Cái chết của nữ bác sĩ trẻ vạch trần nạn bắt nạt ở các trường y tại Indonesia

25/08/2024 - 18:09

PNO - Cái chết của bác sĩ nội trú sau nhiều tháng bị quấy rối bằng ngôn từ đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn nạn bắt nạt tại Indonesia.

Sau cái chết của nữ bác sĩ mới ra trường - Nạn bắt nạt ở các trường y tại Indonesia bị chú ý s. Ảnh minh họa
Cái chết của nữ bác sĩ mới ra trường khiến nạn bắt nạt ở các trường y tại Indonesia bị chú ý - Ảnh minh họa

Ngày 12/8, nữ bác sĩ Aulia Risma Lestari, 30 tuổi, bác sĩ nội trú, chuyên gia gây mê của Đại học Diponegoro tại Bệnh viện đa khoa Dr Kariadi được phát hiện đã tử vong trong phòng trọ.

Theo thông tin ban đầu, cô đã tự tiêm một liều thuốc gây mê liều cao.

Từ những điều Aulia ghi lại trong nhật ký, cảnh sát đã điều tra cái chết của cô như một vụ tự tử được cho là có liên quan đến chứng trầm cảm cũng như bị bắt nạt.

Cảnh sát cho biết thêm rằng nhật ký của Aulia cho thấy cô bị căng thẳng và có ý định tự tử, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Tin nhắn của Aulia với người bạn thân cũng được lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó tiết lộ rằng cô đã chi rất nhiều tiền cho các khoản chi phí phát sinh ngoài học phí và chi phí sinh hoạt. Nhiều bác sĩ cao cấp đã bắt cấp dưới trả các khoản chi phí không liên quan đến việc học.

Sau vụ việc, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin thừa nhận rằng nạn bắt nạt đang diễn ra phổ biến ở các trường y tại Indonesia và tồn tại trong thời gian dài.

Ông nói thêm rằng vụ việc Aulia bị bắt nạt chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Cái chết của Aulia không phải là vụ việc đầu tiên bác sĩ tự tử vì bị bắt nạt. Tháng 8/2020, bác sĩ nội trú Albertus Berfan, 28 tuổi, đang theo học tại khoa y Đại học Airlangga, đã tự tử vì bị đàn anh bắt nạt.

Từ tháng Bảy đến đầu tháng Tám năm ngoái, Bộ Y tế Indonesia nhận được 356 báo cáo về tình trạng bắt nạt, bao gồm đe dọa, bị ép làm việc ngoài giờ và bị giao những nhiệm vụ không liên quan đến công việc hoặc học tập.

Một cuộc kiểm tra sức khỏe do Bộ thực hiện vào tháng 3/2024 cũng phát hiện có 2.716 bác sĩ nội trú (22,4%) trong số 12.121 bác sĩ nội trú được khảo sát, mắc chứng trầm cảm.

Có tới 399 bác sĩ (3%) trong số này thừa nhận rằng họ muốn tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Theo Bộ Y tế Indonesia, áp lực cao phải hoàn thành bài tập trên lớp, thường xuyên phải làm ca đêm, gánh nặng tài chính để trang trải cho cả việc học và nhu cầu gia đình, và bị bắt nạt là nguyên nhân khiến bác sĩ thực tập bị trầm cảm. Các bác sĩ trẻ phải làm việc nhiều giờ, đặc biệt là nếu họ đang nỗ lực để trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Theo Bộ Y tế Indonesia, áp lực cao phải hoàn thành bài tập trên lớp, thường xuyên phải làm ca đêm, gánh nặng tài chính để trang trải cho cả việc học và nhu cầu gia đình, và bị bắt nạt là nguyên nhân khiến bác sĩ thực tập bị trầm cảm. Các bác sĩ trẻ phải làm việc nhiều giờ, đặc biệt là nếu họ đang nỗ lực để trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Năm 2023, Bộ Y tế Indonesia đã mở một tổng đài để tiếp nhận các báo cáo. Đến nay, Bộ đã cảnh cáo, đình chỉ tạm thời và sa thải 39 bác sĩ nội trú và chuyên gia tư vấn bị cáo buộc bắt nạt.

Giáo sư Suharnomo - Hiệu trưởng Trường đại học Diponegoro - đã phủ nhận cáo buộc bác sĩ Aulia bị bắt nạt. Ông còn nói cô có vấn đề về sức khỏe tinh thần và điều này đã ảnh hưởng đến việc học của cô.

“Trường đại học Diponegoro đã áp dụng chính sách không bắt nạt và được Đội quản lý và phòng ngừa bắt nạt và bạo lực tình dục giám sát chặt chẽ kể từ ngày 1/8/2023” - ông nói.

Bà Diah Satyani Saminarsih - người sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm vận động quyền chăm sóc sức khỏe, Trung tâm Sáng kiến ​​phát triển chiến lược Indonesia - cho biết bước đầu tiên để chấm dứt nạn bắt nạt phải bắt đầu từ việc các tổ chức minh bạch về vấn nạn bắt nạt trong tổ chức của họ.

“Nếu muốn chấm dứt nạn bắt nạt, chúng ta phải thừa nhận rằng đó là một vấn đề. Các bên liên quan nên cùng nhau xây dựng những thay đổi cần thiết để xóa tình trạng bạo lực” - bà nói.

Trọng Trí (theo Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI