Cái chết của thị trưởng Seoul khơi dậy làn sóng đòi nữ quyền mạnh mẽ ở Hàn Quốc

16/07/2020 - 21:01

PNO - Người phụ nữ cáo buộc thị trưởng Seoul quấy rối tình dục nói rằng chính quyền thành phố tỏ thái độ không tin khi cô ấy đệ đơn khiếu nại. Đây cũng là trường hợp nhiều nạn nhân gặp phải.

Thị trưởng Seoul Park Won-Soon, 64 tuổi, đã chết trong một vụ tự tử vào tuần trước ngay sau khi các đơn tố cáo quấy rối tình dục được nộp cho cảnh sát, nghĩa là những yêu cầu này của nạn nhân sẽ không chính thức được đưa vào điều tra hình sự.

Dù vậy, lời buộc tội từ cựu thư ký riêng của ông Park đã gây ra cơn bão lửa trong các nhóm quyền phụ nữ ở Hàn Quốc, và đặt ra câu hỏi về việc quấy rối tình dục thực sự nghiêm trọng như thế nào dưới thời Tổng thống Moon Jae-in - người hứa trở thành "tổng thống vì nữ quyền".

Ông Moon không thảo luận công khai các cáo buộc tại cuộc họp của cơ quan lập pháp của nước này hôm 16/7, và cũng không đề cập đến cái chết của cựu thị trưởng Park, nạn nhân, hay chạm vào các vấn đề bất bình đẳng giới tính rộng lớn hơn.

Hiện tại, chính quyền thành phố Seoul đã mở cuộc điều tra nội bộ về hành vi sai trái của ông Park, giữa lúc có nhiều lời kêu gọi cả đảng cầm quyền và chính phủ phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân của tội phạm tình dục.

Cựu Thị trưởng Seoul Park Won-Soon qua đời trong một vụ tự sát vào ngày 9/7.
Thị trưởng Seoul Park Won-Soon qua đời trong một vụ tự tử vào ngày 9/7

Chịu đựng quấy rối suốt 4 năm

Giống như Tổng thống Moon, ông Park tự mô tả mình là “một nhà nữ quyền”. Là thị trưởng của Seoul, ông trở thành quan chức quyền lực thứ hai ở Hàn Quốc, từng thực hiện các chính sách phúc lợi nhằm giúp đỡ phụ nữ và là người ủng hộ cho phong trào #MeToo.

Với kinh nghiệm của một cựu luật sư nhân quyền, vào những năm 1990, ông Park đòi lại công bằng cho nạn nhân của một trong những vụ án quấy rối tình dục thành công đầu tiên của Hàn Quốc. Vào những năm 1980, ông là thành viên của nhóm luật sư đại diện cho một trong những người phụ nữ đầu tiên đưa ra cáo buộc tấn công tình dục chống lại chính quyền.

Vì vậy, đối với nhiều người ở Seoul, các cáo buộc về ông vào tuần trước chẳng khác nào một cú sốc.

Trong một cuộc họp báo hôm 13/7, luật sư của nạn nhân Kim Jae-ryon, tuyên bố ông Park đã gửi hình ảnh nhạy cảm của mình cho thư ký, cũng như những tin nhắn đêm khuya tục tĩu trên ứng dụng Telegram được mã hóa. Có một lần, khi nhìn thấy vết bầm tím trên đầu gối của cô Kim, ông ấy giả vờ thổi để giảm bớt cơn đau nhưng lại chạm môi vào chân nạn nhân.

Phía nguyên đơn cho biết nạn nhân bị quấy rối suốt 4 năm, kể từ khi được thuê làm thư ký của Park và tiếp tục sau khi cô chuyển sang bộ phận khác.

Nhiều người bị sốc trước cáo buộc quấy rối tình dục của ông Park vì ông luôn tỏ ra là một vị chính trị gia đấu tranh cho quyền phụ nữ.
Nhiều người bị sốc trước cáo buộc quấy rối tình dục của ông Park vì ông luôn tỏ ra là một vị chính trị gia đấu tranh cho quyền phụ nữ

Nỗ lực nói ra sự thật

Cựu thư ký của ông Park từng cố gắng lên tiếng trước đây, nhưng tất cả mọi nỗ lực đều bị dập tắt.

Nạn nhân đã nộp đơn tố cáo về quấy rối tình dục vào ngày 8/7 và đưa ra tuyên bố của mình vào sáng 9/7, không lâu sau đó, ông Park được báo cáo mất tích (tối 9/7).

Theo thủ tục cảnh sát tiêu chuẩn, nghi phạm chỉ được thông báo về các cáo buộc chống lại họ một khi cảnh sát bắt đầu thẩm vấn. Nhưng Lee Mi-kyoung - người đứng đầu Trung tâm cứu trợ bạo lực tình dục Hàn Quốc, người đại diện cho nạn nhân bị cáo buộc, tuyên bố ông Park đã biết về khiếu nại, và có thể đã xóa những bằng chứng trước khi một cuộc điều tra thực sự bắt đầu.

Cảnh sát phủ nhận việc rò rỉ thông tin đến chính quyền thành phố Seoul, nhưng cho biết họ đã báo cáo vụ việc với Nhà xanh - văn phòng Tổng thống Hàn Quốc - vì đây là về một người có địa vị cao.

Ko Mi-kyoung - người đứng đầu Đường dây nóng dành cho phụ nữ, cũng là một đại diện cho nạn nhân, muốn chính phủ công bố những hành động mà họ đang thực hiện để đáp lại các cáo buộc.

Ngày 15/7, chính quyền thành phố Seoul tuyên bố thành lập một nhóm điều tra với các chuyên gia bên ngoài về các cáo buộc chống lại Park.

Một buổi họp báo của các nhóm dân quyền đại diện cho nạn nhân.
Một buổi họp báo của các nhóm dân quyền đại diện cho nạn nhân

Cần một động thái quyết liệt

Ở Hàn Quốc, cáo buộc chống lại ông Park đã làm dấy lên cơn bão dư luận. Không chỉ vì ông thường thể hiện mình là một nhà nữ quyền, mà còn là nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ cao cấp thứ ba dính vào vụ bê bối tình dục.

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nói rằng cả Đảng Dân chủ - và chính phủ của Tổng thống Moon - cần phải làm tốt hơn.

Ngày 14/7, một tuyên bố được ký bởi 61 nhóm phụ nữ với tổng số năm triệu thành viên đã đề nghị đoàn kết và hỗ trợ cho những nạn nhân đứng ra làm chứng chống lại ông Park.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi không thể bỏ qua các tội phạm quấy rối tình dục liên tục của các nhà lãnh đạo nữa. Các chính trị gia nên thiết lập các biện pháp có trách nhiệm nhằm ngăn chặn sự cố tương tự tái diễn và đưa ra một lời hứa chính đáng với công chúng".

Trước đó, ngày 13/7, lãnh đạo Đảng Dân chủ Lee Hae-chan, bày tỏ sự cảm thông với nạn nhân trong một tin nhắn được đọc bởi người phát ngôn của Đảng Kang Hoon-sik: "Tôi xin lỗi vì tình hình hiện tại mà chúng ta phải đối mặt. Đảng Dân chủ sẽ cố hết sức để ngăn điều này xảy ra lần nữa trong tương lai".

Cái chết của ông Park tạo nên hai luồng dư luận trái chiều tại Hàn Quốc, nhưng câu trả lời cuối cùng chắc chắn chỉ có một, và chính quyền thành phố Seoul hứa sẽ điều tra độc lập về vụ việc.
Cái chết của ông Park tạo nên hai luồng dư luận trái chiều tại Hàn Quốc, nhưng câu trả lời cuối cùng chắc chắn chỉ có một, và chính quyền thành phố Seoul hứa sẽ điều tra độc lập về vụ việc


Ngọc Hạ (theo CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI