Lúc đó, thương hiệu này thường xuyên hợp tác với những cái tên khổng lồ trong làng mốt lẫn âm nhạc như Kate Moss và Beyonce. Philip Green - chủ sở hữu Arcadia - mong muốn đứa con cưng của mình thoát khỏi cái danh “thời trang sao chép” cho nên đã đưa Topshop tham gia vào Tuần lễ thời trang London. Các buổi trình diễn thu hút rất đông sao hạng A. Ở hàng ghế đầu, Green nép mình giữa TBT Anna Wintour của Vouge Mỹ và nhiều “It girl”.

Đáng tiếc, Topshop đã mất đi vẻ hào nhoáng theo thời gian.

Cửa hàng chính của Topshop trên đường Oxford
Cửa hàng chính của Topshop trên đường Oxford, Anh

Cửa hàng chính của Topshop đặt trên đường Oxford, Anh rộng mấy ngàn mét vuông từng là trái tim của thời trang London với những bộ quần áo phù hợp cho cả những người trong và ngoài ngành, nay trông giống như bất kỳ cửa hàng thời trang nhanh nào khác. Thiết kế không có gì đặc biệt còn chất liệu thì rẻ tiền.

Thế hệ 8X - vốn từng diện Topshop từ đầu đến chân - nay bắt đầu chuyển sang các thương hiệu tầm trung như & Other Stories hoặc Ganni, trong khi thế hệ 9X đổ xô vào các nhà bán lẻ trực tuyến như ASOS và Boohoo. Với giá thấp tàn nhẫn cộng thêm chiến lược tiếp thị mang tính cách tân, những thương hiệu này đã làm lu mờ Topshop nhanh chóng.

Ngoài ra, các scandal chấn động của Philip Green cũng góp phần không nhỏ làm hoen ố hào quang của Topshop.

Philip Green từng là một trong những doanh nhân thành công nhất trong lĩnh vực thời trang tại Anh
Philip Green từng là một trong những doanh nhân thành công nhất trong lĩnh vực thời trang tại Anh

Năm 2015, Green bán hệ thống cửa hàng BHS với chỉ 1 bảng Anh và ngay năm sau, nó phá sản khiến 11.000 việc làm biến mất cùng 770 triệu USD tiền hưu. Năm 2018, ông chủ của Arcadia bị tố cáo đã gỡ một quảng cáo tôn vinh nữ quyền của nhà văn Scarlett Curtis và vài tuần sau, ông tiếp tục bị nêu tên trong quốc hội Anh với tư cách là một doanh nhân bị cáo buộc nhiều tội danh về hành vi sai trái tình dục và phân biệt chủng tộc.

Green phủ nhận mọi cáo buộc nhưng danh tiếng của ông đã bị hoen ố đến mức không thể sửa chữa. Chẳng bao lâu sau, Beyonce rút dòng quần áo Ivy Park khỏi các cửa hàng Topshop và Michael Halpern cũng nối gót hủy bỏ sự hợp tác với thương hiệu thời trang này.

Cuối năm 2019, Topshop đã lỗ nửa tỷ bảng Anh (674 triệu USD).

Nhằm phản đối Green, Beyonce đã mua lại phần sở hữu của Topshop trong BST Ivy Park ra mắt năm 2016
Nhằm phản đối Green, Beyonce đã mua lại phần sở hữu của Topshop trong BST Ivy Park ra mắt năm 2016

Khi bắt đầu đại dịch, việc Arcadia hủy đơn đặt hàng quần áo trị giá hơn 100 triệu bảng Anh (135 triệu USD) từ các nhà cung cấp ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới đã gây nhiều tranh cãi. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, thật khó để biện minh cho việc mua sắm tại Topshop khi kẻ hưởng lợi từ đó - Philip Green - thì trốn thuế, hưởng thụ cuộc sống xa hoa nhưng đối xử với nhân công cực kỳ thậm tệ.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Topshop vẫn nhuốm màu buồn cho những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millennials), những người đã lớn lên trong thời kỳ hoàng kim của nó. Đối với chúng tôi, những người đã trưởng thành vào đầu những năm 2010 và những năm 2010, Topshop là điểm khởi đầu trong lĩnh vực thời trang. 

Hàng trăm cô gái xếp hàng trước cửa hàng Topshop để mua sản phẩm từ BST Kate Moss vào năm 2007
Hàng trăm cô gái xếp hàng trước cửa hàng Topshop để mua sản phẩm từ BST Kate Moss vào năm 2007

Anna Loo - người làm việc trong lĩnh vực xuất bản - cho biết: “Topshop luôn là nơi đầu tiên tôi muốn mua quần áo. Tôi cảm thấy như đó là một cánh cổng để những thiếu niên có thể khám phá phong cách thời trang riêng và là nơi bạn mua sắm đầu tiên khi bố mẹ ngừng mua quần áo cho mình”.

Jess Kerntiff - một chuyên viên PR thời trang - nói: “Tôi từng làm việc tại Café Rouge khi 17 tuổi và đã chi tiêu hết tiền boa của mình ở Topshop vào cuối tuần. Tôi đã rất hạnh phúc khi mua được một trong những chiếc váy Kate Moss trong đợt giảm giá - đó là một chiếc váy ngắn, màu hồng. Tôi cảm thấy như Topshop là điểm đến thời trang giá cả phải chăng duy nhất vào thời điểm đó”.

Alexa Chung trong thiết kế của Topshop
Alexa Chung trong thiết kế của Topshop

Topshop đã bình dân hóa sự quyến rũ và phong cách bằng cách cung cấp các xu hướng trên sàn diễn với mức giá phù hợp cho những thanh thiếu niên mê thời trang, những người đã dành hàng giờ để xem các bức ảnh chụp sàn catwalk trên style.com (hiện đã không còn tồn tại). Nó cũng mang đến những sự hợp tác mang tính biểu tượng của các nhà thiết kế tài năng, từ bộ sưu tập năm 2009 mang phong cách lịch lãm, lộng lẫy của Christopher Kane cho đến nhiều dòng bán chạy của Kate Moss. Rất nhiều phụ nữ trẻ đã xếp hàng bên ngoài cửa hàng hàng giờ chỉ để sở hữu sớm chúng.

Cây viết thời trang Rosalind Jana cho biết: “Cho đến năm 15 hay 16 tuổi, tôi nghĩ đó là hình ảnh mẫu mực của sự mát mẻ đầy khát vọng. Đây là thời điểm Topshop mới bắt đầu hợp tác với các nhà thiết kế trẻ như Preen và Richard Nicoll. Bộ sưu tập với Christopher Kane đặc biệt đáng nhớ”.

Đối với nhiều phụ nữ thuộc thế hệ millinials, Topshop gắn liền với những cột mốc tuổi vị thành niên, từ việc mua chiếc quần jean Jamie đầu tiên đến việc mua sắm váy dạ hội.

Loo nói: “Tôi chỉ nghĩ rằng Topshop đại diện cho sự đột phá đầu tiên vào thời trang người lớn cho rất nhiều cô gái. Tôi nghĩ đối với rất nhiều người, Topshop sẽ là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Sẽ rất buồn khi nó biến mất”.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của cây viết Sara Semic trên trang Refinery29.

Mai Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI